Nguyễn Như Anh Trung, sinh ra lớn lên ở làng nghề sơn thếp mộc truyền thống Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Anh được học nghề chạm khắc gỗ từ năm 12 tuổi. Hiện giờ chàng trai 23 tuổi rất thạo nghề và đảm đương được nhiều công việc khó. "Tôi đang đục phần mặt của tượng, đây là việc đòi hỏi kỹ thuật và mỹ thuật cao", Trung vừa làm vừa tâm sự. |
23 năm trước khi mẹ Trung mới 22 tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm về thai sản. Mới 7 tháng mang bầu thì chị chuyển dạ và phải sinh non. Cậu bé ra đời chỉ nặng 1,2 kg và phải nằm ở phòng hồi sức cấp cứu. "Bây giờ biết tôi thiệt thòi nhiều, mẹ rất yêu và thương tôi, thỉnh thoảng bà đem ảnh con ra ngắm", Trung nói. |
Mẹ Trung kể lúc vừa sinh ra cậu phải được bơm oxy liên tục, chỉ cần ngừng thôi thì thân thể tím tái. Bà đau xé ruột gan khi biết cậu bị điếc, mất bàn chân bên trái và một phần xương ống quyển. Những ngày nóng, Trung phải tháo chân giả ra để phần tiếp xúc không bị đọng mồ hôi. |
Bây giờ Trung đã là một thanh niên 23 tuổi, dáng vóc khỏe mạnh. Bố cậu rất tự hào khi gửi cậu sang xóm bên cho thầy dạy nghề chạm khắc gỗ từ năm 12 tuổi. Giờ Trung đã đục được cả diện (mặt), là phần khó nhất của bức tượng. |
"Trung làm được bao tiền đưa hết cho mẹ, đi đâu chơi với bạn chỉ xin ít tiền uống nước", mẹ Trung kể. |
Hiện giờ Trung hoàn toàn khoẻ mạnh và di chuyển bằng chiếc chân gỗ. Mỗi lần về sinh sau giờ làm, cậu đều chăm sóc cả hai chân thật và giả của mình. |
Do bị điếc Trung không đi học chữ. Khả năng đọc viết của cậu rất kém nhưng bù lại bằng khả năng vẽ. |
Ở xưởng mộc các thợ cả phải truyền đạt bằng bút vẽ hoặc viết ra cụ thể. Trung có ước mơ trở thành một nghệ nhân giỏi của làng và tìm được người bạn đời chia sẻ ngọt bùi để bố mẹ và gia đình yên lòng. |
Hàng ngày Trung đều đặn đi làm ở xưởng gần nhà từ sáng đến chiều. Vì đã có 10 năm kinh nghiệm nên cậu đảm đương được một số công việc chạm khắc gỗ khó và được trả lương như thợ chính. |
"Chiếc chân gỗ của tôi sau 2-3 năm lại phải nối thêm để bắt kịp chiều cao khi lớn dần", Trung nói và chia sẻ muốn là tấm gương cho nhiều thanh niên làng nghề truyền thống với tinh thần quyết tâm, nghị lực, vượt khó. |
Chiều về và những ngày nghỉ Trung lại giúp mẹ chăm đàn gia súc, nấu cơm, dọn nhà… |
Bữa cơm tối với bố mẹ, anh chị em Trung luôn đầy ắp tiếng cười. Cuộc sống của cậu tuy có thiệt thòi nhưng bù lại Trung thấy mình hạnh phúc với những người thân trong gia đình mỗi ngày. |
Bố Trung cũng làm nghề sơn thếp tượng nên tối đến hai bố con thường trao đổi nghề nghiệp qua hình ảnh trên máy vi tính. |