Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt học đường?

Việc con cái bị các bạn bắt nạt ở trường khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Để giúp con vượt qua giai đoạn đầy khủng hoảng này, cha mẹ cần lắng nghe con và tiếp thêm cho bé sức mạnh.

manh me,  bat nat,  khac biet anh 1

Khi con bị bắt nạt ở trường, cha mẹ cần ở bên an ủi bé, động viên để bé mạnh mẽ hơn. Ảnh: T.Q.

Từ những ngày đầu đi học, đã có những trẻ thích bắt nạt các bạn khác. Tuy nhiên, tại sao một số trẻ lại bị bắt nạt nhiều hơn các bạn khác? Có rất nhiều trẻ ngoan ngoãn, hiền lành và thông minh hay bị trêu chọc, đặc biệt trong quá trình học trung học cơ sở.

Nhìn chung, trẻ chưa đến tuổi vị thành niên thích chế nhạo bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì khác biệt. Trẻ sẽ bỏ ngoài tai môn Giáo dục Công dân về “tôn trọng sự đa dạng và khác biệt”. Điều này cũng chỉ là một phản ứng bình thường có tính chất giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ.

Không may thay, trong một số trường hợp, vẻ ngoài hiền lành, chăm chỉ và ngoan ngoãn lại khiến một số trẻ bị coi là một kẻ ngốc nghếch, đặc biệt nếu chúng không biết quy tắc đơn giản "cho và nhận" của lứa tuổi “trước teen”. Một số trẻ trưởng thành, chín chắn hơn sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với sự thiếu chín chắn của bạn bè đồng trang lứa.

Nhiều phụ huynh cố gắng can thiệp để biến tình hình trở nên tốt đẹp hơn. Điều này có thể mang lại hiệu quả. Đôi khi, mẹ của một đứa trẻ quá khác biệt với các bạn có thể nói trước cả lớp rằng bà và con bà rất mong nhận được sự thấu hiểu từ phía các bạn, đồng thời giải thích rằng việc thích nghi với những quy tắc ứng xử trong môi trường mới không dễ dàng với con bà.

Trẻ càng gặp khó khăn thì nỗ lực điều chỉnh môi trường xung quanh theo hướng này càng quan trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ đã có sự hiểu biết nhất định, tốt hơn hết cha mẹ nên giúp trẻ hòa nhập.

Thay vì tác động lên môi trường bên ngoài, cha mẹ nên giúp tâm hồn con phát triển và hòa nhập với cuộc sống xung quanh theo cách tự nhiên nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ gặp nguy hiểm về thể chất, cha mẹ nên can thiệp tới môi trường sống và học tập của con.

Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ với câu nói: “Các bạn nghịch ngợm sau này sẽ trở thành những người tốt. Thật ngạc nhiên phải không? Một ngày nào đó các bạn cũng sẽ chín chắn như con! Thật may khi đây chỉ là một giai đoạn trong đời các bạn thôi. Mẹ (bố) rất tự hào khi con xử lý tình huống như vậy.” Một ông bố hoặc bà mẹ hiểu chuyện ít nhất sẽ để trẻ biết rằng bị trêu chọc không có nghĩa trẻ có gì sai mà đó là vấn đề của các bạn khác.

Hiển nhiên, trẻ càng học được nhiều về cách xử lý các tình huống kiểu này từ sớm, cùng với nhận thức rõ ràng về “giá trị bản thân” bất kể cách hành xử của các bạn ở trường ra sao, thì khi trưởng thành, chúng sẽ càng mạnh mẽ và độc lập hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Những lần chọc ghẹo ban đầu sẽ giúp trẻ có cơ hội vừa học được kỹ năng cư xử hòa đồng, vừa không hùa theo thói xấu của người khác. Một ông bố hay bà mẹ có thể nói: “Con yêu à, trong suốt cuộc đời mình, con sẽ bị những người khó chịu như thế vây quanh. Thật may khi con được học cách xử lý ngay từ bây giờ. Rất nhiều người không thể làm điều đó ngay cả khi họ đã trưởng thành! Mẹ (bố) hy vọng sau này con sẽ vượt qua những tình huống tương tự một cách khôn ngoan và tinh tế hơn những người khác từ chính những gì con học được ngày hôm nay.”

Những cách làm thường không hiệu quả là:

- Cố gắng biến môi trường học tập trở nên dễ dàng hơn đối với trẻ (điều này là không cần thiết vì nếu một đứa trẻ có nguy cơ bị đe dọa thực sự, ban giám hiệu sẽ vào cuộc và loại bỏ những đối tượng gây hấn).

- Cố gắng “khiến trẻ mạnh mẽ” bằng những khẳng định sai hoặc khen ngợi thái quá.

- Đưa ra những lời khuyên khi không được yêu cầu và gợi ý cách ứng xử cho trẻ.

- Để trẻ thấy là bạn xót con nhường nào và bạn cảm thấy bất lực thế nào trong hoàn cảnh ấy.

Foste Cline & Jim Fay/ Skyboooks & NXB Thế giới

Bình luận

SÁCH HAY