Cha ông sợ sẽ không còn mặt mũi nào mà nhìn dân làng khi con trai cả trong một gia đình nhà nho mà lại đi buôn bán kiếm tiền.
Cha ông cũng sợ đứa con của mình chưa biết nhân tình thế thái là gì, mà lại lao vào kinh doanh thì không biết chừng sẽ tiêu tán nốt số tài sản ít ỏi của gia đình.
Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi. Sau khi Nhật chính thức đô hộ Triều Tiên, những giá trị văn hóa mới, những tư tưởng, quan điểm mới đã được du nhập vào bán đảo này. Chính cha cậu cũng tự nhận thấy bản thân mình không thể bó buộc cậu con trai phải theo quan niệm truyền thống.
Koo In-hwoi được bố đưa đến gặp ông nội. Sau khi nghe ý muốn của cháu mình, người ông cất lời: “In-hwoi à, con trai cả trong nhà mà đi buôn bán thì người đời sẽ nghĩ sao về gia môn nhà mình?”.
“Thưa ông, cháu nghĩ là cứ sợ người khác chê cười rồi chẳng chịu làm gì thì ai sẽ lo cho các em và đàn con của con ăn học?”.
“Ông hiểu ý cháu. Vậy cháu định buôn bán gì?”.
“Cháu thấy ngành vải vóc có vẻ có tương lai.
Cháu cũng từng làm việc này hồi ở hợp tác xã”.
Người ông rít một hơi thuốc thật dài rồi cất tiếng: “Nếu đó là suy nghĩ của cháu thì ta không cản, nhưng nên nhớ, làm ăn hồ đồ khiến cái nhà này lụn bại là không bao giờ được phép. Cháu hiểu ý ta chứ?”.
“Dạ!”.
“Cháu muốn buôn bán thì cứ làm, nhưng ta không thể bán đất để cho cháu vốn liếng được”.
Từ sau hôm đó, Koo In-hwoi bắt đầu chạy vạy vay tiền.
Mấy ngày sau, ông nội gọi riêng người cha vào thư phòng. Dù đã nói với cháu không thể cho tiền vốn nhưng lòng ông cũng không yên và giục cha của Koo In-hwoi lo cho cậu con trai chút vốn.
Vài ngày sau, cha Koo In-hwoi lén gọi ông vào phòng rồi đưa cho ông một cọc tiền được gói ghém cẩn thận. Cha ông nói đó là tiền mà mình đã mượn của người bạn.
“2.000 won đấy. Sức cha bây giờ chỉ lo được chừng đấy thôi. Con phải trở thành một người kinh doanh có uy tín nhé. Cha tin con!”. Tuy nhiên, mở một cửa tiệm chỉ với 2.000 won cũng khó. Koo In-hwoi liền bàn bạc với Koo Chul-hwoi, người em trai để cùng nhau hợp tác.
Koo Chul-hwoi gom số tiền mình có và số tiền mượn bạn bè được tổng cộng 1.800 won. So với số vốn 30.000 won mà Lee Byung-chul đổ vào nhà máy xay xát gạo năm 1936, tức 5 năm sau đó, thì số tiền này tương đối nhỏ, mặc dù Koo In-hwoi có xuất phát điểm sớm hơn.
Nhà sáng lập tập đoàn LG Koo In-hwoi. Nguồn: worldkings. |
Vạn sự khởi đầu nan
Koo In-hwoi chọn Jinju, một thành phố của trào lưu, có sức tiêu thụ rất lớn để mở cửa hàng. Nếu Chung Ju-yung và Lee Byung-chul chọn ngành gạo làm ngành khởi nghiệp thì Koo In-hwoi lại chọn ngành vải.
Tuy vải và gạo có tính chất khác nhau nhưng chúng đều đóng vai trò của tiền tệ. Vải là mặt hàng có tính thanh khoản cao đến mức nó được chọn là tiêu chuẩn khi định giá thuế nộp cho nhà nước. Cũng giống gạo, vải có thị trường rất lớn và tính thương mại cao.
Trước khi công nghiệp hóa, những mặt hàng liên quan đến lương thực và may mặc đã hình thành thị trường lớn nhất. Ngày nay, tuy các ngành công nghiệp tiên tiến như công nghệ hay xe hơi dù chiếm tỷ trọng cao hơn, nhưng những công ty nước giải khát như Coca Cola hay công ty thời trang như Nike mới chiếm được thị phần lớn nhất.
Một lý do khác khiến Koo In-hwoi chọn buôn vải nằm ở thứ tự ưu tiên cạnh tranh của các thương nhân người Nhật. Nếu xem vải vóc thuộc ngành thời trang thì người Triều Tiên và người Nhật có sự khác biệt căn bản. Người Triều Tiên đương nhiên sẽ hiểu rõ thị hiếu thời trang của người Triều Tiên hơn người Nhật Bản. Phụ nữ giàu có cùng các kỹ nữ ở thành phố này rất nhạy cảm với xu hướng thời trang, chu kỳ cho mỗi mốt cũng khá ngắn nên mặt hàng vải vóc bán rất chạy.
Song lý tưởng và hiện thực lại khác xa nhau. Một năm sau, khi quyết toán, ông nhận thấy mình lỗ 500 won (tương đương với giá 100 bao gạo thời bấy giờ).
Koo In-hwoi kinh ngạc. Ông xem xét cặn kẽ để tìm ra nguyên nhân. Vấn đề của ông là phải nhập hàng số lượng lớn thì mới có thể bán ra với giá rẻ, nhưng ông không thể thực hiện được điều này với số vốn ít ỏi trong tay. Muốn giữ chân khách, ông phải nhập nhiều loại vải đa dạng hơn.
Sau một hồi trăn trở, cuối cùng, Koo In-hwoi tìm đến Công ty Khai thác Đông Dương. Họ cho biết nếu thế chấp đất thì có thể sẽ vay được 8.000 won.
Koo In-hwoi liền dẫn nhân viên phụ trách thẩm định giá đất của Công ty Khai thác Đông Dương cùng mình về quê. Trước mặt cha, Koo In-hwoi xấu hổ cúi gằm mặt, ông không còn mặt mũi nào để nhìn cha mình.
Người cha rút ra khế đất với một gương mặt khắc khổ và nói: “Con bại thì cái nhà này cũng bại".
Koo In-hwoi không thốt nổi nên lời.