Theo Reuters, trước đây, vào mùa mưa, mực nước sông Mekong dâng cao, đổ vào Biển Hồ, khiến lượng cá ở đây rất dồi dào. Trong những năm gần đây, dòng chảy đến Biển Hồ bị gián đoạn, gây ra tình trạng hạn hán.
Marc Goichot, chuyên gia của tổ chức World Wide Fund for Nature, cho biết các con đập, cụ thể là việc khai thác cát làm giảm đáng kể sản lượng cá ở khu vực.
“Về cơ bản, toàn bộ hệ thống đang thay đổi. Chúng ta cần giải quyết triệt để nguyên nhân và thiết lập lại những tiến trình quan trọng, ví dụ như sự di chuyển của các loại cá”, ông nói.
Một số chuyên gia cho rằng hàng loạt yếu tố gồm các dự án đập thủy điện, việc khai thác cát, phá rừng, chuyển đổi đất ngập nước và biến đổi khí hậu khiến mực nước các sông trong khu vực giảm mạnh. Điều này đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người dân Campuchia.
Liệu 11 con đập của Trung Quốc gây hại cho các nước hạ lưu sông Mekong hay không trở thành vấn đề mà Mỹ thường xuyên đặt ra đối với Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Ngư dân Tin Yusos bên chiếc thuyền của mình trên dòng sông Mekong. Ảnh: Bangkok Post. |
Tin Yusos, ngư dân 57 tuổi, chia sẻ: “Không còn cá lớn ở đây nữa. Trước đây, tôi có thể bắt được khoảng 30 kg cá/ngày. Nhưng bây giờ, tôi chỉ bắt được hơn 1 kg, với trị giá khoảng 3,69 USD”.
Gia đình Tin Yusos dự định đánh bắt ở khu vực Biển Hồ và những con sông thuộc dòng Mekong, mặc dù Tin Yusos không kỳ vọng sẽ đánh được nhiều cá, theo Reuters.
Ly Safi, ngư dân người Campuchia 32 tuổi, cho biết chưa bao giờ sản lượng đánh bắt của anh lại thấp như năm nay và anh cảm thấy mình phải vật lộn với cuộc mưu sinh không có nhiều triển vọng.
“Một số ngư dân có thể sử dụng tiền tiết kiệm để lên đất liền kinh doanh. Nhưng với tôi thì là việc không thể”, anh nói với Reuters.