Đạo diễn Charlie Nguyễn đánh giá cao khả năng diễn xuất, nội lực của Kaity Nguyễn. Anh dự đoán nữ diễn viên sẽ trở thành một nhân vật quyền lực của điện ảnh Việt ở tương lai.
Đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định thị trường phim ảnh Việt hiện đối diện với nhiều khó khăn, khán giả đánh mất thói quen ra rạp xem phim sau mùa dịch bệnh. Vì vậy, đa số nhà sản xuất cảm thấy hoang mang khi đứa con tinh thần đưa ra rạp ở thời điểm này. "Kể cả không có dịch, các nhà làm phim cũng không mạo hiểm đưa phim phát hành vào tháng thấp điểm như lúc này", anh chia sẻ với Zing.
- Là một tác phẩm thuộc dòng phim độc lập nhưng "Ròm" đã đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng sau một tuần trình chiếu. Anh đánh giá thế nào về con số đó?
- Tôi bất ngờ về doanh thu đó. Tôi đã xem Ròm 3 lần. Đây là phim tác giả, dự liên hoan phim, không mang yếu tố giải trí hay thương mại. Khán giả Việt vốn không mặn mà với dòng phim này. Nhưng có lẽ do duyên số của phim, đặc biệt sau những chuyện đã xảy ra như bị cấm chiếu, bị phạt, thắng giải ở Liên hoan phim Busan và hành trình 8 năm nên khán giả đã ghi nhận tâm huyết, thử thách đó.
Tôi nghĩ doanh thu này không hoàn toàn nằm ở bản thân bộ phim. Nhưng phải nói rằng Ròm là phim tốt, tái hiện cuộc sống gần gũi, chân thật và rất Việt Nam. Người xem sẽ cảm nhận được trái tim của nhà làm phim. Đạo diễn và các cộng sự đã công phu, hy sinh cả thời niên thiếu dành cho dự án.
Đây là tác phẩm mà ai trong ngành xem cũng phải gật đầu khen ngợi. Phim không phải làm cho khán giả đại chúng, nhưng được mọi người đón nhận là điều đáng mừng. Điều đó chứng tỏ khán giả Việt đã đồng hành với thể loại phim độc lập, mở lòng đón nhận sản phẩm mang tính nghệ thuật.
Từ chiến thắng của Ròm, các nhà làm phim độc lập sẽ có cảm hứng sáng tạo, mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình. Nhà sản xuất cũng nhận ra phim nghệ thuật không chỉ là trò chơi, niềm đam mê mà còn có khả năng thương mại tốt.
- Ở khía cạnh một nhà sản xuất, anh rút ra điều gì?
- Một số người nhận xét phim thắng tại phòng vé một phần do có kế hoạch PR, marketing bài bản. Tôi cho rằng từ xưa đến nay, nếu bộ phim yếu, truyền thông cỡ nào cũng không mang lại hiệu quả cao.
Điều quan trọng và quyết định nhất vẫn là chất lượng tác phẩm. Khi phim được khán giả đón nhận, sau đó truyền thông dựa vào và đẩy mạnh bộ phim. Còn những phim yếu, phải gồng lên đẩy PR, marketing thì vẫn không đủ sức lôi cuốn hấp dẫn khán giả. Và nếu có, hiệu ứng cũng rất hời hợt.
- Nhìn vào doanh thu của "Ròm", anh có tự tin khi "Người cần quên phải nhớ" khởi chiếu vào tháng 12?
- Thời điểm này, nhà sản xuất nào có phim chiếu cũng hoang mang. Thực tế, lượng khán giả đến rạp từ đầu năm 2020 đã sụt giảm rất nhiều so với trước. Văn hóa xem phim không còn như xưa, nhiều người đã đánh mất thói quen ra rạp.
Với Người cần quên phải nhớ, tôi hy vọng hơn hai tháng nữa, dịch Covid-19 sẽ hoàn toàn bị đẩy lùi. Thời điểm đó cũng là dịp lễ, mọi thứ mong sẽ dễ dàng hơn. Dù vậy, đó vẫn là hy vọng, chứ không ai dám tự tin. Nhiều người trong ngành cho rằng doanh thu của phim năm nay chỉ bằng một nửa so với năm trước.
Nhưng về chất lượng bộ phim, tôi tự tin. Tôi đã xem qua bản nháp và thấy phim có nhiều điều thú vị.
- Anh tự tin phim của mình tốt nên chấp nhận đối đầu với bom tấn "Wonder Woman 1984"?
- Khi làm bất cứ phim nào, tôi cũng không dám nghĩ đến chuyện hòa vốn. Tôi chỉ biết làm hết mình, chăm lo cho bộ phim tốt nhất có thể. Về mặt thị trường, không ai có thể nói trước được điều gì, bởi chưa biết dịch bệnh diễn biến thế nào, cũng như đâu ai biết Ròm sẽ thành công như vậy.
