Thời gian gần đây, tiểu thuyết lịch sử đang trở thành xu hướng với những tác phẩm được công chúng đón nhận như: Từ Dụ thái hậu (Trần Thùy Mai), Gió bụi đầy trời (Thiên Sơn), Võ Nguyên Giáp (Vũ Xuân Tửu)… Từ năm 2015, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ đã chọn sáng tác với đề tài lịch sử. Khi ấy, ông viết kịch bản sân khấu Hừng đông với nhân vật chính là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong giai đoạn 1923-1939.
Vở cải lương cùng tên do NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn, Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, ra mắt năm 2016. Tác phẩm sân khấu đã gặt hái nhiều giải thưởng như Giải A của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tặng thưởng của Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam… Giờ đây, Hừng đông có thêm dấu mốc mới khi tác phẩm được chuyển thể tiểu thuyết.
Tiểu thuyết lịch sử Hừng đông. Ảnh: Y Nguyên. |
Khắc họa sống động hình tượng người chiến sĩ cộng sản
Lễ ra mắt tiểu thuyết Hừng đông diễn ra sáng 30/12 tại Đài tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của đại diện gia đình nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc, các nghệ sĩ cải lương, đông đảo nhà văn, nhà phê bình, giới xuất bản.
Tiểu thuyết Hừng đông lấy bối cảnh những năm ra đời các tổ chức yêu nước theo xu hướng cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh sau đó.
Cuộc đời và sự nghiệp người cộng sản ưu tú Phan Đăng Lưu ít nhiều được ghi lại trong sử sách, qua Hừng đông trở nên sống động và thân thuộc hơn. Bằng tiểu thuyết Hừng đông, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện chân thực, trách nhiệm và sinh động cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, nhiều gian khổ, hy sinh của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.
Chia sẻ tại chương trình, tác giả Nguyễn Thế Kỷ cho biết ông chuyển thể kịch bản sân khấu sang tiểu thuyết Hừng đông vì thể loại tiểu thuyết giúp người đọc đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật.
Để sáng tạo kịch bản cũng như tiểu thuyết Hừng đông, tác giả đã trải qua quá trình thu thập, tra cứu tư liệu, đi điền dã ở một số địa điểm, di tích lịch sử, gặp một số nhân chứng ít ỏi còn lại, gặp người thân trong gia đình nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, trao đổi với một số nhà nghiên cứu về Phan Đăng Lưu…
Viết về một người cộng sản ưu tú, kiệt xuất, ở một giai đoạn lịch sử dựng Đảng, cứu nước cứu dân đầy bi hùng, tác giả đã cố gắng đến mức cao nhất để đảm bảo tính chân thật, khách quan, sinh động.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao vai trò của các tiểu thuyết lịch sử. Theo ông, một tiểu thuyết lịch sử hay không chỉ là tác phẩm hấp dẫn, mà sức thuyết phục còn nằm ở sự thật lịch sử. “Tôi cho rằng vai trò của những tiểu thuyết lịch sử rất quan trọng, nhất là viết về thế hệ cách mạng đầu tiên”, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nói.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nói ở Hừng đông, tác giả không dừng lại ở việc thể hiện tư liệu - lịch sử. “Tôi thích cách tác giả cá thể hóa nhân vật qua chuyện riêng tư, đời thường, qua thế giới nội tâm phong phú của một con người kết hợp trong mình các phẩm tính của một trí thức - chiến sĩ cộng sản - một nhân cách có căn cốt văn hóa trong ứng xử với gia đình, vợ con, bạn bè, với tự nhiên”, nhà phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ tại buổi ra mắt sách sáng 30/12. Ảnh: Y Nguyên. |
Tri ân một thế hệ cách mạng
Giới văn chương, phê bình cũng phân tích yếu tố văn chương trong tiểu thuyết Hừng đông. Nhà phê bình Hoài Nam nói lâu nay các tác phẩm viết về những vương triều xưa mới gọi là tiểu thuyết lịch sử; còn tiểu thuyết về thế kỷ 20 thường được xếp vào dòng văn học chiến tranh cách mạng. Nhà phê bình Hoài Nam cho rằng Hừng đông là tiểu thuyết lịch sử tri ân thế hệ cách mạng đầu tiên.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nêu ra những ưu - nhược điểm của tiểu thuyết Hừng đông. Ông cho rằng cuốn sách có bố cục rõ ràng, chia ra 11 chương, tác giả đã tạo nên một nhân vật xuyên suốt, dựng lại quá trình hoạt động tương đối đầy đủ về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Từng chương một đều có chủ đề rõ ràng, có chú thích, khiến người đọc dễ theo dõi tác phẩm.
Tiểu thuyết có những mối quan hệ xoay quanh nhân vật chính và tác giả đã dụng công, làm rất kỹ khi khắc họa những mối quan hệ này. Ví dụ tiêu biểu là cuộc đối thoại giữa nhà cách mạng Phan Đăng Lưu với thầy giáo, với bà Nguyễn Thị Minh Khai… Qua đối thoại, tính cách nhân vật được bộc lộ, từ đó cho thấy chủ trương đường lối cách mạng qua từng giai đoạn.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói Hừng đông là tiểu thuyết lịch sử, nhưng nó gắn với hiện tại. Tác giả không dùng những từ đao to búa lớn, mà vẫn thể hiện rõ quan điểm, những bài học cho ngày hôm nay.
Tuy vậy, tác giả Quyên cũng nêu tiểu thuyết Hừng đông có những đoạn dùng ngôn từ hiện đại, chưa phù hợp với ngôn ngữ của những năm đầu đến giữa thế kỷ 20.
Nhà thơ Hữu Việt nói qua cuốn sách, ông hiểu thêm về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu không chỉ ở những dấu mốc trên chặng đường hoạt động, mà cả tính cách, thế giới nội tâm.
Hữu Việt nói: “Các nhân vật, bối cảnh hiện lên đậm chất văn học. Tác giả sử dụng ngôn ngữ chính luận nhuần nhuyễn. Đặc biệt, những trang viết tả về nông thôn rất hay. Cuốn sách cho người đọc những rung cảm, truyền tới người đọc thông điệp riêng”.