Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chấn thương của Duy Mạnh và lỗ hổng khoa học thể thao

6 tuyển thủ từng dự chung kết U23 châu Á 2018 gặp vấn đề với dây chằng, và con số chưa chắc dừng lại ở đây.

Đỗ Duy Mạnh sẽ nghỉ ít nhất 8 tháng để điều trị chấn thương. Cầu thủ sinh năm 1996 được đưa sang Singapore phẫu thuật, cùng bệnh viện điều trị cho người đồng đội Trần Đình Trọng. CLB Hà Nội mất trung vệ giỏi, còn tuyển Việt Nam vẫn chưa hết nỗi lo nhân sự.

Duy Manh chan thuong anh 1

Duy Mạnh có nguy cơ nghỉ hết V.League 2020. Anh là cái tên thứ 6 ở thế hệ Thường Châu dính chấn thương dài hạn ở dây chằng. Họ đều là những trụ cột tại CLB và đội tuyển quốc gia hiện tại. Ảnh: Quang Thịnh.

Thi đấu quá tải là nguyên nhân chấn thương

2 năm qua, Duy Mạnh thi đấu 95 trận cho CLB Hà Nội, U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam (theo thống kê của Soccerway). Dưới thời Park Hang-seo, Duy Mạnh và Nguyễn Quang Hải là 2 cái tên bền bỉ nhất.

Tại tuyến phòng ngự, Trần Đình Trọng từng bỏ lỡ Asian Cup. Bùi Tiến Dũng mất suất đá chính tại AFF Cup 2018, giải đấu mà Quế Ngọc Hải bắt đầu được trọng dụng. Trọng Hoàng lên tuyển cùng lúc với Ngọc Hải, còn Văn Hậu mất nửa sau giải U23 châu Á 2018 vì chấn thương.

Chỉ Duy Mạnh luôn ở đó, ổn định và chắc chắn.

Tại CLB Hà Nội, Duy Mạnh cũng là nhân tố bất biến trong hai mùa vô địch V.League. Tần suất thi đấu gần 50 trận/năm của trung vệ này nhiều hơn mức trung bình của cầu thủ châu Âu. Một cầu thủ đá đủ 38 trận ở Ngoại hạng Anh cần chơi thêm hơn 10 trận ở các giải đấu cúp và đội tuyển quốc gia để cân bằng thông số với Duy Mạnh.

Đó là chưa kể khác biệt về chế độ dinh dưỡng, y học thể thao...

Duy Mạnh phải đá tần suất dày đặc, các giải đấu cùng những chuyến tập huấn liên tục “gối" nhau. Quãng thời gian sau V.League 2019 mới là lần đầu Duy Mạnh được nghỉ quá 2 tháng. Chấn thương là chuyện sớm hay muộn.

Duy Manh chan thuong anh 2

HLV Park Hang Seo luôn đề cao vấn đề thể lực. Tuyển Việt Nam đã thay 3 đời HLV thể lực khác nhau dưới thời ông Park. Cả ba đều là các HLV nước ngoài, bằng chứng cho thấy những HLV Việt Nam chưa đủ năng lực huấn luyện thể lực. Ảnh: Minh Chiến.

Huấn luyện thể lực phải bắt đầu từ cấp CLB

Quá tải là lời giải dễ hiểu nhất cho chấn thương của Duy Mạnh. Thi đấu với mật độ cao, thời gian hồi phục ít, dây chằng cầu thủ đến lúc đánh mất độ đàn hồi. 6 cầu thủ từng dự chung kết U23 châu Á gặp vấn đề với dây chằng. Trước đó, cũng là 6 cầu thủ này, chưa từng dính chấn thương nghiêm trọng nào trong sự nghiệp.

Đây là vấn đề được báo trước và có thể khắc phục. Khi mới ký hợp đồng, HLV Park Hang-seo tuyên bố cầu thủ Việt Nam có tố chất không thua cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc. Vấn đề là thể lực.

