Sau 2 năm ngủ đông, sáng kiến Mạng lưới Chấm Xanh (Blue Dot Network - BDN) dường như đã thức tỉnh sau cuộc gặp nhậm chức của nhóm tư vấn điều hành BDN diễn ra ngày 7/6 tại Paris, Pháp.
Sự kiện trên do Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) tổ chức, với nguồn kinh phí tài trợ từ Washington và Canberra.
“Mạng lưới Chấm Xanh sẽ là biểu tượng được công nhận trên toàn cầu của các dự án cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch, và phù hợp cơ chế thị trường”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong tuyên bố cùng ngày.
Theo Asia Times, cho tới hiện tại, đây là động thái tham vọng nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hồi sinh sáng kiến Mạng lưới Chấm Xanh để đối phó sáng kiến Vành đai, Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP. |
Mạng lưới Chấm Xanh là gì?
Mạng lưới Chấm Xanh là sáng kiến chung của Mỹ - Nhật Bản - Australia được vén màn giới thiệu vào năm 2019, khi nước Mỹ còn dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.
Sáng kiến BDN không nhằm mục đích trở thành nguồn cung tài chính cho một dự án. Thay vào đó, sáng kiến này sẽ là hệ thống chứng nhận và đánh giá được công nhận toàn cầu dành cho dự án về cơ sở hạ tầng, với tầm nhìn tập trung vào vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
BDN lấy nguyên tắc phát triển cơ sở hạ tầng do nhóm G20 và G7 thiết lập để làm nền tảng cho bộ tiêu chuẩn của mình. Trong khi đó, OECD sẽ tư vấn về mặt vận hành và kỹ thuật trong quá trình chứng nhận toàn cầu và khung đánh giá.
Bộ Ngoại giao Mỹ từng so sánh sáng kiến này là một “con dấu công nhận”. Các dự án đạt chuẩn sẽ được cấp chứng nhận Chấm Xanh, tạo nên một bản đồ toàn cầu về các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng. Điều này được cho là có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Sáng kiến BDN dựa vào hình thức hợp tác PPP (liên doanh giữa nhà nước và tư nhân), đặc biệt là các quỹ hưu trí và bảo hiểm lớn, để gọi vốn và chuyên môn cần thiết cho các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại tại những thị trường mới nổi có vị trí chiến lược, theo Asia Times.
Điều này trái ngược với các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc (BRI). Trong BRI, chính phủ Trung Quốc cùng các tập đoàn nhà nước sẽ tài trợ trọn gói cho dự án hạ tầng quốc tế, từ bê tông, sắt thép tới nhân lực và tiền mặt.
Điểm khác biệt cơ bản giữa hai sáng kiến là BDN chủ yếu sẽ do khu vực tư nhân dẫn dắt, trong khi dự án của BRI chịu ảnh hưởng lớn từ Bắc Kinh.
Cách làm của Trung Quốc từng bị cáo buộc là nguy cơ tạo ra “bẫy nợ” cho quốc gia tiếp nhận dự án. Ví dụ, sau khi được công ty Trung Quốc xây dựng, cảng Hambantota ở Sri Lanka trung bình chỉ đón 1 tàu lớn mỗi ngày. Không có nguồn thu, chính quyền Sri Lanka không thể trả nợ cho Trung Quốc.
Cuối năm 2017, Sri Lanka phải giao quyền quản lý cảng Hambantota cho Công ty CMPort của Trung Quốc theo hợp đồng cho thuê kéo dài 99 năm, theo New York Times. Trong vài năm qua, hàng loạt tàu quân sự Trung Quốc đã đến neo đậu ở các cảng Sri Lanka.
Sri Lanka bị cho là mất quyền quản lý hải cảng Hambantota vào tay Trung Quốc trong 99 năm. Ảnh: The National. |
Tham vọng lớn của Mỹ và đồng minh
Theo OECD, hội nghị ngày 7/6 tái khởi động BDN có sự tham gia của hơn 150 giám đốc điều hành tới từ 96 quốc gia. Số người này phụ trách tổng số tài sản trị giá khoảng 12.000 tỷ USD.
