Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngọc Hân công chúa và nỗi oan xuyên thế kỷ

Không chỉ có cuộc sống bi thương, thanh danh Ngọc Hân công chúa còn ảnh hưởng khi bị người đời đơm đặt những chuyện thị phi và phải chịu nỗi oan xuyên thế kỷ.

Trong sách “Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân ở Huế” (NXB Thuận Hóa, 2014), tác giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho thấy cuộc đời của Ngọc Hân công chúa vẫn còn những điều trắng đen, tốt xấu lẫn lộn do sự nhầm lẫn của dân gian và cả những nhà viết sử. Nguyên nhân một phần vì tài liệu lịch sử của nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn đốt sạch.

Với nhiệt tình của một nhà nghiên cứu triều Nguyễn và Huế, qua việc tìm hiểu, nghiên cứu các nguồn tư liệu xác thực, ông đã cố gắng làm rõ nghi vấn liên quan cuộc đời của công chúa Ngọc Hân, đặc biệt là nỗi oan giết chồng và lấy hai kẻ cừu thù.

Sớm thành quả phụ, khi chết rơi vào vòng xoáy trả thù

Lê Ngọc Hân sinh ngày 27/4 năm Canh Dần (1770) là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc.

Năm bà 16 tuổi (1786), tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ từ Phú Xuân kéo quân ra Bắc Hà “phù Lê, diệt Trịnh”, vua Hiển Tông đã gả bà cho ông. Sau đó, bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa. Năm 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế. Năm 1789 sau khi đại thắng quân Thanh ông phong bà làm Bắc cung hoàng hậu. Bà có với Nguyễn Huệ hai người con là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà. Cái chết của vua khiến bà suy sụp. Bà đã dồn hết tình cảm của mình làm bài Ai tư vãn bằng quốc âm (164 câu song thất lục bát) để khóc chồng, lời lẽ lâm ly bi thiết.

Vua Quang Trung quy thần, Quang Toản lên ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Vì vua còn nhỏ, nên cậu ruột của vua là Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền độc đoán. Ngọc Hân bị cô lập ở chùa Kim Tiên. Năm 1794, đại đô đốc Nguyễn Văn Dũng làm cuộc chính biến, giết Bùi Đắc Tuyên, phục hồi lại triều chính của Cảnh Thịnh. Từ đó, Bắc cung hoàng hậu có sự ảnh hưởng nhất định với triều Cảnh Thịnh. Sự việc quan trọng nhất là bà đưa Lê Ngọc Bình - em gái cùng cha khác mẹ - vào làm chánh cung cho vua Cảnh Thịnh.

Noi oan xuyen the ky cua cong chua Ngoc Han anh 1
Tạo hình vua Quang Trung (diễn viên Lý Hùng) và Ngọc Hân công chúa (Thùy Lâm) trong phim Tây Sơn hào kiệt (nhà sản xuất Lý Huỳnh, năm 2010).

Bà mất ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (1799), khi mới 29 tuổi. Ban đầu bà được táng tại lăng Đan Dương, sau đó, bà Nguyễn Thị Huyền đã nhờ Đô đốc Hài, triều Cảnh Thịnh dời về làng Nành. Công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức sau đó cũng mất sớm.

Theo một số tài liệu, hai người bị nhà Nguyễn bắt và có thể bị giết cùng với các người con khác của Nguyễn Huệ. Sử gia nhà Nguyễn cho biết, hài cốt hai người con của Ngọc Hân cũng được bà Nguyễn Thị Huyền nhờ người bí mật dời về làng Nành “ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ”. Đến đời vua Thiệu Trị bị phát giác, mộ bị đào, hài cốt bị vất xuống sông, miếu thờ bị phá. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn quý trọng mẹ con bà vẫn giữ gìn dấu xưa tích cũ.

Nỗi oan giết chồng và lấy hai kẻ cừu thù

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết Ngọc Hân công chúa phải chịu nỗi oan bỏ thuốc độc giết vua Quang Trung vì ghen tuông và sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, làm thất thân của vua Gia Long, điều này khiến bà tổn hại thanh danh ít nhiều và hậu thế tốn không ít giấy mực. Để “giải oan” cho bà, ông Xuân đã sao lục những bài viết đưa ra thông tin hai chiều về cuộc đời bà kèm theo những bài phản biện nhằm bác bỏ những thông tin sai trái.

