Khu nhà xác bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đông hơn nhiều so với ngày thường sau vụ sập giàn giáo xảy ra vào tối 25/3 tại khu công nghiệp Formosa Vũng Áng.
"Cả một dãy người nằm xếp hàng trên băng ca. Tôi chưa bao giờ chứng kiến thảm cảnh như vậy xảy ra ở đây", một y tá của bệnh viện cho biết.
Bà Trần Thị Ngọc ngồi bệt, khóc không thành tiếng ở cửa phòng nhà xác bệnh viện đa khoa Kỳ Anh. Ảnh: Văn Được. |
Sáng 26/3, hàng trăm người thân của các công nhân bị nạn đổ đến khu nhà xác bệnh viện đa khoa Kỳ Anh để nhận xác người thân. Nhiều ông bố, bà mẹ vội vã chạy ùa vào đây khi nhận được thông tin con mình bị nạn.
"Đêm qua, bố mẹ tưởng em gặp thảm nạn nên chạy vội vào nhà xác rồi mới vào khu cấp cứu tìm em. Hai người lao vào ôm chầm lấy em mà khóc khi biết con mình thoát nạn", công nhân Nguyễn Văn Linh (23 tuổi, trú xã Kỳ Hoa, Kỳ Anh) nói. Linh nằm trong số những người thoát nạn một cách khó tin khi chỉ bị thương nhẹ.
Bà Phan Thị Xuân Liễu - Giám đốc bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh thông tin, nơi đây tiếp nhận 13 ca tử vong từ vụ sập giàn giáo. "Sáng nay, 12 người được chúng tôi làm thủ tục để gia đình nhận về lúc 10h. Một ca tử vong tại bệnh viện tỉnh cũng được chuyển về đây rồi cho người nhà đưa về quê", bà Liễu nói.
Trong số 13 công nhân bị tử vong, có đến 7 người quê Quảng Bình. Hàng chục thân nhân của họ vội vã thuê xe ra Hà Tĩnh để nhận thi thể người thân.
Ông Sáng lao vào phòng để nhìn mặt con lần cuối trong khi con trai đang được khâm liệm. Ảnh: Văn Được. |
Có mặt tại khu nhà xác bệnh viện, nhiều người không thể cầm được nước mắt trước cảnh bố mẹ của công nhân Trần Công Minh (20 tuổi, trú xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) vật vã bên xác con trai. "Con ơi, sao người ta không dựng con dậy...", ông Trần Ngọc Sáng (56 tuổi, cha nạn nhân) hét lên. Còn bà Trần Thị Ngọc (56 tuổi) ngồi bệt dưới đất, khóc không thành tiếng.
Chiều 26/3, toàn bộ công nhân bị thương nặng được chuyển từ bệnh viện đa khoa Kỳ Anh ra bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh để cấp cứu. Trước đó, gia đình các công nhân bị nạn đã đến bệnh viện để nhận người thân.
Theo bà Phan Thị Xuân Liễu, một số trường hợp bị thủng phổi, dập lách được chuyển ra Hà Nội. Hiện vẫn còn 7 công nhân bị thương đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh. Những người có biến chứng nặng hơn sẽ được chuyển lên tuyến trên điều trị.