Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây là buổi thứ 3 trong tổng số 2,5 ngày của phiên.
Tiết kiệm gần 40 tỷ mỗi năm nếu liên thông thủ tục hành chính
Đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng về hiệu quả của Đề án liên thông các thủ tục hành chính, đăng ký khai tử và xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất.
Chia sẻ với đại biểu đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trước khi Thủ tướng phê duyệt Đề án liên thông thủ tục hành chính, đăng ký khai tử và xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất thì có rất nhiều vấn đề bất cập được người dân quan tâm, báo chí phản ánh.
Trong đó, có việc người dân đến các cơ quan Nhà nước phải khai lại các thông tin trùng lặp, có người phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Quốc hội. |
“Đặc biệt còn có người dân đến đăng ký khai tử thì quên hoặc ngại xóa đăng ký thường trú dẫn đến việc người chết vẫn có tên trong danh sách đi bầu trưởng thôn, xóm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng việc xảy ra năm 2017 ở xã Chu Minh, huyện Ba Vì (Hà Nội) khi nhiều người chết vẫn nằm trong danh sách cử tri đi bầu.
Sau một thời gian thực hiện đề án này, ông Dũng cho biết đã có kết quả nhất định khi 63 địa phương cùng triển khai thực hiện. Người dân chỉ cần đến UBND xã, nộp một bộ hồ sơ thực hiện 3 thủ tục hành chính liên thông.
“Nếu làm được việc này, mỗi năm tiết kiệm được 38,8 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm thúc đẩy, mở rộng liên thông trong thủ tục hành chính”, Bộ trưởng Dũng nói.
“Phát hiện cán bộ vi phạm đạo đức hãy báo ngay cho Bộ trưởng”
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời nhóm câu hỏi về chính sách với cán bộ công chức, viên chức. Với chính sách với cán bộ là công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nội vụ cho viết Chính phủ không ban hành Nghị định riêng mà lồng ghép vào các nghị định tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Theo ông, người dân tộc thiểu số là đối tượng được cử tuyển đi học đại học, sau khi tốt nghiệp về địa phương thì được xét tuyển chứ không qua thi. Chính phủ cũng quy định số lượng công chức, viên chức là dân tộc có cơ cấu nhất định trong bộ máy và người dân tộc khi tuyển dụng được miễn ngoại ngữ và tin học…
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu báo ngay cho ông nếu phát hiện cán bộ ngành nội vụ vi phạm đạo đức. Ảnh: Quốc hội. |
Trả lời đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) về chế độ bồi dưỡng với người hoạt động không chuyên trách, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xin ghi nhận ý kiến này và cam kết Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM nghiên cứu có chương trình bồi dưỡng cho những người hoạt động không chuyên trách.
Trước chất vấn của đại biểu Kim Nhung (Quảng Trị), ông Lê Vĩnh Tân cho biết Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết 280 giải quyết các vấn đề về trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính trong cơ quan đơn vị và chính trị nội bộ.
“Thời gian qua chúng tôi đã rà soát tất cả đơn vị trực thuộc bộ, xem xét xử lý công khai, tiến hành kỷ luật một số cán bộ vi phạm, điều chuyển một số vị trí không phù hợp”, ông Tân cho biết.
Theo ông, năm 2017 Bộ Nội vụ kiểm điểm 8 đơn vị có liên quan. Khi kiểm tra các địa phương, Bội Nội vụ xác định là đơn vị tiên phong, gương mẫu làm trước.
Vấn đề tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ phải thực hiện bằng hoặc tốt hơn đơn vị khác. Vừa rồi Bộ Nội vụ đăng ký tinh giản 12% biên chế đến 2021. Tư lệnh ngành nội vụ đề nghị các đại biểu Quốc hội nếu phát hiện cán bộ công chức ngành nội vụ vi phạm đạo đức công vụ hay gây khó khăn hãy cung cấp thông tin cho Bộ trưởng để xử lý nghiêm.
Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn của nữ đại biểu
Nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trong ngày chất vấn đầu tiên đã chất vấn Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng “bao giờ xây dựng Luật Hành chính công?”. Chủ tịch Quốc hội cho biết bà sẽ trả lời, nếu đại biểu thấy không thỏa đáng thì Thủ tướng sẽ giải trình thêm.
Bà Ngân cho biết các đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV đều nhận thấy sự kiên trì của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trong đề xuất xây dựng Luật Hành chính công (sau này chuyển thành Dịch vụ công).
Sau nhiều lần trao đổi giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết chưa thể ban hành luật này vì một số lý do.
Trước hết, các quy định về hành chính công đều được quy định trong từng dự án luật trong hệ thống pháp luật hiện hành. Hai là dự thảo luật do đại biểu chuẩn bị chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm nên chưa thể trình Quốc hội ban hành.
“Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đánh giá cao sự kiên trì của đại biểu. Chúng tôi đã bố trí thời gian cho ban soạn thảo làm việc nhưng vì những lý do trên nên chưa thể trình Quốc hội”, bà Ngân nói.