Tuổi thơ ấu của tôi. Hiện tôi vẫn còn nhớ những ngày sung sướng ở bên cạnh cha mẹ thân yêu, ở Yên Thế.
Cha tôi là Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, là một trong các thủ lĩnh cuối cùng của cuộc đề kháng võ trang. Nhà vua đã chịu khuất phục. Tổ quốc của tôi, Việt Nam, hồi ấy nằm dưới ách đô hộ của Pháp. Nhà vua cũng như các quan lại khác được lĩnh một số lương vào cuối tháng.
Người ta cốt giữ nhà vua lại để làm bù nhìn. Hai ông vua đã không chịu phục tùng tức thì đều bị đem đi đầy. Vua Thành Thái bị đầy ở đảo La Réunion, vua Duy Tân sau cũng bị đi đầy theo vua Thành Thái. Lại còn có vua Hàm Nghi đã định cùng với các nhà nho để mưu việc lấy lại nước rồi cũng bị đầy đi Algérie lúc mới 19 tuổi.
Cha tôi có một tờ sắc của vua Hàm Nghi phong cho mình làm “Chánh đề đốc Hoàng Hoa Thám” của triều đình, có cả chữ ký, cả dấu ấn của nhà vua. Mẹ tôi đã đọc tờ sắc kia vào dịp có một ông quan của bà thái hậu Từ Hy (Pouyi) tới nhà hồi năm 1906. Chúng tôi yêu cầu người Trung Hoa giúp đỡ về vũ khí, đạn dược.
Cha tôi có ba vợ. Bà vợ cả sinh ra anh tôi là Hoàng Đức Trọng. Bà hai là người Bích Động, lúc đang có mang thì quân Pháp đánh úp quân ta ở trong rừng, làm bà bị chết. Còn mẹ tôi là vợ ba, người làng Vân Hà, gần Bắc Ninh. Mẹ tôi có hai em trai là cậu Can và cậu Cán, cả hai đều theo chị khi chị lấy chồng. Cả ông ngoại tôi nữa cũng đi theo con gái. Người ta xây cho ông ngoại một ngôi nhà to ở cách nhà chúng tôi độ hai cây số.
Ông tôi ở với bà vợ thứ bởi vì bà tôi đã chết vào lúc mẹ tôi lên 9, còn hai cậu tôi thì một người lên 7, một người lên 6. Ông tôi là một ông đồ dạy chữ Nho. Mẹ tôi với các cậu tôi đều có học cả. Cha tôi phải cần đến các cậu tôi trong việc thư từ giấy má và trong các cuộc đi công cán.
Còn về gia đình cha tôi, thì tất cả chúng tôi đều đoán là ở Thanh Hóa hoặc Nghệ An, bởi vì có những người anh em họ tới chơi với cha tôi, nói giọng trọ trẹ, khiến các chị dâu tôi cứ cười giễu ở đằng sau lưng. Khi nào họ đến chơi thì cha tôi rất vui vẻ. Cha tôi cười nói với họ.
Bà cô tôi làm các món cá theo kiểu người ta làm ở Thanh Hóa và cô đã dạy cách làm cho mẹ tôi. Tôi thấy các chú, các bác ấy ăn nói rất giỏi, ăn mặc lịch sự.
Chúng tôi giữ kín các cuộc đón khách đến chơi ấy vì sợ người ta bắt mất cha mẹ chúng tôi. Mọi người ở lại chơi chừng một tháng rồi lại đi thăm các chùa và tụng kinh. Có điều đặc biệt là, mà nay tôi vẫn nhớ, những người đằng họ cha tôi, ai cũng biết làm các món ăn ngon như chả phượng, vây, bóng.
Hoàng Thị Thế cùng cha và Alfred Bouchet. Nguồn: wikipedia. |
Một con gà có thể làm được tới 15 món. Khi có khách Trung Hoa tới, chính các bà cô Thanh Hóa làm cỗ rất ngon.
Như vậy, khiến chúng tôi càng uy tín. Người ta sẽ thấy chúng tôi là dòng dõi một đại gia đình nhà nho hay quan lại ngày xưa. Vào một thời nào đó, có một bà trong họ rất xinh đẹp đã lấy một ông hoàng dòng dõi nhà Lê, lấy làm vợ hai hay vợ ba gì đó, cố nhiên, sau con cái có một người làm cố vấn ở triều đình. Ông này sau bị chết trận trong khi giao chiến với một dòng họ khác cũng của nhà Lê, đối địch với nhà vua đương nhiệm. Rồi sau đó, trong họ chúng tôi, có một bà vì muốn cứu gia đình nên đã phải lấy một vị quan to.
[...]
Có lần tôi với vú em tới nhà cậu Cán, để chơi với Cóc và Cẩm. Những đứa em họ này ở ngay lối vào dinh cơ chúng tôi, sát cạnh đường đi. Em Cóc rất xinh, ai cũng trầm trồ. Cũng như mẹ tôi, nó có cặp mắt bồ câu, da trắng hồng, má với môi lúc nào cũng ửng đỏ, ngón tay búp măng. Cậu Cán yêu nó lắm. Cậu bảo nó giống mẹ tôi hồi còn trẻ. Ai nấy đều hãnh diện vì nó.
Mẹ tôi cũng vậy. Một hôm có một bà hỏi mẹ tôi có phải nó là con gái mẹ tôi không. “Con bà xinh quá. Nó giống bà lạ lùng”. Còn tôi thì chỉ có các chú bác ở Thanh Hóa và Sơn Tây là trầm trồ với tôi thôi. Họ thấy tôi giống họ, và muốn dẫn tôi về Thanh Hóa nhưng mẹ tôi không nghe.