Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “Ông Phật làm súng”.
Trong cuốn “Trần Đại Nghĩa - Nhà bác học Việt Minh” (NXB Trẻ, 2015), tác giả Thành Đức, cựu chiến binh quân giới, thư ký giúp việc của GS, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa từ việc tìm hiểu các nguồn tư liệu khả tín và qua lời kể của chính nhân vật mà ông được nghe trực tiếp, đã phác họa lên chân dung một “đại trí thức”, một nhà khoa học lớn, một vị tướng đem hết tài năng, tâm đức hiến dâng cho tổ quốc.
Cuối tháng 9/1946, Phạm Quang Lễ (đeo kính, đứng hàng sau cùng) cùng các trí thức Việt kiều theo Bác trở về Tổ quốc trên chiến hạm Dumont d’Urville. Ảnh tư liệu. |
Từ bỏ mức lương 22 lạng vàng theo Bác trở về Tổ quốc làm việc đại nghĩa
Trần Đại Nghĩa (1913-1997) tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ở Chánh Hiệp, Tam Bình, Vĩnh Long. Cha ông là Phạm Văn Mùi làm nghề dạy học, mẹ ông là bà Lý Thị Diệu. Ông mồ côi cha lúc 6 tuổi. Năm 1930, ông thi đỗ vào đệ nhị cấp Pétrus Ký tại Sài Gòn.
Năm 1933, ông đỗ thủ khoa Tú tài bản xứ, lẫn tú tài Tây. Nhờ sự giúp đỡ của nhà báo Vương Quang Ngươu, ông được Trường Chasseloup Laubat cấp cho một năm học bổng sang Pháp theo học một lớp dự bị để thi vào đại học.
Năm 1936, ông trở thành sinh viên Đại học Quốc gia Paris và bước đầu mở được cánh cửa vào con đường nghiên cứu vũ khí. Sau khi có tấm bằng kỹ sư ông làm việc ở Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.
Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, hay tin, ông đã đến sân bay Le Bourget để chào đón Người.
Được bác sĩ Hoàng Xuân Mãn (em ruột Giáo sư Hoàng Xuân Hãn), Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp giới thiệu, ông được tiếp kiến Bác. Sau đó, nhiều lần ông được tháp tùng Bác đi thăm nói chuyện với Việt kiều. Những ngày ở gần Bác, ông đã cảm phục và quý mến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trí tuệ, và sự uyên thâm của Bác đã cho ông một niềm tin để đi theo Người thực hiện hoài bão lớn ấp ủ bấy lâu.
Có lần Bác hỏi: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”. Ông đã trả lời rất nhanh: “Dạ thưa, nguyện vọng cao nhất của cháu là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”. Những lần sau, khi nói chuyện với Bác, ông đã chia sẻ những điều ông học được và 30.000 trang tài liệu về vũ khí ông thu thập được. Bác nói ông cần giữ kín để tránh phiền hà về sau.
Hội nghị Fontainebleau không thành, sau khi ký bản Tạm ước với 14/9/1946 với Pháp, Bác đã cho gọi Phạm Quang Lễ: “Bác sắp về nước, chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường về nước. Chú sẵn sàng chưa?”. Ông sung sướng trả lời: “Thưa Bác, cháu đã sẵn sàng”.
Ngày 19/9/1946, ông về nước cùng Bác trên chiến hạm Dumont d’Urville từ cảng Toulon và mang theo 1 tấn tài liệu được đóng hòm dán nhãn “ngoại giao”. Trong hồi ký Trở về Tổ quốc kính yêu, tác giả Thành Đức dẫn lại trong sách, ông đã chia sẻ những gửi gắm của mình với bạn bè ở Paris. Trước khi theo Bác trở về Tổ quốc, ông được hưởng mức lương của kỹ sư trưởng là 5.500 fance/tháng, tương đương với 22 lạng vàng.
Những phát minh làm lay chuyển cục diện chiến trường
Ngay sau khi trở về nước, Phạm Quang Lễ được cử lên xưởng quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên tham gia nghiên cứu chế tạo súng chống tăng theo mẫu Bazooka của Mỹ với hai viên đạn dự trữ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cung cấp. Ngày 5/12/1946, Bác gọi ông về Hà Nội trực tiếp giao ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (đóng tại Ứng Hòa) với nhiệm vụ “lo vũ khí cho bộ đội”. Cùng nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho ông là Trần Đại Nghĩa (có hàm ý làm việc đại nghĩa).
