Chia sẻ với Zing về thị trường phim Việt, đạo diễn Đức Thịnh cho hay hiện nay, đa số phim chỉ sản xuất phim với kinh phí 20 tỷ đồng trở lại. "Khán giả ngày càng khó tính, đòi hỏi nhiều hơn vì thế áp lực với nhà sản xuất phim càng lớn. Với số tiền 20 tỷ đồng, chúng ta chỉ làm được bộ phim giải trí ở mức độ nào đó, thực hiện bộ phim mãn nhãn thì khó vô cùng", anh nói.
Phim Việt thường có kinh phí 20 tỷ
- Phim "Ròm" sau 3 ngày ra mắt công bố doanh thu đạt 30 tỷ đồng. Theo anh, hiệu ứng của bộ phim này liệu đã kéo được khán giả đến với rạp phim sau thời gian dịch bệnh?
- Không chỉ Ròm, bất cứ phim Việt nào ra rạp thời điểm này cũng đáng chúc mừng. Vì thế, phim có doanh thu tốt sẽ là nguồn động viên lớn cho các nhà làm phim khác để họ dám làm những tác phẩm không đậm tính giải trí, có góc nhìn cá nhân. Tôi nghĩ phim nào thắng doanh thu lúc này cũng tốt và rất cần thiết để kéo khán giả trở lại với thói quen xem phim ở rạp.
Đức Thịnh cho rằng phim Việt chưa thể cạnh tranh với phim ngoại. |
- Tín hiệu khả quan này có phải chăng xuất phát từ việc phim không phải đối đầu với các bom tấn của Hollywood?
- Phim ra mắt mùa nào cũng có sự cạnh tranh lớn. Không có thời điểm nào phim Việt chỉ một mình một chợ đâu. Theo tôi, điều quan trọng bây giờ là cần làm nóng lại không khí xem phim, khán giả bắt nhịp thói quen ra rạp các ngày trong tuần.
Mọi đánh giá bây giờ tôi nghĩ chưa toàn diện, cần phải đợi đến dịp cuối năm mới có thể đưa ra cái nhìn chính xác hơn. Tất nhiên, việc nhà sản xuất, phát hành cùng kết nối, cố gắng đưa phim ra rạp thời điểm này là hành động cần thiết.
- Gần đây, các nhà phát hành đề cao vai trò của phim Việt trong ngành kinh doanh phim ảnh. Trước đây họ có thái độ như thế với phim Việt?
- Từ lâu các nhà sản xuất Việt luôn kêu gọi nhà phát hành có chính sách ưu đãi. Điện ảnh Việt còn non trẻ, phải chiến đấu với quá nhiều thứ xung quanh, nhiều áp lực đè lên. Vì vậy cần có sự ưu đãi nhất định, phim Việt mới có cơ hội phát triển.
Khi có nhiều phim Việt thắng doanh thu, các nhà sản xuất mới có vốn lớn, đầu tư thực hiện những bộ phim lớn. Nếu không có phim thắng, nhà sản xuất sẽ bị chùn tay và rất khó thực hiện được bộ phim có kinh phí lớn hơn.
Hiện nay, đa số phim Việt chỉ sản xuất phim với kinh phí hơn 20 tỷ trở lại. Với số tiền đó, chúng ta chỉ làm được bộ phim giải trí ở mức độ nào đó, thực hiện bộ phim mãn nhãn thì khó vô cùng. Khán giả ngày càng khó tính, đòi hỏi nhiều hơn vì thế áp lực với nhà sản xuất phim càng lớn.
- Bài toán lợi nhuận của nhà phát hành dường như đối lập với nhu cầu của các nhà sản xuất phim?
- Nhà phát hành cũng có cái khó của họ. Đặc biệt trong mùa dịch, họ đã phải gồng gánh quá nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn các nhà phát hành có chính sách ưu đãi hơn cho phim Việt. Thực tế phim Việt đối đầu với quá nhiều đối thủ nặng ký từ nước ngoài. Tôi không nghĩ phải đòi hỏi quá, nhưng cần có cơ chế đặc biệt. Công bằng mà nói phim Việt chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với phim nước ngoài, nhất là phim bom tấn của họ.
- Với số vốn hạn chế, nhà làm phim Việt khó làm được phim mãn nhãn. Và họ cũng hoạt động cầm chừng sau dịch bệnh?