- Thời điểm này, các nhà phát hành phim đồng loạt kêu gọi nhà sản xuất đưa phim Việt công chiếu, hứa hẹn có nhiều chính sách ưu đãi. Thực tế, không nhiều nhà làm phim mặn mà ra rạp lúc này. Phải chăng có sự xung đột lợi ích giữa hai bên?
- Có những bộ phim làm xong rồi nhưng nhà sản xuất chưa đưa ra công chiếu. Tôi hiểu lý do của nhà sản xuất. Họ đâu muốn bộ phim của mình ra mắt vào thời điểm chiều nào ở TP.HCM cũng có những cơn mưa lớn.
Làm gì có ai đội mưa đi xem phim? Không những thế, mùa này sinh viên còn đang bận rộn với lịch học, thi cử. Tôi nghĩ kể cả không có dịch, không nhà làm phim nào mạo hiểm đưa phim phát hành vào tháng thấp điểm.
- Một nhà phát hành phim nhận định cứ có phim hay thì ra mắt thời điểm nào cũng sẽ thắng doanh thu. Ý kiến của anh như thế nào?
- Phải nhìn vào thực tế, phim dù hay thế nào cũng chỉ trụ được ở rạp khoảng hai tuần thôi. Đâu có phim nào được xếp lịch chiếu mãi ở rạp. Hai tuần đó mà trời mưa suốt thì ai mua vé? Do đó, nhà sản xuất phải đợi dịp lễ mới ra phim. Đó là lý do ai cũng “book” trước lịch ra mắt phim vào dịp lễ từ rất sớm.
- Trước đây chưa có tiền lệ các nhà phát hành chịu ngồi lại với nhau và hứa hỗ trợ cho nhà sản xuất phim Việt. Theo anh, điều này nói lên câu chuyện gì?
- Từ xưa, nhà phát hành đâu có gặp tình huống rạp bị trống do thiếu phim chiếu đâu. Vì thế, họ không cần ngồi lại với nhà sản xuất phim Việt. Quan điểm của họ là phim hay thì tôi chiếu. Nếu không hay, phim bị đá ra, nhà phát hành lập tức đưa phim khác vào. Đó là sự công bằng trong thương mại.
Hiện tại, dù được các rạp kêu gọi, nhà sản xuất lại không thể mạo hiểm. Tiền đầu tư phim đâu phải của họ, mà là từ nhà đầu tư. Họ phải đảm bảo tiền cho nhà đầu tư thì lần sau mới có thể xin vốn làm phim tiếp.
- Liệu mối quan hệ giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim Việt có được cải thiện?
- Tôi thấy mối quan hệ này lúc nào cũng tương hỗ, dựa vào nhau. Nếu không bắt tay thì cả hai đều bị ảnh hưởng. Trên thực tế, giữa hai bên cũng có mâu thuẫn nhỏ, nhưng ngành nào cũng như vậy.
- Trong giai đoạn điện ảnh khó khăn, theo anh, cơ quan nhà nước cần có động thái như thế nào?
- Lúc này, tôi tin người làm phim chỉ mong đợi cơ quan chức năng ủng hộ ở mặt kiểm duyệt. Điều mong đợi lớn hơn là cơ quan nhà nước nên lập quỹ để tổ chức đào tạo các bạn trẻ hoặc tặng học bổng, gửi những bạn làm phim ngắn hoặc biên kịch xuất sắc đi học nước ngoài.
Ngoài ra, tôi cũng mong Nhà nước có thể giảm thuế cho nhà sản xuất, rạp phim để việc làm phim nhẹ nhàng hơn. Các nước trên thế giới đều giảm thuế cho nhà làm phim như Singapore giảm 20%, Malaysia giảm 40%, New Zealand giảm 30%. Họ giảm thuế cũng nhằm thu hút nhà làm phim nước ngoài đến làm việc. Chẳng hạn, khi một đoàn phim Hollywood tới Việt Nam, họ sẽ thuê nhiều nhân viên trong nước làm việc. Nhờ đó, nhân sự của Việt Nam được học hỏi nhiều, kỹ năng được cải thiện khi làm bên cạnh những người chuyên nghiệp.
- Bộ phim đánh dấu sự trở về Việt Nam của anh là "Dòng máu anh hùng" hồi 2007. Theo anh, 13 năm qua, điện ảnh Việt đã thay đổi thế nào?
- Tôi nhớ khi Dòng máu anh hùng ra mắt, khán giả còn xa lạ với bộ phim. Lúc phim công chiếu ở Hà Nội, bước ra rạp, nhiều người ngỡ ngàng không hiểu coi phim gì, thắc mắc phim ở đâu ra, và tại sao ở Việt Nam có bộ phim như vậy. Đến bây giờ, các nhà làm phim đã mang tới tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau với kỹ thuật hiện đại hơn.
