Vào một ngày giữa tháng 11, các nhân viên tại startup trí tuệ nhân tạo OpenAI bất ngờ nhận được một nhiệm vụ mới: ra mắt một chatbot AI trong 2 tuần tới. Vào thời điểm đó, chatbot này được ban giám đốc đặt tên là “Chat với GPT-3.5”, dự kiến công bố miễn phí trên toàn cầu.
Thành công đột ngột của ChatGPT
Yêu cầu này đã khiến không ít nhân viên OpenAI hoang mang. Trong cả năm qua, họ đã tập trung phát triển GPT-4, một mô hình AI có khả năng viết luận, gõ code… xuất sắc.
Sau vài tháng thử nghiệm và tinh chỉnh, GPT-4 đã gần chạm đến ngưỡng hoàn thiện để công bố rộng rãi. Nhóm phát triển dự kiến ra mắt GPT-4 vào đầu năm 2023, cùng với các chatbot khác để người dùng có thể thử nghiệm.
Nhưng vào lúc này, ban giám đốc OpenAI đột nhiên đổi ý. Nhiều giám đốc lo ngại sẽ bị các đối thủ vượt mặt khi họ ra mắt chatbot trước GPT-4. Đồng thời, việc ra mắt một mô hình ngôn ngữ đời cũ như GPT-3,5 sẽ giúp họ nhận phản hồi, đánh giá từ người dùng để cải thiện phiên bản mới.
Do đó, ban giám đốc quyết định công bố trước một chatbot nâng cấp nhẹ từ mô hình GPT-3 ra mắt năm 2020, chính là ChatGPT hiện nay. 13 ngày sau thông báo, ChatGPT chính thức ra đời.
ChatGPT được xây dựng và ra mắt một cách gấp rút vì OpenAI lo sợ sẽ bị các đối thủ vượt mặt. Ảnh: Phương Lâm. |
Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi xuất hiện, ChatGPT đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Hàng triệu người dùng chatbot để viết thơ, lập trình ứng dụng và thậm chí là tham vấn tâm lý. Công cụ này còn được các trang báo, công ty marketing và doanh nghiệp đầu ngành ứng dụng, đồng thời mở ra một cơn sốt đầu tư vào AI mới cho các nhà đầu tư.
Song, chatbot của OpenAI cũng nhận về nhiều ý kiến chỉ trích. Người dùng phàn nàn ChatGPT thường xuyên đưa ra những câu trả lời đầy thiên kiến hoặc thiếu chính xác. Nhiều trường học công tại Mỹ đã ra lệnh cấm ChatGPT tại trường học để các học sinh không lợi dụng AI làm giúp bài tập.
ChatGPT vẫn là khoản đầu tư tốn kém
Danh tiếng rầm rộ là vậy nhưng ít người biết được nguồn gốc hình thành và chiến lược đằng sau chatbot AI đình đám này. Với nội bộ OpenAI, ChatGPT đạt thành công ngoài sức tưởng tượng của họ nhưng đồng thời cũng mang lại không ít thách thức.
Trước khi ChatGPT chính thức ra mắt, một số nhân viên OpenAI lo ngại rằng dự án sẽ không thể thành công. BlenderBot, chatbot AI của Meta được ra mắt vài tháng trước, đã thất bại thảm hại trong khi một dự án AI khác của tập đoàn có tên Galactica cũng bị hủy bỏ chỉ trong vòng 3 ngày.
Một số nhân viên khác còn bị nản lòng với sự phủ sóng dày đặc của các hệ thống AI hoàn hảo khác và cho rằng một mô hình ngôn ngữ có 2 năm tuổi đời sẽ không còn đủ hấp dẫn với người dùng.
Song, thực tế đã chứng minh thành công không ngờ đến của ChatGPT. Chatbot hiện đã đạt cột mốc 30 triệu người dùng chỉ sau 3 tháng công bố và có hơn 5 triệu lượt truy cập mỗi ngày. Con số này đã biến chatbot của OpenAI trở thành phần mềm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử.
Nhưng thành tựu cũng đi kèm với khó khăn. ChatGPT thường xuyên gặp tình trạng quá tải vì phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ và nhiều người dùng tìm cách lách luật, vi phạm các điều khoản an toàn của chatbot. Độ phủ sóng của ChatGPT cũng khiến nhiều đối thủ là các ông lớn công nghệ dè chừng. Họ chế giễu rằng công nghệ đằng sau ChatGPT thực ra chẳng có gì mới mẻ.
