Thằng con tôi đứng phắt lên, khi mẹ nó vừa cắt chiếc bánh dẻo ra.
- Không, con chẳng ăn loại này đâu. Ứ có trứng muối.
Nó thích bánh trung thu của những hãng nổi tiếng “thời thượng”, có nhân trứng muối. Còn đây là bánh nhân tổng hợp, lại của một nhãn hàng địa phương, vậy thì làm sao mà ngon được như thứ bánh hảo hạng kia. Tôi cầm miếng bánh vợ tôi đưa cho, mùi mỡ, lạp sườn, thịt mỡ, bí đao... thơm phức. Tôi chợt nhớ đến những chiếc bánh nướng mẹ mua ngày mình còn nhỏ.
Thời đó, có phải nhiều nhặn gì, nhà nào có điều kiện lắm thì Trung thu đến mới mua được cho con một, hai cặp bánh, chút ít hoa quả mua ở chợ quê hoặc hái ở vườn nhà, để gọi là có mâm cỗ trông trăng. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo được gói trong những tờ giấy dầu (loại màu vàng nhạt, bóng, không thấm nước như giấy gói khoai tây chiên, bánh ngọt ngày nay), làm gì được bọc trong nylon, đựng trong hộp nhiều màu sắc sang trọng, với hạn sử dụng như bây giờ.
Tuy cuộc sống còn khốn khó, nhưng cha mẹ vẫn cố gắng mua cho các con những món quà bình dị. Ảnh: Tuấn Minh. |
Bánh làm bằng bột gạo, bột mì, nhân chủ yếu là thịt mỡ, lạc, bí đao. Bánh nướng thì có thêm vị lá chanh. Bánh phải để đến đúng đêm rằm mới được cắt ra, sau khi bọn trẻ con đã đi rước đèn trong xóm về. Cả nhà ngồi quây quần, chờ tới lúc mẹ bổ bưởi, bóc kẹo và cắt bánh. Đấy là lúc mà anh em chúng tôi chờ đợi nhất.
Những chiếc bánh đã làm từ khá lâu, lại không được bảo quản tốt, nên khi bóc ra, có chỗ đã lên mốc, có mùi chua chua. Mẹ tôi phải cắt bỏ những chỗ đó. Nhân bánh cũng chẳng còn còn mùi thơm của thịt, của lạc nữa, mà thay vào đó là mùi hôi hôi, có khi lại như mùi thịt thiu, rất khó chịu.
Đấy còn là loại bánh quốc doanh, chứ bánh gia công của các xưởng bánh nhỏ làm thì ôi thôi... Thứ bánh ấy lại còn khó tả hơn, nhân làm bằng tóp mỡ, với thứ lạc xấu, vỏ bánh chủ yếu là bột sắn. Nên bánh ăn rất cứng và cứ bở ra, lại nhiều đường hóa học, tạo nên một vị ngọt khé. Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao khi ấy chúng tôi lại ăn được những chiếc bánh đó ngon lành đến thế.
Nói vậy có phải nhà nào cũng mua được bánh nướng, bánh dẻo cho trẻ con đâu. Nhiều nhà chỉ có thể có được gói kẹo vài nghìn, ít hoa quả ở chợ quê là đã thấy vui lắm rồi. Còn không lại rang ít lạc, trong vườn có hoa quả gì thì hái vào, có khi chỉ là mấy quả chuối, quả ổi, vài chiếc kẹo bột, mà chúng tôi hay gọi là “kẹo cởi truồng”...
Cũng có lần xóm tôi tổ chức cho trẻ nhỏ, cũng có rước đèn, văn nghệ, các cô chú, anh chị đoàn viên Đoàn thanh niên chia quà Trung thu. Lúc đấy chúng tôi cứ nhao nhao hết cả lên, vì đứa nào cũng sợ mình bị bỏ sót, không được chia quà. Quà thời đó cũng chỉ là mấy cái kẹo hoa hồng, kẹo bon bon, vài múi bưởi, với mấy miếng hồng... Tất cả được đựng trong những chiếc rổ to, rồi lần lượt đi chia theo vòng. Thế thôi, nhưng chúng tôi thích lắm, có đứa chẳng dám ăn kẹo ngay, mà để dành phần em ở nhà, hay để đến hôm sau mang đến lớp.
Những chiếc bánh Trung thu bắt mắt, thơm ngon ngày nay. |
Tôi nhớ, có đứa cứ để dành kẹo trong cặp, đến mấy hôm sau mở ra thì nó chảy nước ra ướt nhoét. Thế là thôi đành ngồi thừ ra mà tiếc ngơ tiếc ngẩn. Đêm Trung thu của chúng tôi còn đốt những xâu hạt bưởi khô cho cháy bùng bùng, với những chiếc đèn ông sao tự làm, dán bằng những tờ giấy màu xanh đỏ.
Bây giờ bánh Trung thu bày bán từ cuối tháng sáu âm lịch, với đủ các nhãn hiệu, từ cao cấp đến bình dân, có cả hàng nhập khẩu. Người ta sáng tạo ra rất nhiều loại bánh, với đủ thứ hương vị, mẫu mã bắt mắt. Lại có cả bánh trung thu chay, bánh cho người mắc tiểu đường... Thế là chẳng cần chờ đến khi “trông trăng phá cỗ”, mới được thưởng thức bánh nướng, bảnh dẻo, mà bây giờ có thể ăn bánh trước rằm tháng tám cả tháng.
Trăng tháng tám lại lên, thêm một mùa Trung thu nữa lại về. Năm nay không biết các con tôi có chờ để đi theo đám rước đèn và mùa lân rồng không? Hay chỉ ngồi nhà lên mạng, hoặc xem hoạt hình thôi. Nhưng tôi chắc chắn chúng sẽ không háo hức chờ đến rằm để được phá cỗ trông trăng, để được ăn bánh như chúng tôi ngày xưa.