Những tài liệu được tiết lộ hôm 7/12 cho biết bức họa Salvator Mundi của danh họa Leonardo da Vinci được bán với giá 450,3 triệu USD thuộc về Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud, một hoàng tử tương đối kín tiếng thuộc một nhánh xa trong hoàng tộc Saudi Arabia.
Nếu như công luận từng ngỡ ngàng về mức giá khổng lồ của bức họa hơn 600 tuổi thì nay, danh tính của Bader và mối quan hệ giữa vị hoàng tử chịu chi và Thái tử Mohammed bin Salman trở thành tâm điểm.
Tay chơi bỏ 450 triệu USD cho một bức họa là ai?
Hoàng tử Bader xuất thân từ một tiểu nhánh của hoàng gia Saudi, gia đình Farhan. Dẫu không thuộc dòng dõi của người sáng lập vương quốc Saudi hiện đại, Hoàng tử Bader xuất hiện ngày càng thường xuyên bên cạnh Thái tử Mohammed bin Salman.
Giới chuyên gia tin rằng quan hệ giữa Bader và Mohammed trở nên thân thiết từ khi hai người cùng theo học tại Đại học Hoàng đế Saud tại thủ đô Riyadh. Sau khi Thái tử Mohammed nắm quyền điều hành phần lớn chính phủ Saudi, vị thái tử 32 tuổi đã đưa Hoàng tử Bader vào những vị trí quan trọng.
Hoàng tử Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud . Ảnh: ABC News. |
Sau 30 năm các thành viên gia đình Salman trực tiếp điều hành Tập đoàn Nghiên cứu và Thị trường Saudi, tổ chức quyền lực đứng sau tờ báo Al Sharq Al Awsat và nhiều ấn phẩm khác ở Saudi, nay vai trò chủ tịch của tập đoàn được giao cho Hoàng tử Bader.
Hồi tháng 7, Hoàng tử Bader cũng được chỉ định một vị trí điều hành trong một ủy ban mới được thành lập, trực tiếp đứng đầu bởi Thái tử Mohammed, với mục tiêu phát triển tỉnh Al Ola, khu vực được Riyadh kỳ vọng sẽ sớm trở thành trung tâm du lịch mới của khu vực.
Hoàng tử Bader và Thái tử Salman từng cùng cộng tác trong ít nhất một dự án bất động sản khổng lồ. Năm 2013, Bader và Salman cùng xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng siêu sang tại Jedda, bên bờ Biển Đỏ. Dự án bao gồm 7 cung điện sau đó được sử dụng bởi các hoàng tử thuộc gia đình Salman.
Thương vụ bất thường giữa địa chấn chống tham nhũng
Hoàng tử Bader âm thầm tham gia cuộc đấu giá bức họa của Leonardo da Vinci và chỉ cung cấp danh tính cho tổ chức điều hành đấu giá Christie một ngày trước khi cuộc đấu giá diễn ra. Ngay cả khi thân phận Bader được tiết lộ hôm 14/11, các luật sư của Christie vẫn gặp vô vàn khó khăn để thẩm tra năng lực tài chính của vị hoàng tử Saudi.
Trước câu hỏi về xuất xứ nguồn tiền mà Bader sử dụng trong cuộc đấu giá, hoàng tử Saudi chỉ cho biết đây là khoản thu nhập của ông từ kinh doanh bất động sản. Bader cũng khẳng định với Christie ông chỉ là 1 trong 5.000 hoàng tử tại Saudi Arabia và không có quan hệ gì đặc biệt với Vua Salman.
Bức họa Salvator Mundi của danh họa Leonardo Da Vinci. Ảnh: Getty. |
"Bỏ ra khoản tiền khổng lồ để mua một bức tranh của Chúa là một sự liều lĩnh thực sự của Bader", David D. Kirkpatrick, cây viết kỳ cựu của New York Times, nhận định.
Trong đức tin của người Hồi giáo, Chúa Jesus không phải đấng cứu thế mà là một nhà tiên tri. Hầu hết người Hồi giáo, đặc biệt tại Saudi Arabia, tin rằng việc phác họa bất cứ nhà tiên tri nào vào các tác phẩm nghệ thuật đều là sự báng bổ, thậm chí là phạm tội.
Thương vụ đấu giá của Hoàng tử Bader diễn ra trong một bối cảnh hết sức nhạy cảm. Hôm 4/11, Thái tử Salman tiến hành chiến dịch thanh lọc lớn chưa từng có, với hàng chục thành viên hoàng gia và chính trị gia cấp cao bị cáo buộc tội danh tham nhũng và làm giàu bất chính.
Hoàng tử Bader chưa từng nổi danh bởi gia tài đồ sộ, cũng không được biết tới trên tư cách một tay sưu tầm nghệ thuật chịu chi. Do đó, con số hơn 450 triệu USD mà Bader chi ra để mua lại bức họa của Da Vinci trong một thời điểm vô cùng nhạy cảm là chỉ dấu cho thấy người đàn ông này có thể nhận được sự hậu thuẫn không tầm thường từ Riyadh.