Bên cạnh đó, ChatGPT vẫn là một khoản đầu tư tốn kém vì vẫn chưa có quảng cáo. Trong khi đó, trung bình mỗi cuộc hội thoại OpenAI đều phải tốn phí để vận hành bộ máy phần cứng, con số tổng lên đến hàng triệu USD/tuần CEO Sam Altman cho biết. Do đó, để trang trải phần chi phí này, công ty phần mềm đã ra mắt bản ChatGPT Plus thu phí 20 USD/tháng.
OpenAI bắt đầu lo sợ
Song, nếu bỏ qua những hạn chế này, thành công của ChatGPT vẫn khiến OpenAI phất lên nhanh chóng và trở thành thế lực mới trong Thung lũng Silicon. Công ty khởi nghiệp đã “chốt sổ” khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft để tích hợp chatbot vào công cụ tìm kiếm Bing và các sản phẩm khác của hãng. Google còn “báo động đỏ”, ráo riết thử nghiệm AI giống ChatGPT để cạnh tranh.
Theo New York Times, CEO Altman từng khẳng định mục tiêu của OpenAI là tạo ra trí tuệ nhân tạo tổng quát (artificial general intelligence - AGI), có khả năng hiểu và học hỏi tư duy của con người.
CEO Sam Altman (trái) tỏ ra lo ngại về thành công của ChatGPT. Ảnh: New York Times. |
Nhưng thành công đột ngột ChatGPT và được mọi người đón nhận đã khiến Altman lo lắng. Vị CEO quan ngại rằng ChatGPT sẽ bị các nhà làm luật để mắt đến hoặc khiến người dùng kỳ vọng quá cao với những phiên bản tiếp theo. Trên Twitter cá nhân, Altman cố gắng trấn an người dùng, cảnh báo rằng ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế và việc phụ thuộc vào nó vào lúc này là hoàn toàn sai lầm.
Ông cũng không khuyến khích nhân viên khoe khoang về thành tựu của ChatGPT. Tháng 12/2022, khi ChatGPT có hơn 1 triệu người đăng ký, chủ tịch Greg Brockman của OpenAI đã nói rằng chatbot hiện đã đạt mốc 2 triệu người dùng.
CEO Altman đã nhanh chóng yêu cầu ông xóa bài đăng và nói rằng việc quảng cáo về tăng trưởng của ChatGPT là thiếu khôn ngoan, nguồn tin nội bộ nói với New York Times.
Về mặt chính trị, CEO cũng cố gắng để ChatGPT nằm ngoài các cuộc tranh luận. Ông đã đến Washington vào tuần trước để gặp gỡ các nhà lập pháp, khẳng định những điểm mạnh, điểm yếu của công cụ và giải đáp mọi hiểu lầm về cách vận hành của nó.
Trong khi đó, ở Thung lũng Silicon, Sam Altman đã trở thành tâm điểm mới. Ngoài khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD của Microsoft, ông còn gặp gỡ giám đốc cấp cao của Apple và Google. OpenAI cũng ký kết hợp đồng với trang tin BuzzFeed, sử dụng công nghệ của họ để tạo ra các danh sách hoặc bài quiz bằng AI.
ChatGPT đã khiến cuộc đua AI trở nên nóng lên hơn bao giờ hết. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Baidu cũng chuẩn bị ra mắt chatbot giống với ChatGPT vào tháng 3 tới. Anthropic, công ty trí tuệ nhân tạo do cựu nhân viên OpenAI mở, cũng đang đàm phán gọi vốn 300 triệu USD. Trong khi đó, Google đang tăng tốc phát triển hàng loạt công cụ AI mới.
Với OpenAI, GPT-4 vẫn sẽ ra mắt vào năm nay theo đúng kế hoạch trước đó. Khi GPT-4 xuất hiện, rất có thể ChatGPT sẽ bị lu mờ. Nhưng ngược lại, cũng có thể chatbot AI hiện tại của OpenAI đã quá mạnh mẽ, khiến những thế hệ sau không còn quá đặc sắc với người dùng.
Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.