Kẹt xe, phương tiện di chuyển chậm chạp khi người dân trở lại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám. |
Chuyến xe khách lại di chuyển chậm chạp, gần như đứng yên sau khoảng 10 phút chạy nhanh trên Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận. Trên phương tiện, nhiều hành khách bắt đầu thở dài chán nản.
Mở ứng dụng bản đồ Google Maps, bà Hồng Chuyên ngụ tại TP Thủ Đức, TP.HCM (nguyên quán Bình Định) thấy thời gian cho chuyến đi tiếp tục bị nới rộng so với dự tính trước đó cùng hàng chục điểm kẹt cứng. Công cụ trên điện thoại tính toán quãng đường dài 378 km còn lại sẽ tiêu tốn thêm khoảng 7 giờ 30 phút di chuyển, chưa tính nhiều giờ được cộng thêm tại các vị trí ùn ứ.
“Họ hẹn tôi 8h sáng, chờ mãi đến 11h mới được đón. Giờ chuyến xe lại bị chậm do kẹt đường. Chắc phải sáng mai mới tới được TP.HCM”, bà Chuyên nói.
Ứng dụng Google Maps hiển thị nhiều điểm ùn ứ, di chuyển chậm trên đường vào TP.HCM. Ảnh: Google Maps. |
Google Maps hiển thị nhiều điểm di chuyển chậm, kẹt cứng trên Quốc lộ 1A, hướng về TP.HCM trong ngày 28/1. Đoạn đường dài chưa đến 400 km từ tỉnh Ninh Thuận, đến TP.HCM có đến 10 điểm ùn ứ lớn, phương tiện khó di chuyển. Tại mỗi vị trí, ứng dụng của Google hiển thị bằng vạch tô đỏ cùng biểu tượng ôtô nối hàng. Dữ liệu tổng hợp của công cụ tính toán thời gian di chuyển qua các đoạn ùn ứ kéo dài 15 phút-1 giờ cho chỉ vài km đường đi.
Trong cùng thời gian trên, ứng dụng cũng cho thấy nhiều vị trí kẹt xe khác trên đoạn quốc lộ từ các tỉnh miền Tây, Vũng Tàu, Đà Lạt… hướng về TP.HCM. Nguyên nhân ùn ứ là lượng phương tiện lớn chuyên chở người dân trở lại thành phố sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Trên quốc lộ, xe máy, ôtô, xe khách phải chen chúc, di chuyển chậm chạp nối đuôi.
Google Maps hiển thị màu sắc xanh, cam, đỏ, nâu để phân loại tốc độ di chuyển trên đường theo thời gian thực. Theo đó, các sắc cam, đỏ, nâu nhằm chỉ việc di chuyển từ chậm đến rất chậm. Đồng thời, dữ liệu giao thông còn được dùng để ước tính thời gian lưu thông giữa hai điểm.
Tính năng này của Google Maps hoạt động bằng cách thu thập dữ liệu từ người dùng chia sẻ vị trí của họ trên ứng dụng. Bằng cách này, công ty cung cấp thông tin cập nhật về giao thông trong thời gian thực trên Maps.
Trước khi tận dụng vị trí của người dùng, Google dùng các máy quay, cảm biến giao thông được lắp đặt bởi nhà chức trách để cập nhật tình trạng di chuyển. Những thiết bị này sử dụng công nghệ radar, hoặc laser hồng ngoại để quét tổng thể lượng phương tiện và tốc độ của chúng.
Tuy nhiên, các công cụ này chỉ có mặt ở một số đoạn đường, quốc gia nhất định. Do đó, mức độ phản ánh giao thông của Google Maps không được phủ rộng.
Nếu có nhiều người cùng di chuyển chậm chạp trên một con đường, lượng lớn dữ liệu tại cùng một vị trí được cung cấp cho Google. Từ đó, ứng dụng có đủ thông tin để hiển thị đường màu vàng để chỉ phương tiện di chuyển chậm, hoặc đỏ, nâu nếu có vật cản phía trước.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.