- Không có thời điểm nào thuận lợi tuyệt đối với phim Việt. Riêng năm nay, người tính không bằng Covid-19 tính. Thị trường điện ảnh vẫn cần khoảng thời gian để lành bệnh lại. Do đó, nhà sản xuất đều hoạt động cầm chừng. Ai cũng cảm thấy bị nhát tay khi đầu tư phim. Công ty của tôi cũng chuyển mọi dự án sang năm sau để đảm bảo an toàn vốn.
Thuyết phục Charlie Nguyễn đầu tư tiền tỷ trong một tuần
- Vì thế anh chuyển sang làm đạo diễn, diễn viên cho các đơn vị khác?
- Đúng thế. Tôi đang chuẩn bị một số dự án cho công ty của mình nhưng được tiến hành vào năm sau. Năm nay, tôi không có chủ trương làm phim Tết. Tôi cũng cần lấy lại tinh thần, thời gian nghỉ ngơi tái tạo năng lượng. Hơn nữa, vào dịp Tết đã có nhiều phim Việt ra mắt. Tôi nghĩ mình nên né để tránh phải đối đầu với nhiều đối thủ.
Nam diễn viên năm nay chưa thực hiện phim mới. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Vậy khi đạo diễn cho các nhà sản xuất khác anh có bị áp lực về doanh thu?
- Phim chiếu Tết dễ có doanh thu tốt. Còn vào mùa khác, phim phải có chất lượng, hội tụ các yếu tố "thiên thời địa lợi nhân hòa" mới đạt được 100 tỷ đồng. Thị trường bây giờ lại khó khăn hơn trước rất nhiều. Phim đạt được con số 100 tỷ đồng mới tương đương với doanh thu 200 tỷ trước đây.
Nói như vậy không có nghĩa tôi bị áp lực về doanh thu khi tác phẩm của mình ra mắt. Tôi biết khi phim ra rạp còn có nhiều yếu tố, mình không kiểm soát được. Nếu cứ suy nghĩ đến tiền, mình sẽ không làm được phim đâu. Vì thế, nếu thích gì cứ cố gắng làm thật tốt vai trò, khả năng của bản thân. Điều gì tới sẽ tới.
- Nhận lời làm đạo diễn cho nhà sản xuất Charlie, anh gặp khó khăn gì?
- Tôi rất thích đội ngũ sáng tạo của bên anh Charlie. Tôi thấy mọi sản phẩm đều được anh ấy chăm chút kỹ lưỡng. Tôi mong được ngày nào đó cộng tác với anh. Ngược lại, anh Charlie cũng nhận thấy thế mạnh của tôi là dòng phim giải trí.
Lần đầu, cả hai anh em quen nhau khi cùng làm giám khảo của một chương trình. Một thời gian sau, anh gọi điện, mời tôi tham gia đạo diễn. Lúc đó đọc kịch bản tôi rất thích nên đã nhận ngay.
- Ở vai trò đạo diễn thường bị mâu thuẫn với nhà sản xuất về tiền bạc. Anh và Charlie Nguyễn thì sao?
- Trong mọi chuyện, anh Charlie đều cẩn thận, kỹ lưỡng. Khi anh tham gia vào kịch bản, tiền kỳ, anh làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Hơn nữa, anh đã có nền tảng điện ảnh vững chắc nên mọi thứ được chạy khá tốt.
Tôi và anh Charlie đều làm 2 vai trò, đạo diễn và sản xuất. Vì vậy cả hai rất hiểu nhiệm vụ của mỗi khâu thế nào. Nhiều lúc, cả hai anh em nói xong chuyên môn, chuyển sang tiền bạc thì đều nhìn nhau tủm tỉm cười. Do đó, nếu có khúc mắc, khó khăn gì cả hai cũng dễ thông cảm cho nhau.
Trường hợp với bối cảnh cần đầu tư lớn, tôi cũng phải thuyết phục để anh ấy đồng ý đầu tư. Trong phim, có bối cảnh chính ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tôi phải mất gần một tuần thuyết phục. Nếu làm, họ phải bỏ tiền tỷ đầu tư bởi giá thuê địa điểm ở đây khá cao. Phía nhà sản xuất đưa ra nhiều bối cảnh khác. Nhưng cuối cùng, họ vẫn phải chốt bối cảnh theo ý tôi vì điều này liên quan đến mấu chốt của phim.