Có thể nói điện ảnh Việt trưởng thành và lớn lên từng ngày. Cách đây 5 năm, có rất nhiều biên kịch và đạo diễn chưa biết cách kể chuyện. Bây giờ, nội dung được kể một cách tinh tế, không bị lộn xộn nữa.
- Có ý kiến nhận định việc các nhà sản xuất đổ xô làm phim remake thời gian qua cho thấy sự tụt hậu của điện ảnh Việt. Anh nghĩ sao?
- Điện ảnh Việt đã làm nhiều phim remake, nhưng chỉ có hai phim thành công, được khán giả nhắc tới nhiều là Tháng năm rực rỡ và Em là bà nội của anh. Ở góc độ nhà sản xuất, có nên chọn làm phim remake không khi xác suất thành công thấp như vậy? Ngoài ra, khán giả biết trước câu chuyện, đề tài cũ, rất khó thuyết phục họ tới rạp. Rõ ràng, đây không phải giải pháp an toàn về mặt sản xuất.
Với người làm nghề, việc thực hiện một tác phẩm y hệt của người khác sẽ khiến họ không thấy vui, hứng thú. Những bộ phim tạo "hit" ở nước ngoài vốn đã có câu chuyện và cách kể hay. Đạo diễn làm remake nghĩa phải tìm ra điều mới trong một tổng thể rất tốt. Đó là công việc khó khăn vô cùng. Nếu làm lại bản gốc, người đạo diễn sẽ không còn là mình nữa.
- Nếu nhận được lời mời làm phim remake, anh có đồng ý?
- 4-5 năm qua, tôi nhận được nhiều lời mời làm phim remake. Nhưng nhìn vào bộ phim, tôi không biết làm thế nào để tốt hơn nên đã từ chối. Nếu tôi làm, chắc chắn phải thay đổi nhân vật, bẻ câu chuyện theo hướng khác… Làm như vậy rất cực, có khi lại không được khán giả chấp nhận.
Ở vai trò nhà sản xuất, tôi từng nghĩ đến biện pháp remake bởi quá trình làm kịch bản tốn thời gian quá nhiều. Để hoàn thiện một kịch bản tốt, tôi phải mất khoảng hai năm. Trong khi làm phim remake sẽ giúp nhà sản xuất đốt cháy được giai đoạn này và có thể làm được 2-3 phim.
Remake không còn xa lạ với thế giới. Ở Hollywood, năm nào họ cũng có phim remake. Tuy nhiên, họ thường làm mới hoàn toàn. Và những tác phẩm remake đó đều đã được phát hành từ 20-30 năm trước rồi.
- Với dự án mới, anh phải rất khó khăn mới chọn được nam chính. Điện ảnh Việt Nam dường như đang “âm thịnh dương suy”?
- Điện ảnh Việt đang cực kỳ thiếu nam diễn viên đóng chính. Mỗi lần, đạo diễn tìm nam diễn viên đóng chính ở lứa tuổi 25-30 vất vả vô cùng. Vì vậy, ai có ngoại hình khả ái, tài năng chút xíu sẽ rất được săn đón. Tình trạng này xảy ra với các đoàn phim đã vài năm qua. Ngược lại, nữ diễn viên rất dễ tìm, có nhiều lựa chọn.
- Hàng năm, có rất nhiều lớp đào tạo diễn viên được mở ra, vì sao chúng ta lại thiếu nam diễn viên đến thế?
- Tôi cũng không thể lý giải được, có vẻ không có chàng trai Việt nào muốn làm diễn viên nữa, số lượng là rất ít. Do không còn sự lựa chọn nào khác, các nhà làm phim phải mời Kiều Minh Tuấn. Nhiều nhà làm phim tìm kiếm vai chính suốt mấy tháng không được ai, cuối cùng lại chọn Kiều Minh Tuấn.
- Sự xuất hiện liên tục của Kiều Minh Tuấn như vậy có gây nên sự nhàm chán?
- Ngay cả các đạo diễn cũng muốn tìm kiếm gương mặt mới để tạo sự bất ngờ với khán giả. Một bộ phim có vài gương mặt mới như mang chiếc áo mới. Hơn nữa, diễn viên giỏi cỡ nào cũng có "hòn đảo", giới hạn của mình, không thoát ra được. Anh Thái Hòa cũng thế, không thể lột xác hoàn toàn với mọi vai diễn.
- Trấn Thành, Trường Giang đều ngoài 30, nhưng vẫn rất được săn đón đấy thôi?
- Hai cái tên này là dạng khác rồi. Họ đóng hài thôi, đâu có chuyên trị vai tâm lý. Kiều Minh Tuấn diễn tốt, có chiều sâu. Trong khi đó, nhiều diễn viên có ngoại hình sáng lại không có đủ lực để gánh vác cả câu chuyện.
