Tin tức về việc chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi gặp sự cố mà truyền thông nhà nước gọi là “hạ cánh cứng” ngay lập tức khiến dư luận chú ý đến nhà lãnh đạo này, người đang chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia khác vì liên quan đến vụ hành quyết hàng loạt tù nhân năm 1988.
Ông Raisi, 63 tuổi, trước đây từng điều hành cơ quan tư pháp Iran. Ông tranh cử tổng thống năm 2017, nhưng thua đối thủ Hassan Rouhani, một giáo sĩ tương đối ôn hòa.
Năm 2021, ông Raisi tái tranh cử, khi tất cả các đối thủ tiềm năng nổi bật của ông đều bị cấm tranh cử theo hệ thống kiểm tra của Iran. Ông giành được gần 62% trong số 28,9 triệu phiếu bầu.
Tổng thống Ebrahim Raisi. Ảnh: AP. |
Năm 2019, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt ông Raisi với cáo buộc liên quan đến việc trừng phạt các tù nhân.
Trên cương vị Tổng thống, ông Raisi chủ trương làm giàu uranium của đất nước lên đến cấp độ gần đạt mức chế tạo vũ khí và thực hiện chính sách cứng rắn với phương Tây.
Ông Raisi cũng ủng hộ việc triển khai cuộc tấn công lớn vào Israel tháng 4 vừa qua, sử dụng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa để đáp trả cuộc tấn công vào Đại sứ quán Iran ở Syria mà Israel bị cho là thủ phạm.
Lực lượng cứu hộ và cứu thương làm nhiệm vụ ở khu vực tìm kiếm chiếc máy bay chở Tổng thống và Ngoại trưởng Iran rơi. Ảnh: Reuters. |
Ông Raisi cũng ủng hộ các cơ quan an ninh trấn áp mạnh tay phong trào biểu tình, nhất là sau cái chết của cô gái Mahsa Amini năm 2022.
Chiến dịch xử lý mạnh tay người biểu tình kéo dài hàng tháng trời khiến hơn 500 người thiệt mạng và hơn 22.000 người bị giam giữ.
Tháng 3 năm nay, một hội đồng điều tra của Liên Hợp Quốc kết luận rằng Iran phải chịu trách nhiệm về “bạo lực thể xác” dẫn đến cái chết của Amini, sau khi cô bị bắt vì không đội khăn trùm đầu theo quy định của chính quyền.