Khách mời phát biểu trong sự kiện bao gồm nhân sự chủ chốt trong các thể chế tài chính lớn trên thế giới (bao gồm Citi và JPMorgan) và trong khu vực nhà nước (như đại diện Quỹ Hưu trí Chính phủ của Thái Lan). Sự xuất hiện của những nhân vật này nhấn mạnh phạm vi và tham vọng đằng sau BDN.
Derek Grossman, chuyên viên phân tích quốc phòng cấp cao tại viện chính sách RAND Corporation (Mỹ), nhận định Australia, Mỹ, và Nhật “không có khả năng ganh đua từng đồng với BRI của Trung Quốc”. Điều này giải thích tại sao sáng kiến BDN chỉ tập trung vào việc chứng nhận và tư vấn, thay vì tài trợ trực tiếp.
Vì thế, ông Grossman bày tỏ e ngại mạng lưới này sẽ “không thể với tới mục tiêu ‘cạnh tranh’ hiệu quả với Trung Quốc”. Ông cũng lo sợ BDN không gây được ấn tượng với các nước đã tham gia BRI, mà còn có thể bị nhận định là nhỏ nhen.
Nhưng Matthew Goodman và Daniel Runde, 2 chuyên gia tại viện chính sách Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), lập luận rằng Mỹ có một số lợi thế đặc trưng, như việc có trong tay các quỹ hưu trí và bảo hiểm quản lý hàng nghìn tỷ USD. Những quỹ này đang tìm kiếm lợi nhuận dài hạn - thứ mà đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể mang lại.
Mạng lưới Chấm Xanh có thể “cung cấp chứng nhận tiêu chuẩn cao để giúp nhà đầu tư tự tin hơn”, ông Goodman và Runde lập luận trong năm 2020.
Matthew Pottinger, phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Trump và là nhân vật công khai chỉ trích sáng kiến BRI của Trung Quốc, nhận định việc dự án được cấp Chấm Xanh tương đương với việc nhà hàng nhận được một sao đánh giá Michelin.
Michelin là bảng đánh giá nhà hàng danh tiếng thế giới với thang điểm 1-3 sao. Một sao có nghĩa chất lượng nhà hàng “rất tốt”. Nhà hàng ba sao có “đồ ăn phi thường, xứng đáng chuyến thăm đặc biệt”. Nếu không có sao, nhà hàng ấy không đáng ghé thăm.
“Khi điều này trở nên phổ biến, những công ty trong khu vực tư nhân sẽ muốn nhảy vào các dự án ấy… Phương pháp này vì thế được thiết kế để loại bỏ một số hành vi phi đạo đức trong đầu tư hạ tầng”, ông Pottinger nói trong sự kiện Đối thoại Raisina tại Ấn Độ năm 2020.
Bản đồ khu vực ảnh hưởng của dự án Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Ảnh: China Road Project. |
Bên cạnh BDN, Mỹ cũng đang cùng các đồng minh thân cận xúc tiến những biện pháp đối phó BRI khác. Nổi bật nhất trong số này là sáng kiến cơ sở hạ tầng số Mỹ - Nhật trị giá 4,5 tỷ USD. Sáng kiến này được đưa ra sau chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga vào tháng 4.
Chính quyền ông Biden còn muốn tranh thủ sự ủng hộ từ các đối tác lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là Ấn Độ. Quốc gia này đã 2 lần khước từ BRI và cũng có ngành công nghiệp công nghệ cao năng động. Hàn Quốc, một đồng minh khác của Mỹ, cũng đang mở rộng dấu ấn cơ sở hạ tầng ra các nước khác dưới “Chính sách phương Nam mới”.
Theo Asia Times, mục tiêu sau cùng ở đây là thiết lập cơ chế phát triển cơ sở hạ tầng đối trọng với BRI của Trung Quốc, với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Cơ chế này có thể được coi như nhóm “G10”, bao gồm các nước công nghiệp trong nhóm G7 cùng Australia, Ấn Độ, và Hàn Quốc.