Một cuộc triển lãm tại Thư viện Baker của Trường Kinh doanh Harvard nhằm tôn vinh sự nghiệp phong phú của Georges F. Doriot - một trong những giảng viên có ảnh hưởng nhất của trường. Nguồn: news.harvard. |
Sinh ra ở Paris vào năm 1899, Georges Doriot nghỉ ngang đại học trong một thời gian ngắn để làm sĩ quan ở một đơn vị pháo binh trong suốt Thế chiến thứ nhất. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc và đã hoàn thành việc học, ông nhận ra rằng cơ hội của mình ở một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh là rất hạn chế.
Do vậy, Doriot đã di cư sang Mỹ, với dự định sẽ học tại MIT. Tuy nhiên, một cuộc gặp gỡ bất ngờ với trưởng khoa của Trường Kinh doanh Harvard đã thuyết phục ông học tại đây trong một năm. Sau đó, ông làm việc tại Phố Wall cho công ty Kuhn, Loeb & Co. trong bốn năm.
Năm 1925, ông quay trở lại Trường Kinh doanh Harvard, trở thành một giáo sư toàn thời gian vào năm 1929. Quả thật, ngay cả với tư cách một nhà đầu tư vốn mạo hiểm thời hậu chiến, ông vẫn tiếp tục dạy các khóa học tại HBS, và khi ông nghỉ hưu vào năm 1966, ông đã dạy khoảng 7.000 sinh viên.
Bên cạnh việc thực hiện rất nhiều tư vấn không chính thức, Doriot giảng dạy tại trường Cao đẳng Công nghiệp Quân đội Mỹ trong những năm 1930. Khi nước Mỹ đứng bên bờ vực chiến tranh, một cựu sinh viên đã thuyết phục ông phục vụ trong quân đội Mỹ ở vị trí sĩ quan hậu cần, mang lại cho ông tầm ảnh hưởng lớn đến xu hướng sản xuất chiến tranh và công nghệ quân sự. Đến cuối Thế chiến thứ hai, Doriot đã thăng cấp lên chuẩn tướng (một danh hiệu mà ông vẫn tiếp tục sử dụng sau khi giải ngũ). Công việc này cũng giúp ông tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà sản xuất và nghiên cứu hàng đầu.
Kinh nghiệm của Doriot đã giúp ông được nhà tư bản công nghiệp (sau này là thượng nghị sĩ Mỹ) Ralph Flanders để mắt tới, và rồi trở thành giám đốc điều hành của American Research and Development Corporation (ARDC), một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp được thành lập vào năm 1946. Doriot điều hành ARDC trong 1/4 thế kỷ cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1971 (ARDC đã sáp nhập với tập đoàn công nghệ Textron một năm sau đó). Ông cũng đóng vai trò then chốt trong việc thành lập hai quỹ vốn đầu tư mạo hiểm khác: Canadian Enterprise Development (CED) và European Enterprise Development (EED). […]
Vấn đề ngắn hạn, thành công dài hạn
Ban đầu, ý tưởng về đầu tư vốn mạo hiểm đã đụng phải sự hoài nghi cực kỳ lớn ở Phố Wall. Các quỹ lớn cho rằng nó quá rủi ro, trong khi nhiều chuyên gia tài chính tin rằng Doriot quan tâm đến việc phát triển các công ty hơn là tạo ra lợi nhuận. Kết quả là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 1946 của ARDC chỉ có thể huy động được 3,5 triệu đôla (42,5 triệu đôla tính theo giá năm 2015), chứ không phải là 5 triệu đôla (60,6 triệu đôla vào năm 2015) như mục tiêu đã đề ra.
Thành tích của công ty khá kém trong thập kỷ đầu tiên. Từ năm 1946 đến 1957, giá trị tài sản trên mỗi cổ phiếu của ARDC chỉ tăng 37,8%, cho mức lợi nhuận thường niên xoàng xĩnh là 3,3%. Thậm chí đây có thể là một con số hào phóng, do không có cách nào để đo lường xác thực giá trị của các công ty không hề có lợi nhuận hay chi trả cổ tức.
