Chanathip và Công Phượng, cả hai mũi nhọn tấn công này đều được truyền thông so sánh với Lionel Messi. Trong bài viết trên Korea Times, nhà báo John Duerden miêu tả Công Phượng rất mạnh ở khả năng rê dắt bóng qua cầu thủ đối phương, tố chất mà Leo lừng danh người Argentina sở hữu.
Trong khi đó, Chanathip được người dân Thái Lan đặt biệt danh "Messi Jay". Cầu thủ này nhỏ con, tuy nhiên lại rất khéo léo, tốc độ và sở hữu kỹ thuật cá nhân tốt. "Mess Jay" bây giờ là một trong những nhân tố quan trọng của Consadole Sapporo, đội bóng tại Nhật Bản.
Công Phượng vừa được Incheon United chiêu mộ. Ảnh: Incheon United. |
Theo HLV đội U21 Yokohama, ông Tomonobu Hayakawa, từng sang dẫn quân sang Việt Nam dự các giải giao hữu quốc tế, Chanathip rất hay, tuy nhiên Công Phượng cũng tài năng không kém. Mỗi người đều có tố chất đặc biệt, khả năng làm thay đổi cục diện trận đấu.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hayakawa nói: "Chanathip là cầu thủ tuyệt vời. Trong khi đó, Công Phượng chưa có được khả năng chuyền bóng (kiến tạo sắc bén) như người đồng nghiệp. Dù vậy, tiền đạo người Việt Nam nếu học hỏi và cố gắng rèn luyện sẽ đạt được kỹ năng ấy".
Ông thầy người Nhật Bản nói thêm, Chanathip ban đầu gặp nhiều khó khăn khi "chân ướt chân ráo" tới Nhật. Nhưng sau đó, nỗ lực của cầu thủ này giúp anh tìm được chỗ đứng tại Hokkaido Consadole Sapporo. Tháng 7 năm ngoái, đội bóng từng là nơi Công Vinh thi đấu đã mua đứt tiền vệ tấn công 25 tuổi.
Nhìn từ thực tế đó, Chanathip đã đi trước Công Phượng. Dù vậy, tiền đạo tuyển Việt Nam chưa phải hết cơ hội bắt kịp đối thủ. Anh vừa được Incheon United chiêu mộ. Công Phượng từng có kinh nghiệm thi đấu nước ngoài, dù không phải thời gian ngọt ngào, tuy nhiên trải nghiệm trên đất Nhật Bản là điều rất quý báu.
Chanathip đã thành công tại Nhật Bản. Ảnh: Getty Images. |
Công Phượng đến Incheon United với "trái tim cháy bóng và nhiệt huyết cao". Anh muốn khẳng định bản thân. Trong năm qua, tiền đạo sinh năm 1995 đã thi đấu rất nỗ lực. Từ giải U23 châu Á, đến ASIAD rồi AFF Cup và gần đây Asian Cup, mũi nhọn thuộc HAGL đều để lại nhiều dấu ấn.
Công Phượng tại Asian Cup 2019 đã ghi 2 bàn. Còn ở AFF Cup, anh đóng góp 3 pha lập công trên hành trình giành chức vô địch của đội nhà. Bên cạnh những bàn thắng, người hâm mộ được thấy một Công Phượng luôn chiến đấu hết mình, dù có lúc phải đá trái sở trường. Tại Asian Cup, anh nhiều lần chơi như trung phong cắm.
Theo HLV Tomonobu Hayakawa, Công Phượng có khả năng độc lập tác chiến tốt. Yếu tố này sẽ giúp anh tạo ra sự đột biến khi sắp đối đầu với những hậu vệ cao to, chơi thiên về sức mạnh của Hàn Quốc.
Đó chưa kể tiền đạo trưởng thành từ CLB HAGL còn được trời phú cho kỹ năng rê dắt bóng tốc độ, yếu tố có thể giúp chàng trai Đông Nam Á tạo ra khác biệt trong môi trường bóng đá Hàn Quốc.
Khả năng rê dắt tốc độ là điểm mạnh của Công Phượng. Ảnh: Minh Chiến. |
Thật vậy, những hậu vệ Hàn Quốc rất mạnh tranh chấp tay đôi. Mà với mẫu tiền đạo cao chưa tới 1,7 m như Công Phượng, đấu kiểu “1 vs 1” chỉ khiến anh gặp bất lợi. Vì vậy, cầu thủ quê Nghệ An cần cho thấy sự khôn ngoan trong phong cách thi đấu.
Số 23 của Incheon United rất cần những pha đi bóng lắt léo, tốc độ để “vặn sườn” những cầu thủ phòng ngự Hàn Quốc. Trong bóng đá, các hậu vệ cao to không thích đối thủ có lối chơi nhanh và khéo léo. Đó là vì họ thua về tốc độ. Ngoài ra, khả năng xoay trở chậm chạp cũng là điểm yếu khác.
Mà với Công Phượng, khả năng rê dắt của anh sẽ rất phù hợp khi đội nhà cần tạo ra đột biến. Ngôi sao Đông Nam Á thậm chí có thể đá như “tiền đạo ảo”, hệt HLV Park Hang-seo từng sử dụng tại Asian Cup 2019.
Vài năm gần đây, Chanathip như biểu tượng cho sự thành công của bóng đá Thái Lan. Một cầu thủ nhỏ con, đến từ quốc gia được xem là “vùng trũng”, lại thành danh trên đất Nhật Bản. Bây giờ, Việt Nam cũng có tiền đạo trẻ mang khát khao khẳng định mình tại Hàn Quốc.
Đồng ý rằng, Chanathip đã đi trước, nhưng Công Phượng cũng rất đáng xem.