Sau khi Bphone 86 ra mắt, nhiều tranh luận đã nổ ra trên các diễn đàn, mạng xã hội về cách Bphone định nghĩa cụm "không phím bấm" trong khi máy vẫn có nút reset nhỏ bên hông. 10 ngày sau, CEO của Bkav đã có những chia sẻ đầu tiên về ý tưởng marketing của hãng, giải quyết các tranh cãi hiện có và hé lộ thêm một sự thật về hệ thống điều khiển bằng cử chỉ trên Bphone mới.
"Trước khi ra mắt B86, tôi đã chủ trì nhiều cuộc họp với ban Marketing về cân nhắc phát ngôn Bphone B86 là smartphone đầu tiên trên thế giới không có phím bấm. Tất cả câu hỏi được đặt ra như hãng X, hãng Y đã đưa ra nguyên bản thử nghiệm, làm rõ những khái niệm trong tiếng Việt như nào là nút, như nào là phím", ông Nguyễn Tử Quảng viết trên Facebook.
Theo ông, "phím" là thứ nhô lên trong hầu hết mọi trường hợp, còn nút là lõm xuống. Ông nhấn mạnh từ "hầu hết" bởi trong thực tế đôi khi người ta dùng lẫn giữa nút và phím. Và điều thú vị cũng ở yếu tố này.
Bphone mới chỉ giữ lại nút reset rất nhỏ bên hông thiết bị. Ảnh: Tuấn Anh. |
"Chúng tôi biết rằng phát ngôn về không phím bấm sẽ gây ra những tranh luận nho nhỏ. Nó thuộc ranh giới hiểu sao cũng đúng giữa nút reset hay phím reset và nghiêng về 'nút' nhiều hơn là 'phím'. Vậy cơ bản nói không phím bấm là đúng, còn phần còn lại là tranh luận và điều đó chẳng phải rất tốt cho sự lan tỏa tính năng Không phím bấm của B86 đó sao?", CEO Bkav tiếp lời.
Chưa dừng lại ở đó, ông Nguyễn Tử Quảng còn tiết lộ thêm bí mật khiến những ai theo dõi Bphone có thể bất ngờ: Bkav từng tạo ra chiếc Bphone 3 không có phím bấm từ năm 2018 nhưng không đưa ra thị trường. Công ty quyết định chọn phiên bản Bphone 3 có đầy đủ các phím vật lý vì muốn đợi công nghệ "chín muồi" hơn.
Quay trở về với Bphone đời đầu, Bkav đã có ý tưởng xây dựng hệ thống thao tác dựa trên cử chỉ và đã có lộ trình cắt giảm các phím vật lý. "Khách hàng của Bphone ngay từ những ngày đầu đã giảm một nửa số lần dùng phím nguồn. Tắt màn hình bằng cử chỉ vuốt lên, rồi vuốt xuống từ đáy màn hình đã là niềm tự hào và là nét văn hóa rất riêng của các Bfans", ông Quảng viết.
Cắt giảm các phím vật lý giúp Bphone bắt kịp xu hướng thiết kế smartphone hiện đại. Ảnh: Tuấn Anh. |
Đến Bphone 2017, cảm biến vân tay xuất hiện, phím nguồn trên Bphone chỉ còn chức năng reset trong trường hợp máy bị treo và hầu như không cần phải sử dụng đến.
Đến đời, Bphone 3 (2018), thiết bị này ra mắt, theo lời ông Quảng, là "trong sự vỡ òa cảm xúc" khi Giám đốc bộ phận Mobile trình diễn một Bphone có thể thao tác đầy đủ bằng cử chỉ, trong đó có tính năng chạm vào mép bên phải màn hình để tăng giảm âm lượng.
"Vậy là lý do để phím volume không cần xuất hiện trên Bphone đã hình thành trong suy nghĩ của tôi, trước khi Bphone 3 ra mắt. Đây cũng là lý do vì sao đã xuất hiện phiên bản Bphone 3 không phím bấm như nói ở trên", CEO Bkav nói.
Theo người đứng đầu Bkav, các kỹ sư của công ty đã giải quyết các kịch bản sử dụng đến phím volume, như khi đang nghe gọi cần điều chỉnh volume, khi trong cuộc họp vô tình mở clip có phát ra tiếng, khi nghe nhạc...
Người đứng đầu Bkav tự hào giới thiệu Bphone mới trong lễ ra mắt. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lúc này, phím nguồn vốn đã chỉ còn chức năng reset trong tình huống máy bị treo, hầu như không sử dụng đến. Ông Quảng quyết định điều chỉnh thiết kế cơ khí để nó về đúng vai trò của nó. Nó đã có thể chỉ là một lỗ nhỏ như lỗ chọc SIM, tuy nhiên khi cần đến, dù rất hãn hữu, vẫn cần que chọc và như vậy là bất tiện.
Do đó, giải pháp đưa ra là lỗ reset và phím nguồn tiến hóa thành "nút" reset. Nó phải nhỏ để có thể gọi là "nút" nhưng khi cần reset thì có thể bấm dễ dàng.
Và điều hiển nhiên, Bphone B86 là smartphone đầu tiên trên thế giới không có phím bấm vật lý đã ra mắt. Thiết kế này hiệu quả hay không vẫn cần thêm thời gian để trả lời, song không thể phủ nhận rằng thiết kế “không phím bấm” của Bphone B86 đã đạt được thành công nhất định, ít nhất là tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi trong làng công nghệ. Đó cũng là bước đệm giúp Bphone 86 tạo ấn tượng mạnh với người dùng phổ thông, đồng thời chứng minh cho nỗ lực phá vỡ giới hạn của chính mình từ nhà sản xuất Việt.
"Sáng tạo là một quá trình trăn trở và lao động", ông Quảng tự hào.