Ông Xuân cho biết trong Tạp chí phổ thông số 62 ra ngày 1/8/1961, ông Thượng Khánh đã đưa ra một nguồn sử liệu làm cho một số đông bạn đọc sững sờ. Theo ông Khánh, động cơ để Lê Ngọc Hân giết chồng bắt nguồn từ việc hoàng đế Càn Long (Trung Quốc) hứa gả con gái cho Quang Trung và trong một phút bồng bột vì quá ghen, Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho vua uống.

Ở chiều ngược lại, ông Xuân dẫn bài Ngọc Hân công chúa chưa hết chịu tiếng oan này đến chịu tiếng oan khác của Quách Tấn để phản biện lại bài viết của ông Khánh. Trong bài viết này, Quách Tấn đã chứng minh những điều ông Khánh viết ra hoàn toàn không có căn cứ, suy diễn vô tội vạ và sai lệch với lịch sử. Điều này được thể hiện ngay trong bài viết của ông Khánh.

Noi oan xuyen the ky cua cong chua Ngoc Han anh 2
Mô phỏng Lê Ngọc Hân bên Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Ảnh tư liệu.

Ông Khánh nói ông nội của mình là con trai của hoàng tử Lê Duy Mật và ông là cháu gọi Ngọc Hân bằng cô ruột, những gì ông kể lại trong bài viết, là do ông nội ông kể lại. Quách Tấn đã chỉ ra điểm sai này: nếu theo thứ phả thì ông phải gọi công chúa bằng cụ chứ không phải gọi bằng cô...

Ông Khánh nói việc Ngọc Hân ám sát vua Quang Trung được chép trong gia phả của nhà ông mà quyển gia phả ấy không còn vì bị đốt năm 1947. Quách Tấn cho rằng nghĩa là ông Khánh không có cái gì để chứng minh rằng những lời ông thuật lại là "không phải bịa đặt".

Về việc Quang Trung cầu hôn công chúa nhà Thanh, Quách Tấn đã kiểm chứng lại và khẳng định các sách sử có chép chuyện này. Tuy nhiên, chuyện Ngọc Hân ghen với công chúa nhà Thanh mà ông Khánh đưa ra rất phi lý. Quách Tấn cho rằng công chúa vốn là người có học thức, việc vua Quang Trung sai sứ sang cầu hôn mục đích là để chọc tức vua Càn Long chứ không phải để mong vui thú chăn gối. Công chúa chẳng lẽ không biết việc này mà đến mức nổi ghen giết chồng? Thêm nữa, vua Quang Trung không thiếu ngự y. Nhà vua bị độc chẳng lẽ ngự y lại không nhận biết được. Quách Tấn cũng cung cấp một tư liệu xác thực khẳng định vua Quang Trung chết vì “huyễn vận” (bệnh cao huyết áp) chứ không phải do đầu độc.

Ông Xuân cũng cho biết, trong cuốn Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH), số ra tháng 10 - tháng 12/1941, đăng bài viết của ông Phạm Việt Thường có tên được dịch ra tiếng Việt Những oái oăm của ông Tơ bà Nguyệt hay là số phận lạ lùng của công chúa Ngọc Hân. BAVH là tạp chí uy tín nên câu chuyện Ngọc Hân lấy hai vua Quang Trung, Gia Long là cừu thù của nhau khiến nhiều người tin. Thực ra, nhầm lẫn này xuất phát từ việc tác giả nhầm công chúa Ngọc Bình với công chúa Ngọc Hân.

Ông Xuân cho rằng không thể có chuyện một người đã mất trước đó 3 năm lại... đi lấy chồng. Ông cũng đặt câu hỏi vua Quang Trung qua đời năm 1792, từ đó đến năm 1801, trong cung điện thành Phú Xuân phải là nơi ở của vợ Quang Toản, làm sao bà Ngọc Hân là vợ vua Quang Trung đã qua đời trước đó nhiều năm lại có thể ở trong đó để Nguyễn Ánh đến gặp?

Bộ Đại Nam liệt truyện chính biên (sơ tập), viết tiểu sử hai ông hoàng Quảng Oai và Thường Tín là con của Đức phi họ Lê chứ không hề có tên Lê Ngọc Hân. Ông Xuân cũng cho biết những năm 90 thế kỷ 20, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc đã biên soạn Nguyễn Phúc tộc thế phả, sửa chữa những sai lầm của người xưa. Trong sách này có ghi rõ lai lịch người vợ thứ 3 của vua Gia Long là Đức phi Lê Thị Bình.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm