Đối với châu Âu, sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, hay còn gọi là "Con đường Tơ lụa Mới", có thể là cơ hội nhưng cũng có thể là mối đe dọa. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Trung Quốc đầu tuần này, Bắc Kinh sẽ muốn biết nhà lãnh đạo trẻ rốt cuộc xem kế hoạch này là gì.
Kể từ khi Trung Quốc trình làng dự án "Con đường Tơ lụa Mới" vào năm 2013, kế hoạch đầy tham vọng trong việc kết nối châu Á và châu Âu thông qua các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển đã nhận được sự quan tâm to lớn, nhưng cũng đồng thời gây ra những lo lắng không nhỏ.
"Đây là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế nhiều năm tới và sẽ là trọng điểm mấu chốt nhất trong chuyến thăm của ông Macron", ông Barthelemy Courmont, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc tổ chức nghiên cứu Iris của Pháp, nhận định trên AFP.
Dự án của Trung Quốc tập trung vào việc kết nối châu Á và châu Âu thông qua các hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng biển. Đồ họa: McKinsey & Company. |
Châu Âu chia rẽ
Dự án trị giá 1.000 tỷ USD được xưng tụng là sự hồi sinh của Con đường Tơ lụa cổ xưa, một thời là tuyến giao thương tấp nập với các mặt hàng như vải vóc, gia vị và nhiều hàng hóa khác giữa phương Đông và phương Tây.
Được Bắc Kinh gọi với cái tên "Một Vành đai, Một Con đường" (tên tiếng Anh hiện đã được đổi thành "Vành đai và Con Đường"), kế hoạch nói trên sẽ tập trung vào việc xây dựng những hệ thống đường bộ và đường sắt mới xuyên Trung Á và vươn xa hơn, cũng như một tuyến hàng hải kết nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương và Hồng Hải.
Bắc Kinh sẽ xây dựng đường bộ, đường sắt và cảng biển tại 65 quốc gia đại diện khoảng 60% dân số và một phần ba sản lượng kinh tế toàn cầu.
Trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài ba ngày bắt đầu từ 7/1, Tổng thống Macron được tháp tùng bởi khoảng 50 lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn hợp tác làm ăn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đến nay, Pháp vẫn tỏ ra thận trọng trước sáng kiến của Trung Quốc. Song theo chuyên gia Courmont, các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh đang "chờ đợi một lập trường rõ ràng" từ ông Macron trong bối cảnh họ nhìn nhận vị tổng thống trẻ tuổi là "động cơ" của tăng trưởng tại châu Âu.
"Nếu Macron đưa ra quyết định về cách ứng xử với sáng kiến của Trung Quốc, cả châu Âu sẽ nghe theo", ông Courmont dự đoán.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau hồi tháng 7/2017 tại hội nghị G20 ở Đức. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, như vị chuyên gia thừa nhận, châu Âu đang chia rẽ trong cách nhìn nhận tham vọng của Trung Quốc.
Châu Âu có thể hưởng lợi lớn từ sự phát triển của giao thương trong những thập kỷ tới, nhưng ở một số góc độ, vẫn có những hoài nghi rằng sáng kiến trên che đậy tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
"Đáng chú ý là họ đang tự vấn về những hệ quả địa chính trị từ dự án này về lâu dài", Alice Ekman, người nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nói về Pháp và Đức.
Tại Trung và Đông Âu, kế hoạch của Bắc Kinh được hoan nghênh nhiệt tình vì những khoản đầu tư khổng lồ mà Trung Quốc có thể mang lại cho khu vực nghèo nhất của "lục địa già".
"Một số xem sự thức giấc của Trung Quốc và châu Á là một mối đe dọa", Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại một hội nghị ở Budapest hồi tháng 11 năm ngoái với sự tham gia của Trung Quốc cùng 16 nước Trung và Đông Âu.
"Đối với chúng tôi, đây là một cơ hội lớn", ông nói. Tại hội nghị này, Bắc Kinh đã công bố khoản đầu tư trị giá 3 tỷ euro vào các dự án, bao gồm tuyến đường sắt Belgrade-Budapest.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban bên lề hội nghị giữa Trung Quốc và 16 nước Trung, Đông Âu hồi tháng 11/2017. Ảnh: Getty. |
Giải pháp cùng thắng?
Ông Bogdan Goralczyk, giám đốc Trung tâm Châu Âu tại Đại học Warsaw (Ba Lan), lưu ý rằng sự chia rẽ thậm chí tồn tại trong các nước Đông Âu khi chính phủ cánh hữu ở Ba Lan tỏ ra do dự về kế hoạch của Trung Quốc.
Những nước khác ở Tây Âu không giấu giếm mối quan ngại của họ.
Trong một chuyên mục trên báo Zeit của Đức, cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen nói: "Châu Âu sẽ chỉ tỉnh ngộ khi đã quá muộn, khi hệ thống hạ tầng ở khắp Trung và Đông Âu đã trở nên lệ thuộc vào Trung Quốc".
Ông Rasmussen, người cũng từng là tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lưu ý rằng Hy Lạp, một nước nhận viện trợ lớn của Trung Quốc, đã ngăn cản EU ra tuyên bố lên án vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc hồi tháng 6.
Sự việc xảy ra chỉ vài tháng sau khi cảng Piraeus ở Athens, một trong những hải cảng lớn nhất thế giới, được giao cho người Trung Quốc quản lý.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là nước hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Trung Quốc song cũng quyết định bảo lưu trước sáng kiến "Vành đai và Con đường".
"Nếu chúng ta không xây dựng được một chiến lược đối phó với Trung Quốc, họ sẽ thành công trong việc chia rẽ châu Âu", ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đưa ra lời cảnh báo hồi tháng 8.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 5/2017. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, Pháp đang tìm cách "tái cân bằng" quan hệ với Trung Quốc nhân chuyến đi của ông Macron, theo thông cáo từ văn phòng vị tổng thống. Paris đang nóng lòng giải quyết khoản thâm hụt thương mại lên đến 30 tỷ euro của Pháp với Trung Quốc, lớn nhất trong quan hệ thương mại giữa Pháp với bất kỳ đối tác nào.
"Những đối tác Trung Quốc của chúng tôi sẽ mong muốn một giải pháp cùng thắng. Tại sao lại không? Với điều kiện rằng không phải cùng một bên thắng đến hai lần", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu hôm 4/1.
"Ý định của Pháp không phải là ngăn cản Trung Quốc", ông nói.
"Song chúng ta cần thiết lập mối quan hệ đối tác dựa trên sự có qua có lại khi nói đến vấn đề mở cửa thị trường".