Khi casting phim Người cần quên phải nhớ, tôi có một danh sách các diễn viên nổi tiếng, nhưng không thể chọn được ai hợp vai. Đến khi Trần Ngọc Vàng vào thử một vai nhỏ, tôi giật mình khi thấy cậu này hợp với vai Bình. Vừa qua, xem lại bản nháp, tôi có cảm giác Ngọc Vàng có khả năng trở thành hiện tượng như Kaity Nguyễn sau Em chưa 18.
- Những gương mặt mới nổi từ các bộ phim gần đây như Trần Nghĩa, Liên Bỉnh Phát, Lãnh Thanh cũng được đánh giá cao. Anh nghĩ gì về khả năng đi đường dài của họ?
- Bấy nhiêu cái tên vẫn chưa đủ với nhu cầu của điện ảnh. Nhân vật chọn diễn viên chứ không phải đạo diễn, biên kịch nên luôn cần số lượng đông mới đáp ứng được. Diễn viên có khả năng tốt nhưng không phải lúc nào cũng hợp vai. Nếu diễn viên vào đúng vai mới tỏa sáng, thành công. Nếu họ chọn sai có khi sẽ gây phản ứng ngược. Do đó, diễn viên phải ý thức được nghề và biết chọn lựa thích hợp.
- Với số lượng phim không nhiều, cát-xê chưa cao nếu diễn viên kén chọn quá thu nhập khó đảm bảo?
- Đó là tình trạng chung của diễn viên Việt. Lựa chọn vai không thích hợp hay chạy show nhiều như con dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại thu nhập cho diễn viên nhưng chưa chắc đem tới thành công và đôi khi tên tuổi bị ảnh hưởng, không được coi trọng nữa. Vì vậy, diễn viên cần có sự cân bằng, thậm chí đánh đổi để giữ được vị trí của mình.
- Hàn Quốc, Hollywood luôn không thiếu ngôi sao nam. Vậy điều khác biệt của Việt Nam và thế giới là gì?
- Ở Việt Nam, số lượng người có đủ năng lực để thể hiện một câu chuyện dài rất hiếm. Diễn viên đảm bảo đóng tốt vài cảnh cũng không thiếu.
Thực trạng này ở Việt Nam cũng giống thế giới. Tại kinh đô điện ảnh Hollywood, danh sách ngôi sao đóng vai chính cũng không quá một trang giấy đâu. Danh sách này cũng sẽ thay đổi bởi không phải tất cả đều duy trì được vị trí ngôi sao lâu dài. Và diễn viên nam thường duy trì được vị trí lâu hơn nữ.
Bên cạnh đó, họ có một đội ngũ diễn viên phụ đông đảo. Những người này đóng rất nhiều phim, đắt show nhưng không bao giờ trở thành ngôi sao.
- Theo anh, một ngôi sao điện ảnh cần có những yêu cầu gì?
- Ngoại hình không quá quan trọng đâu. Thái Hòa, Kiều Minh Tuấn đâu phải có vẻ đẹp nam thần, vóc dáng chuẩn. Vì thế điều quan trọng nhất của ngôi sao vẫn là nội lực và tư duy sâu sắc với nghề. Khi nhận vai diễn họ phải có suy nghĩ sâu. Họ làm vì yêu, chứ không phải tìm danh tiếng. Có nhiều bạn diễn viên tưởng mình có khả năng, làm việc rất hời hợt. Nhận một vai diễn, người diễn đâu chỉ đọc, hiểu kịch bản là xong.
- Anh đánh giá cao Kaity Nguyễn nhưng một số dự án gần đây, cô ấy chưa để lại nhiều dấu ấn?
- Mỗi bộ phim sẽ có một số phận khác nhau. Nhưng tôi vẫn đánh giá cao Kaity. Cô ấy có sự thông minh của một người diễn viên như sự cảm nhận nhân vật, tư duy, hóa thân, biết chuẩn bị cho nhân vật, bảo vệ nhân vật, biết làm sao kết hợp với bạn diễn…
Tôi tin rằng tương lai Kaity sẽ thành công lớn lắm. Kaity Nguyễn không chỉ tiến xa ở mặt diễn viên, sẽ còn làm được nhiều việc lớn, trở thành một nhân vật quyền lực trong ngành điện ảnh như Ngô Thanh Vân. Mọi người hãy cho cô ấy thời gian.
- Ngoài Kaity Nguyễn, anh còn nhìn thấy những gương mặt nữ nào sáng giá?
- Số lượng nữ diễn viên rất đông đảo, nhà sản xuất và đạo diễn sẽ có nhiều lựa chọn. Vừa qua, tôi khá ấn tượng với Trúc Anh, Thảo Tâm trong phim Mắt biếc.