Ông “nhồi" thể lực cho học trò suốt các đợt tập trung dài hạn, với 3 cộng sự đắc lực lần lượt nhận nhiệm vụ huấn luyện thể lực là Bae Ji-won, Willian Fonseca và Park Sung-gyun. HLV thể lực cũng là vị trí thay đổi nhiều nhất và không bao giờ bị bỏ trống dưới triều đại Park Hang-seo.

Dưới thời ông Park và những người tiền nhiệm, các đội tuyển Việt Nam thành công luôn có công thức chung là nền tảng thể lực đảm bảo. Tuyển thủ Việt Nam dưới thời Park Hang-seo, Toshiya Miura hay Henrique Calisto đều là những đội bóng có thể “chạy 90 phút không biết mệt”.

Tuy nhiên, đội tuyển mỗi năm chỉ tập trung chưa đầy 3 tháng. Phát triển thể lực phải là câu chuyện từ cấp CLB.

Duy Manh chan thuong anh 3

Công tác huấn luyện thể lực thường chỉ được thực hiện tốt nhất ở đội tuyển quốc gia. Nhiều cầu thủ lên tuyển lần đầu thường bị ngợp bởi cường độ tập luyện cao. Vượt qua các buổi tập là thử thách đầu tiên với họ trước khi nghĩ tới chuyện thi đấu. Ảnh: Minh Chiến.

Cựu danh thủ Thể Công Vũ Mạnh Hải cho rằng: “Chấn thương của Duy Mạnh là hậu quả của việc thi đấu quá nhiều nhưng thể lực không được chuẩn bị đủ tốt. Thể lực yếu thì dễ chấn thương lắm”.

“Huấn luyện thể lực không tốt là tình trạng chung của bóng đá Việt Nam từ lâu rồi. Cứ lên tuyển quốc gia là cầu thủ tập thể lực tốt, còn ở CLB thì không. Thời chúng tôi, Thể Công rèn thể lực tốt nhất, lên tuyển là không phải làm lại, còn thường các cầu thủ đội khác phải tập lại hết.

Việc HLV Park Hang-seo đẩy cao khối lượng vận động với các cầu thủ giúp ích cho họ rất nhiều, giúp họ chịu được tần suất thi đấu ở nhiều chiến dịch, còn ở CLB hầu như thiếu những chuyên gia thể lực giàu kinh nghiệm để giúp cầu thủ tránh chấn thương”.

Hạn chế ấy không phải điều gì mới mẻ ở V.League. Ngay tại CLB Hà Nội, đội bóng hàng đầu và được xác định là hình mẫu phát triển chuyên nghiệp nhất Việt Nam, họ vẫn không có một HLV thể lực trong đội ngũ huấn luyện. Trước trận gặp Nagaworld tại AFC Cup 2019, khi được hỏi bao giờ CLB Hà Nội có HLV thể lực, HLV Chu Đình Nghiêm nói đội sẽ sớm có nhân sự cho vị trí này, song thời điểm nào thì chưa biết.

Đến hôm nay, CLB Hà Nội vẫn không có HLV thể lực. Họ sa thải ông Nicolas Gandini sau vài tuần làm việc, với lý do được Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội của Công ty Cổ phần Thể thao T&T đưa ra là “không phù hợp".

Duy Manh chan thuong anh 4

Phan Văn Đức (áo đen) tập hồi phục ở PVF. Anh là một trong nhiều ngôi sao tuyển Việt Nam điều trị tại đây. Sự hỗ trợ của PVF rất tốt cho bóng đá Việt Nam nhưng điều đó cũng có nghĩa là các CLB không tự làm được việc này. Ảnh: Minh Chiến.

Nền móng không vững

Nền móng phát triển cho cầu thủ là ở CLB, chứ không phải đội tuyển. CLB kiến tạo môi trường thuận lợi để có cầu thủ giỏi, và tuyển thừa hưởng điều ấy để gặt hái thành tích tốt.

