Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc cách chức hiệu trưởng của ông Lê Vinh Danh là đúng hay sai?

Tính đúng - sai trong việc Tổng Liên đoàn Lao động cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng tạo ra màn tranh luận sôi nổi nhất trên nghị trường Quốc hội sáng 6/11.

Thẩm quyền cách chức ông Lê Vinh Danh gây ra nhiều ý kiến trái chiều và tiếp tục tạo tranh luận trên nghị trường bắt nguồn từ nội dung chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) dành cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

“Việc cách chức như vậy có đúng thẩm quyền của Tổng Liên đoàn Lao động hay không?”, ông Vân hỏi.

Trước đó, ngày 23/10, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố các quyết định về công tác cán bộ của ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, trong đó có việc cách chức ông Lê Vinh Danh.

Cách chức hiệu trưởng phải thông qua Hội đồng trường

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ đại học của trường Tôn Đức Thắng và đánh giá đây là một mô hình tốt, là điểm sáng của tự chủ đại học.

Dẫn Luật Giáo dục Đại học, Phó thủ tướng nhấn mạnh Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường, các chức danh lãnh đạo (bao gồm hiệu trưởng), phải do Hội đồng trường quyết và đề nghị lên cấp có thẩm quyền (ở đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) công nhận, phê chuẩn.

tranh luan viec cach chuc ong Le Vinh Danh anh 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: Quốc hội.

“Như vậy có nghĩa là nếu có Hội đồng trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường thì không đúng luật”, Phó thủ tướng nói rõ.

Song, ông lưu ý thêm đây là trường hợp “rất đặc thù”, vì Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng lúc này hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn Lao động chậm trễ do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Vì thế, đến thời điểm Ban giám hiệu Đại học Tôn Đức Thắng nhận kỷ luật Đảng, trường này không có Hội đồng trường. Từ đó có câu chuyện “không rõ ràng”.

Bởi vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải vào cuộc, cử một thứ trưởng vào làm việc trực tiếp, làm rõ đúng sai và có hướng dẫn. Trước hết, thành lập lại Hội đồng trường theo đúng quy định.

Còn việc xử lý kỷ luật cán bộ phải theo quy định của Đảng và pháp luật, thông lệ là kỷ luật hành chính đồng bộ với kỷ luật Đảng.

Giơ biển xin tranh luận ngay sau đó, đại biểu Lê Thanh Vân ghi nhận phần trả lời đầu tiên của Phó thủ tướng về việc Tổng Liên đoàn Lao động cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng không dựa vào đề nghị của Hội đồng trường là sai.

Nhưng với việc Phó thủ tướng giải thích do Hội đồng trường giải thể, ông Vân cho rằng “chưa đúng”.

Vì Tổng Liên đoàn Lao động có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, còn chức danh hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng phải theo luật.

tranh luan viec cach chuc ong Le Vinh Danh anh 2

Đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định việc Tổng Liên đoàn Lao động cách chức ông Lê Vinh Danh là sai. Ảnh: Quốc hội.

“Việc làm đúng của Tổng Liên đoàn Lao động chỉ có thể can thiệp vào viên chức thuộc quyền quản lý của mình. Còn chức danh hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường quyết định thì hiệu trưởng đó chưa bị bãi nhiệm, cách chức. Luật định là như vậy”, ông Vân nói và đề nghị các cơ quan có đơn vị đại học trực thuộc tôn trọng, thi hành triệt để Luật Giáo dục Đại học với chủ trương tự chủ Đại học rất tiến bộ, vừa được Quốc hội thông qua.

Bộ Nội vụ đồng ý

Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) lại khẳng định: “Trong điều kiện Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường thì thẩm quyền kỷ luật viên chức của trường sẽ do chủ sở hữu là đơn vị quyết định. Trường hợp này, Tổng Liên đoàn Lao động kỷ luật hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là đúng quy định”.

Nữ đại biểu thông tin thêm việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản xin ký kiến Bộ Nội vụ và Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời số 4378 ngày 21/8/2020 về thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ đứng đầu trường Đại học Tôn Đức Thắng.

tranh luan viec cach chuc ong Le Vinh Danh anh 3

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) khẳng định Tổng Liên đoàn Lao động kỷ luật hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là đúng quy định. Ảnh: Quốc hội.

Văn bản này nêu rõ: “Do đến nay Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường nên thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng Tôn Đức Thắng là do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định”.

Không đồng tình, ông Lê Thanh Vân tận dụng tối đa quyền tranh luận 2 lần cho mỗi đại biểu, đề nghị đại biểu Thúy đọc lại Luật Giáo dục Đại học.

“Tôi chưa đọc văn bản đại biểu Thúy dẫn ra và thẩm định nó có đầy đủ cơ sở pháp lý cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng trái luật Giáo dục Đại học không. Tôi đề nghị Bộ trưởng Nội vụ giải trình vấn đề này”, ông Vân đề nghị.

Theo quan điểm của mình, vị đại biểu tỉnh Cà Mau khẳng định nếu Bộ Nội vụ đồng ý với việc này chính là hành vi trái luật.

“Quốc hội vừa thông qua Luật Giáo dục Đại học, khoản 1 điều 20 quy định rất rõ ràng như vậy mà giờ cứ biện minh về cơ sở pháp lý”, ông Vân nói và một lần nữa nhắc lại đề nghị phải tôn trọng Luật Giáo dục Đại học vừa được Quốc hội thông qua.

Vì còn nhiều ý kiến trái chiều trong khi số lượng đại biểu đăng ký chất vấn lớn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp đề nghị các đại biểu có tranh luận riêng để dành diễn đàn chất vấn cho những đại biểu khác.

Không thụ lý đơn kiện của Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng

Ông Lê Vinh Danh khởi kiện quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày của Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng tòa trả lại đơn.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm