Đó không chỉ là ngày tựu trường, gặp lại thầy cô, bạn bè sau những ngày hè được vui chơi thỏa thích. Với tôi ngày hôm đó còn hơn thế nhiều lắm! Nó có ý nghĩa như một bước ngoặt lớn, làm thay đổi không chỉ tuổi thơ, mà còn là cả cuộc sống của tôi sau này.
Tôi không được may mắn cắp sách tới trường từ nhỏ như các bạn cùng trang lứa, vì bị khuyết tật từ khi sinh ra. Học hết lớp 2 tôi phải nghỉ học để đi chữa bệnh, thêm nữa nhà tôi neo người nên không có người đưa đón đi học. Tạm nghỉ học ở nhà, nhưng tôi lại gặp may mắn khác, một may mắn từ sự tình cờ.
Những ký ức khó quên của thế hệ 7X, 8X về lễ khai giảng xưa. Ảnh: Tư liệu. |
Trong khi đi chữa bệnh, tôi gặp một chú với khả năng “đặc biệt”, vừa tốt nghiệp Tổng hợp Toán, cũng nằm viện giống tôi. Thời gian rỗi chú dạy cho tôi các kiến thức cơ bản trong chương trình học cấp 1 và cấp 2. Sau đó về nhà, bố mẹ tôi lại nhờ các thầy cô dạy thêm, củng cố và hệ thống lại các kiến thức. Cuối cùng khi vượt qua được cuộc “sát hạch”, tôi được trở lại trường đi học với một “cơ chế” đặc biệt vào năm lớp 9.
Tôi đã rất hồi hộp chờ đợi buổi khai trường năm ấy, sau bao năm tháng không được đi học. Sân trường đông người, thầy cô và học sinh đi qua đi lại, tôi chỉ đứng nép sau cái cột thềm, hoặc là đi sau cô giáo chủ nhiệm. Thực sự lúc đó tôi tràn ngập cảm giác của một cậu bé lớp 1 trong buổi đầu tới lớp.
Bấy giờ trường làng của tôi còn là những dãy nhà cấp bốn cũ kỹ, tường nhà tróc lở, mái ngói xô lệch, những bộ bàn ghế cập kênh. Sân trường chưa lát gạch hay láng bê tông, mỗi khi gió cuốn lại bụi mù lên.
Thời ấy, chúng tôi nào có nhiều áo quần như các em học sinh bây giờ. Rất ít đứa có quần áo và giày dép mới. Đa phần có là sao mặc vậy, không có gì khác hơn ngày thường, nên chẳng có vẻ gì là của một ngày lễ cả. Tôi vẫn nhớ những đôi dép tổ ong “thần thánh”, cũ mèm đen đúa, mòn vẹt, rách mõm, hay hàn chằng chịt những mảnh nhựa nhỏ vào những chỗ bị rách. Nên đứa nào có được đôi dép nhựa trắng Tiền Phong, là oách phải biết.
Vậy mà, gương mặt ai cũng rạng lên, vui vẻ cười nói, đùa nghịch huyên náo. Tất cả diễn ra dưới những tán cây xà cừ cổ thụ, bao trùm gần như kín sân trường, tỏa bóng mát che những dãy phòng học. Có nhiều đứa mang theo những bông hoa hồng, đồng tiền, thược dược... bọc trong những tờ giấy vở học sinh đã viết rồi. Đấy là những bông hoa cắt từ vườn nhà, đem đến trường cắm lên những lọ hoa trên sân khấu, bàn đại biểu hay trong các lớp học, hoặc để sau mỗi tiết mục văn nghệ, lên tặng người biểu diễn.
Tôi (hôm ấy) chưa bao giờ tưởng tượng được, một buổi khai trường lại vui đến như thế. Trước đó tôi cứ nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ được tham dự một buổi khai giảng năm học mới nào nữa, mặc dù tôi vẫn luôn ao ước được đến trường. Nhất là những khi gần đến năm học mới, thấy bọn trẻ con trong xóm náo nức chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập... Tự dưng tôi thấy mình hẫng hụt, như người thừa.
Sau này tôi may mắn được tham dự nhiều buổi khai giảng, quy mô và rực rỡ hơn rất nhiều. Vậy mà tôi cứ thấy nhớ đến cái buổi lễ tựu trường năm ấy ở ngôi trường làng, với những đứa học sinh còn “lấm lem” quê mùa... Chương trình của buổi lễ chỉ đơn giản bằng những lời chào mừng, căn dặn học sinh của thầy hiệu trưởng, vài ba tiết mục văn nghệ tự biên chứ không có những thủ tục rườm rà, những bài phát biểu dài dòng của các đại biểu tới dự, với vô khối những lẵng hoa, loa đài, phông bạt như bây giờ.
Đôi khi sự đơn giản, bình dị lại khiến ta ấn tượng nhiều và khó có thể quên. Tôi có lúc bần thần tự hỏi: Liệu sau này con mình lớn lên, chúng có nhớ gì nhiều về những ngày lễ khai giảng, khi bây giờ chúng dường như chẳng còn cái háo hức chờ đến ngày tựu trường...