Năm 2019, mỗi cầu thủ châu Á có trên dưới 71 ngày tập trung, thi đấu cùng ĐTQG (theo lịch chung của FIFA, trong trường hợp đá Asian Cup). Quãng thời gian 9 tháng còn lại dành cho CLB. Nghĩa là, thời gian cầu thủ tập trung, phát triển ở CLB nhiều gấp hơn 3 lần trên tuyển. Nếu một tuyển thủ Việt Nam yếu kém về thể lực, lỗi thuộc về đội chủ quản anh ta.

Chuyên nghiệp hoá tại cấp đội tuyển mới là phát triển từ ngọn. Được tập huấn quốc tế, điều trị tại PVF hay học hỏi các chuyên gia giàu kinh nghiệm trên tuyển sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu tại CLB, các cầu thủ vẫn tập và thi đấu trong điều kiện nghèo nàn.

“Bây giờ thể thao thế giới còn có khoa học huấn luyện, khoa học hồi phục và khoa học tập luyện phòng ngừa chấn thương. Bóng đá Việt Nam muốn đặt mục tiêu xa hơn, cao hơn thì phải thay đổi theo điều kiện tập luyện của thế giới thôi. Thay đổi này không chỉ ở cấp độ đội tuyển, mà còn xuống tất cả CLB. Đó mới là nền tảng”, chuyên gia Đoàn Minh Xương, cựu HLV CLB Ninh Bình, chia sẻ.

Duy Manh chan thuong anh 5

Ông Xương còn chỉ ra thêm vấn đề của bóng đá Việt Nam nằm ở y tế thể thao. “Các CLB Việt Nam rất yếu ở mảng y tế, chăm sóc sức khỏe. Giờ thử làm điều tra với các đội V.League, chưa nói đến hạng Nhất, xem đội nào có bác sĩ thể thao thực sự”.

Khi ông Park Hang-seo gọi những cầu thủ chấn thương lên tuyển, ta hiểu rằng ông không yên tâm với công tác chữa trị tại cấp CLB. Nhiều cái tên nổi bật như Phan Văn Đức, Võ Ngọc Đức, Trần Đình Trọng... được điều trị ở PVF, chứ không phải tại CLB chủ quản.

Bác sĩ thể thao ngày nay cần có năng lực phòng bệnh và trị bệnh. Bên cạnh việc chữa trị chấn thương, họ phải điều chỉnh khối lượng vận động của cầu thủ từ bước đầu tiên, thậm chí dự đoán sớm các chấn thương tiềm ẩn. Bởi mỗi cầu thủ là một cá thể riêng biệt, cần có những giáo án tập luyện, điều trị riêng biệt phù hợp với thể trạng của từng người. Khâu này, bóng đá Việt Nam chưa làm được.

Tất nhiên, thành bại của một CLB hay đội tuyển không bao giờ phụ thuộc vào cái đầu gối hay dây chằng của cầu thủ nào, nhưng có cầu thủ tốt mà không sử dụng được thì là lỗi của nền bóng đá.

Duy Mạnh ôm mặt nằm cáng rời sân sau va chạm Trung vệ Đỗ Duy Mạnh phải lên cáng rời sân sau pha va chạm với cầu thủ TP.HCM.

Hai phương án đội hình tuyển Việt Nam thiếu Duy Mạnh

Không có Duy Mạnh, HLV Park Hang-seo sẽ phải thực hiện hàng loạt thay đổi ở hàng phòng ngự nhằm phù hợp với các chiến thuật và đối thủ khác nhau trong năm 2020 này.

Tuyển Việt Nam khủng hoảng và mặt trái của sự ổn định

Tuyển Việt Nam đang chịu tổn thất lực lượng nặng nề khi nhiều cầu thủ trụ cột dính chấn thương. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để HLV Park bổ sung các nhân tố mới.

Hồng Nam

Bạn có thể quan tâm