Cha mẹ nên tạo cho con thói quen đi ngủ đúng giờ từ khi còn nhỏ. Ảnh: S.F. |
"Đến giờ đi ngủ rồi, con yêu.” Bạn nói câu ấy hằng đêm. Và mỗi đêm bạn đều phải đối mặt với hàng loạt lý do con bạn đưa ra để trì hoãn: “Con xem xong chương trình này đã”, “Con ăn cái gì đó đã được không ạ?”, “Mẹ kể chuyện cho con nghe đi”, “Nhưng con chưa buồn ngủ”, “Có ma trong phòng con”. Khi tìm lý do để không phải đi ngủ, mỗi đứa trẻ đều thông minh như Einstein vậy.
Sự thật là bạn không thể ép con đi ngủ. Mắt chúng sẽ nhắm và chìm dần vào những giấc mơ khi đồng hồ sinh học của chúng điểm. Tất cả những yêu cầu của cha mẹ trên thế giới này đều không thể làm điều đó.
Không ít cha mẹ bắt con đi ngủ để họ được rảnh tay, rảnh chân vào buổi tối. Họ nói “Cha mẹ mệt, nên tới lúc các con đi ngủ rồi đấy.” Một cách giải quyết khác tốt hơn là cho phép trẻ được thức nhưng không làm phiền cha mẹ.
Thay vì nói “Đây là số giờ con cần ngủ mỗi tối”, cha mẹ nên nói “Đây là thời gian ngủ của con, một cơ hội tuyệt vời con có mỗi tối để được ở trong phòng mình”. Cơ hội đó có thể bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút hoặc 8 giờ 30 phút tối hoặc lúc khác.
Hãy cho trẻ và nhu cầu riêng tư của bạn xác định thời điểm phù hợp. Điều này giúp cuộc chiến “đi ngủ” bớt căng thẳng. Trên thực tế, sẽ không còn cuộc chiến nào nữa.
Giờ đi ngủ, giống như rất nhiều các vấn đề kiểm soát khác, có thể được cải thiện bằng cách từ bỏ dần sự kiểm soát. Cha mẹ có xu hướng đánh giá thấp nhu cầu của trẻ, dù là nhỏ nhất, về quyền tự quyết. Do đó, khi thấy trẻ muốn giành mọi quyền quyết định, họ nghĩ rằng đó thực sự là những gì trẻ muốn. Trên thực tế, tất cả những gì trẻ muốn chỉ là một chút quyền tự quyết, chứ không phải toàn bộ.
Vì vậy, đừng kiểm soát mọi việc. Hãy hỏi trẻ chúng muốn cửa phòng đóng hay mở, bật đèn hay tắt đèn, có muốn nghe kể truyện trước khi đi ngủ không… Đừng tự quyết định mọi vấn đề, hãy chia sẻ với trẻ một chút.
Rất nhiều bậc phụ huynh không cho con trẻ quyền kiểm soát này vì lo sợ các hệ quả. Chúng ta sợ rằng Brennan thức tới tận 1 giờ sáng nghe đài và sắp xếp thẻ bóng chuyền của mình, điều đó sẽ khiến đứa trẻ mệt mỏi, cáu kỉnh vào buổi sáng.
Dĩ nhiên là chúng ta có lý, nhưng chúng ta gặp vấn đề với sự khó chịu của cậu bé chứ không phải với số giờ ngủ của cậu. Đừng nghĩ theo kiểu: "Bây giờ thằng bé rất khó chịu nên mình phải bắt nó ngủ nhiều hơn". Cũng đừng nghĩ theo kiểu: "Thằng bé khó chịu quá nên mình sẽ dạy cho nó một bài học đáng nhớ". Hãy nói với trẻ: “Con cần dành nhiều thời gian trong phòng hơn vì con đang tỏ ra rất khó chịu đấy.”
Có lẽ trẻ sẽ trả lời: “Vâng, tối qua con đã ngủ không đủ giấc ạ.” Còn bạn thì trả lời: “Đúng rồi.” Trẻ đã nhận được một bài học.
Bình luận