Về Ứng Hòa, ông tiếp tục việc nghiên cứu chế tạo súng Bazooka. Từ những kiến thức thu thập được qua các tài liệu mật ở nước ngoài, với trình độ cử nhân toán cao cấp, ông và các đồng chí của mình đã chế thử thành công Bazooka (B60), sau đó ông hoàn chỉnh bản vẽ chi tiết và chuyển đến các xưởng quân giới ở Việt Bắc.
Đầu tháng 3/1947, súng Bazooka đã lập chiến công đầu tiên. 10 quả đạn và 3 khẩu súng chuyển về Trung đoàn Thủ đô do tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy đã bắn cháy 2 xe tăng của thực dân Pháp tại chùa Trầm, Quốc Oai (Hà Tây cũ) khi chúng đánh chiếm thị xã Hà Đông.
Đến tháng 4/1947, Bazooka đi vào sản xuất hàng loạt, gửi các chiến trường.
Ghi nhận cống hiến của Trần Đại Nghĩa, trong đợt phong tướng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 117-SL ngày 25/1/1948, phong ông quân hàm thiếu tướng.
Súng Bazooka Cục Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1947, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh tư liệu. |
Sau Bazooka, Trần Đại Nghĩa đã cùng các kỹ sư cộng sự gần gũi như Lê Tâm, Nguyễn Trinh Tiếp tiếp tục nghiên cứu một loại vũ khí mạnh hơn, có khả năng tiêu diệt các boong ke, lô cốt kiểu mới của địch. Sau một thời gian thực nghiệm, súng đại bác SKZ 60 đã chế thử thành công. Đây là loại vũ khí công đồn nặng khoảng 26 kg, có thể tháo rời để mang vác, đầu đạn nặng khoảng 9 kg, có thể xuyên thủng bê tông dày trên 60 cm, khi bắn ở cự ly tối ưu.
SKZ 60 được ứng dụng ngay trên chiến trường và lần đầu lập chiến công xuất sắc, phá tan boong ke kiên cố của giặc Pháp trong chiến thắng ở Phố Ràng, chiến thắng Phố Lu trong chiến dịch Lê Hồng Phong cuối năm 1949.
SKZ đã làm giặc Pháp khiếp sợ. Trong cuốn Chiến tranh Đông Dương, xuất bản tại Paris năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bêtông dày 60 cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được tháp canh của chúng tôi".
SKZ 60 do do cán bộ, công nhân ngành Quân giới Việt Nam sản xuất. Ảnh tư liệu. |
Bên cạnh chế tạo súng, ông còn chỉ đạo anh em Cục Quân giới chế tạo bom bay. Đầu năm 1948, sau gần 3 tháng nghiên cứu thành công, bom bay do Việt Nam chế tạo ra đời. Đầu năm 1949, bộ đội ta bắn thử loại bom này. Khi bắn quả đạn bay qua sông Hồng rơi đúng vào trung tâm chỉ huy của Pháp ở Bác Cổ. Tuy thiệt hại vật chất không lớn, nhưng loại bom này đã khiến quân Pháp khiếp sợ hoang mang.
Ngoài chế tạo vũ khí, ông còn mở nhiều lớp đào tạo kỹ thuật vũ khí và trực tiếp đứng lớp. Qua các bài giảng, ông đã trang bị cho anh em những kiến thức cơ bản về kỹ thuật vũ khí. Hầu hết học viên do ông đào tạo sau này đều là những cán bộ chủ chốt.
Sau 3 năm được giao nhiệm vụ “lo vũ khí cho bộ đội”, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đưa ngành quân giới non trẻ phát triển mạnh mẽ. Những vũ khí Cục quân giới chế tạo đã góp phần quan trọng để bộ đội ta giành thắng lợi trên các chiến trường, đặc biệt là chiến dịch biên giới 1950. Năm 1952 tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ nhất ông được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang.
Sắc lệnh số 117-SL ngày 25/01/1948 thụ phong cấp thiếu trướng cho ông Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. |
Sau chiến thắng Điện Biên phủ, Hiệp định Genève ký kết, Trần Đại Nghĩa được cử làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Năm 1966, trước sự leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, ông được điều động trở lại phục vụ quân đội với cương vị là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, chuyên trách về mặt kỹ thuật vũ khí quốc phòng. Ông đã có nhiều đóng góp lớn trong việc tìm biện pháp kỹ thuật chống chiến tranh phá hoại, phá hệ thống thủy lôi của địch, chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công, tìm phương án đánh B52, góp phần cải tiến SAM 2.
Không chỉ là một nhà khoa học chế tạo vũ khí ông còn có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện Khoa học Việt Nam… và là tấm gương khoa học sáng mãi trong lòng hậu thế.