Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cha mẹ quá nuông chiều, bao bọc khiến con không tự lập

Đa số cha mẹ cho rằng con cái chỉ có thể thụ hưởng một cuộc sống hạnh phúc khi không phải lo lắng về tiền bạc, địa vị, quyền lực. Liệu điều đó có đúng?

Bất cứ cha mẹ Việt nào cũng mong muốn con mình có cuộc sống hạnh phúc, nhưng cách họ chăm sóc, nuôi dưỡng, định hướng và giáo dục một đứa trẻ đã thực sự khoa học, nhân văn? Những sai lầm phổ biến trong nhận thức cũng như hành vi của cha mẹ có tác động như thế nào tới năng lực tự lập và khả năng kiếm tìm hạnh phúc cá nhân của những đứa trẻ khi chúng trưởng thành? Kinh nghiệm nào từ Nhật Bản có thể giúp ích hoặc gợi ý cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dưỡng trẻ tạo lập dần những năng lực cần thiết để xây đắp cuộc sống hạnh phúc trong tương lai?

Đó là những vấn đề chính được tác giả - diễn giả Nguyễn Quốc Vương trình bày, phân tích và trao đổi tại tọa đàm “Nuôi dạy con tự lập và hạnh phúc: Kinh nghiệm giáo dục từ Nhật Bản” diễn ra hôm 7/9 tại sự kiện ra mắt địa chỉ thứ ba của "Điểm đọc Việt Nam" ở Hà Nội.

Vật chất đủ đầy có thực sự khiến đứa trẻ hạnh phúc?

Khi được hỏi, thông qua hiểu biết của bản thân, bạn có nhận thấy cuộc sống cá nhân hiện nay hạnh phúc hơn các thế hệ trước đây - ông bà, cha mẹ, thầy cô của bạn - hay không, hẳn nhiều người sẽ bối rối.

Nguyễn Quốc Vương đã đưa ra một công trình nghiên cứu khoa học của Nhật Bản về tương quan giữa sự giàu có, thịnh vượng của đời sống vật chất thuần túy và mức độ vui vẻ, hài lòng với cuộc sống cá nhân dựa trên điều tra xã hội học trong 50 năm sau Thế chiến thứ hai.

De tao nen dua tre hanh phuc anh 1
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ tại chương trình. 

Kết quả cho thấy đồ thị thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục trong khi đường biểu thị mức độ hạnh phúc với cuộc sống cá nhân lại không gia tăng tương ứng. Vậy là ở một quốc gia sung túc hàng đầu thế giới, nhiều người không cho rằng mình hạnh phúc.

Theo tác giả Nguyễn Quốc Vương, tình trạng ở Việt Nam dường như đối ngược: Đa số cha mẹ cho rằng con cái mình chỉ có thể thụ hưởng cuộc sống hạnh phúc khi không phải lo lắng về tiền bạc, địa vị, quyền lực. Một cách tự nhiên, thu nhập, nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt, chức tước trở thành mục tiêu truy cầu trong tâm thức của nhiều gia đình.

Phụ huynh mong mỏi và sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả can dự vào đời sống cá nhân của con cái với hy vọng con “bằng bạn bằng bè”, ngang bằng, thậm chí vượt lên các cá nhân khác về phương diện đời sống vật chất. Trong khi trên thực tế, một cá nhân hạnh phúc là người được trải nghiệm cuộc sống với tất cả sự phong phú, sinh động thông qua những cảm xúc chân thực nhất: có vui tươi, buồn tủi, có ngọt ngào, đau khổ.

Một cơ thể khỏe mạnh, một trí tuệ sâu sắc, một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên và một cảm nghiệm lắng đọng về nhân sinh vô thường chắc hẳn tạo nên một cá nhân viên mãn, hạnh phúc - điều thường xuyên thiếu vắng trong nhận thức của cha mẹ Việt khi nuôi dạy con. Những đứa trẻ giờ đây lớn lên mà không biết tới vui chơi, quan sát, khám phá, rèn luyện thể chất, thay vào đó là smartphone, máy tính, bức tường chung cư, lớp học thêm. Bất hạnh hơn, không ít trẻ thiếu sự quan tâm đúng mực của cha mẹ, sớm chứng kiến cảnh cha mẹ tranh cãi, đổ vỡ, ly hôn hoặc cha mẹ mải miết chạy theo công việc, kiếm tiền…

Yêu thương đúng cách sẽ hình thành một đứa trẻ tự lập và hạnh phúc

Đó cũng là thông điệp mà anh Nguyễn Quốc Vương muốn truyền tải tới các phụ huynh. Những năm gần đây, cha mẹ đang phải đối diện với vô số nỗi lo lắng về những nguy cơ đe dọa môi trường sinh hoạt, học tập của con mình, từ tệ nạn xã hội, bạo lực học đường đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, suy thoái đạo đức…

Đáng quan ngại hơn chính là thực trạng cha mẹ quá nuông chiều, bao bọc con cái khiến chúng không có khả năng tự lập trên mọi phương diện. Điều đó vô hình trung gây nên hai hệ lụy. Một mặt, đứa trẻ thiếu những kỹ năng thực tế để có thể tạo dựng cuộc sống cá nhân tốt đẹp trong tương lai; mặt khác, khuyến khích tư duy độc đoán, can dự sâu vào đời sống con cái từ phía cha mẹ.

De tao nen dua tre hanh phuc anh 2
Cha mẹ đọc sách cùng con cũng là cách đồng hành giúp con trưởng thành.

Để thoát khỏi nguy cơ nói trên, diễn giả Nguyễn Quốc Vương cùng các phụ huynh đã thảo luận về việc làm thế nào để ngay từ độ tuổi mầm non, một đứa trẻ đã có thể học cách vui chơi mà không gây nguy hại với bản thân, học hỏi sớm về thế giới xung quanh qua quan sát, qua nỗ lực cha mẹ đọc sách cùng con, rèn luyện thể chất, kỹ năng sinh tồn cơ bản, kỹ năng vượt khó.

Đối với những thanh thiếu niên, chúng cần được rèn luyện, củng cố kỹ năng tư duy độc lập, tự tin vào bản thân, dám dấn thân để sống với chính mình, tự chủ về tài chính để không bị lệ thuộc, dựa dẫm… Kinh nghiệm phong phú từ gia đình, nhà trường Nhật Bản là tham chiếu quan trọng với trường hợp hiện tại của Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng cách làm tiên tiến của việc nuôi dạy con tại Nhật Bản nhằm tránh những sai lầm vốn tương đối phổ biến ở Việt Nam.

Sự phát triển của đất nước cần tới những con người tự do, có trí tuệ và kỹ năng chuyên môn. Nhiều cá nhân hạnh phúc góp phần tạo nền một quốc gia cường thịnh và để giấc mơ đó trở thành hiện thực luôn cần tới nhận thức đúng đắn cũng như nỗ lực của tất cả các bậc phụ huynh.


Anh Đức

Bạn có thể quan tâm