9 tháng qua, điện ảnh thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ở trong nước, các cụm rạp đồng loạt đóng cửa, dự án phim phải dời lịch chiếu hoặc hoãn sản xuất.
Sau khi mở cửa trở lại, các hệ thống rạp chiếu phim vẫn đìu hiu, vắng bóng khán giả. Nguyên do xuất phát từ tâm lý lo ngại của người dân khi dịch bệnh chưa chấm dứt. Mặt khác, các nhà sản xuất không dám đưa phim mới ra công chiếu vì sợ rủi ro.
Vậy giải pháp nào cho điện ảnh Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn và phục hồi hậu Covid-19?
Phim Việt phải nâng chất lượng để kéo khán giả
Sau buổi hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Cục Điện ảnh tổ chức hôm 21/9, các đại biểu nhận định thời gian tới là cơ hội để phim Việt chinh phục khán giả trong nước bằng chính chất lượng và nội dung của mình.
Trao đổi với Zing, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh để điện ảnh Việt Nam phục hồi sau dịch Covid-19, cần có sự chung tay của nhà sản xuất và đơn vị phát hành.
Nhiều bộ phim Việt dời lịch chiếu. |
Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi bài học điển hình từ hai thị trường điện ảnh lớn của châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc. Cụ thể, những bộ phim giải cứu phòng vé là phim nội địa, không phải bom tấn nước ngoài.
Ở Hàn Quốc, nửa cuối tháng 6, rạp chiếu phim của xứ sở kim chi đã liên tiếp xuất hiện những kỷ lục phòng vé mới. Nhiều bộ phim như #Alive, Peninsula, Contents Panda… thu hút lượng khán giả đông đảo trong ngày đầu ra mắt. Đặc biệt, Deliver Us From Evil vượt mặt bom tấn nước ngoài ở cuộc đua phòng vé.
Trong khi đó, bộ phim The Eight Hundred được xem là cứu tinh của điện ảnh Trung Quốc chứ không phải phim bom tấn ngoại thời hậu Covid-19.
Từ những dẫn chứng kể trên, lãnh đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng phim Việt sẽ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc giải cứu thị trường. Đồng thời, các rạp chiếu sẽ đa dạng được nội dung và khán giả Việt sẽ được thưởng thức những bộ phim chất lượng.
“Không ai mong muốn đại dịch thay đổi hành vi và thói quen xem phim của khán giả. Do đó đây là cơ hội để các rạp chiếu, các nhà sản xuất phim giới thiệu những tác phẩm chất lượng, chương trình quảng bá điện ảnh phù hợp và kích thích nhu cầu giải trí, thói quen xem phim của khán giả nước nhà”, đại diện của Cục Điện ảnh bày tỏ.
Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, dịch bệnh đem tới thách thức lớn cho ngành điện ảnh, nhưng đồng thời mở ra những cơ hội khác. Trong mọi hoàn cảnh, vấn đề mấu chốt là nâng tầm chất lượng của các tác phẩm điện ảnh Việt Nam.
“Điều có thể kéo khán giả đến rạp xem phim vẫn phải là những bộ phim hay, khiến công chúng được vui, buồn, cười và khóc, được cảm nhận tình yêu, nỗi sợ hãi, được hét lên hay ôm chầm lấy ai đó. Những nhà làm phim như chúng tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục tạo nên những bộ phim chất lượng đem đến cho khán giả những trải nghiệm đáng nhớ đó, cho dù có dịch bệnh hay không”, ông khẳng định.
Cần sự vào cuộc của Nhà nước
Ngoài nhà sản xuất, đơn vị phát hành là những người đồng hành trong công cuộc đưa điện ảnh Việt thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan. Về phía hệ thống rạp chiếu phim CGV, đơn vị này khẳng định sẽ hỗ trợ 100% cho các phim Việt ra mắt trong bối cảnh hiện tại.
Các nhà rạp như Galaxy, BHD cũng sẽ chung tay và có các hành động cụ thể để thuyết phục các nhà sản xuất lẫn khán giả trong việc đưa phim Việt sớm quay lại. Tuy nhiên, những phương án cụ thể về giảm phí phát hành, phân chia tỷ lệ, hỗ trợ quảng cáo giữa hai đơn vị nhà phát hành và sản xuất còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Rạp phim vắng khách sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Theo đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn, trong công cuộc giải cứu phim Việt hậu Covid-19, các cơ quan nhà nước cần có những chính sách kịp thời trong việc tạo ra không gian thưởng thức nghệ thuật an toàn cho khán giả và chia sẻ gánh nặng kinh tế với nhà sản xuất, phát hành.
“Câu hỏi nan giải đặt ra: các nhà rạp có thể chịu thiệt đến đâu và Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thiết thực cho phim Việt đến mức nào?”, ông nói.
Trên thế giới, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước đã ban hành các chính sách để hỗ trợ cho ngành công nghiệp văn hóa – nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Cụ thể, Singapore chi 1,6 tỷ SGD, Anh (160 triệu bảng Anh).
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ từng ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có doanh nghiệp điện ảnh (thuộc lĩnh vực hoạt động sáng tác nghệ thuật và giải trí, hoạt động chiếu phim).
Tuy nhiên, trên thực tế, các rạp chiếu phim đã đóng cửa từ tháng 4. Đến đầu tháng 5, các hệ thống rạp chiếu tái khởi động trong tình trạng vắng khách. Vì vậy, việc hỗ trợ giãn thuế VAT năm 2020, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 không hỗ trợ được nhiều.
Hôm 16/4, trước những khó khăn của ngành công nghiệp điện ảnh, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, xem xét miễn thuế VAT 2020, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và chiếu phim.
Sau 5 tháng kêu cứu, các cơ quan nhà nước vẫn chưa có hành động cụ thể để kích cầu cho điện ảnh Việt Nam phát triển, thoát khỏi những khó khăn bủa vây hậu Covid-19.