Thật vậy, giá thực tế của cổ phiếu của ARDC đã giao dịch dưới mức ban đầu là 25 đôla, nghĩa là nhà đầu tư nào cần chuyển đổi ra tiền mặt sẽ bị lỗ. Có thời điểm cổ phiếu của quỹ này có thể được mua với giá chỉ 16 đôla, giảm 1/3.
Quả thật, hiệu quả hoạt động kém ban đầu sẽ dẫn đến việc MIT quyết định bán tất cả cổ phần của mình trong quỹ của Doriot. Chuyện này đặc biệt gây khó chịu vì thực tế là người được ủy thác phụ trách đầu tư cũng là thủ quỹ của ARDC, cho thấy ngay cả các giám đốc điều hành của công ty cũng không có niềm tin vào cách nó được điều hành. Cùng thời điểm, các nhân viên chủ chốt từ chức vì cảm thấy rằng cấu trúc của công ty đã khiến họ bị trả lương thấp hơn so với công sức mình đã bỏ ra (hầu hết quỹ đầu tư vốn mạo hiểm sau đó đều sẽ được điều hành dưới dạng doanh nghiệp hợp doanh trách nhiệm hữu hạn).
Tuy nhiên, cổ phiếu của ARDC đã cất cánh vào cuối những năm 1950 và 1960. Thật vậy, giá tăng mạnh đến mức nó phải trải qua một lần chia tách cổ phiếu một thành ba vào năm 1960 và một thành bốn vào năm 1969.
Một vụ chào bán lần hai vào năm 1960 cũng huy động được thêm 8 triệu đôla (tương đương 64 triệu đôla hiện nay). Nhìn chung, công ty đã có tài sản ròng 427 triệu đôla (2,5 tỷ đôla hiện nay) vào thời điểm Doriot nghỉ hưu năm 1971. Được điều chỉnh theo việc chia tách cổ phiếu và bơm vốn, tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu đã tăng gần 35 lần trong hơn 25 năm, mức lợi nhuận hơn 15%/năm, cao hơn nhiều so với thị trường chứng khoán tổng thể. [...]
Thương vụ đầu tư đỉnh nhất của Doriot - Digital Electronic Corporation
Vụ đầu tư nổi tiếng nhất của Doriot (và của ARDC) là vào công ty Digital Electronic Corporation. DEC được thành lập bởi hai nhà nghiên cứu của MIT, Ken Olsen và Harlan Anderson. Ý tưởng của họ là xây dựng các máy tính cỡ nhỏ hơn (máy tính mini) mà các nhà nghiên cứu và nhà khoa học khác có thể sử dụng, trái ngược với các hệ thống máy tính cỡ lớn bằng cả căn phòng mà các công ty lớn đang sử dụng.
Mặc dù nguyên mẫu TX-O của bộ đôi rất được các sinh viên MIT ưa thích (dù vẫn có các máy tính nhanh hơn), nhưng các công ty cực kỳ miễn cưỡng trong việc hỗ trợ vốn để họ khởi sự kinh doanh, bởi vì ngay cả các công ty đã có thâm niên (như RCA) cũng đã thất bại trong việc xâm nhập vào thị trường.
Sau khi nghe một bài thuyết trình từ bộ đôi này, Doriot đã quyết định đầu tư 70.000 đôla (589.000 đôla theo giá năm 2015) vào DEC để đổi lại 70% vốn cổ phần trong công ty. Ông cũng cho các nhà sáng lập nhiều lời khuyên (mặc dù ông không can thiệp vào mọi quyết định). Đây chứng tỏ là nước đi đúng đắn, vì DEC đã chuyển sang sinh lợi trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhờ sự thành công của máy tính PDP-1.
Vào năm 1966, DEC đã ở vị thế đủ mạnh để có thể phát hành ra công chúng. Một năm sau đó, cổ phần của ARDC trong công ty trị giá 125 triệu đôla, chiếm 80% giá trị của danh mục gồm 45 công ty của nó. Vào thời điểm đỉnh cao cuối những năm 1980, DEC đã có doanh thu 14 tỷ đôla, và được Compaq mua lại vào năm 1998 với giá 9,6 tỷ đôla.