Phải quản trị cả nỗi sợ hãi
Nghề “kinh doanh tiền” luôn hấp dẫn bởi mức thu nhập khủng, nhất là với lãnh đạo cấp cao. Nhưng để được đặt cách vào ghế “nóng” như CEO nhà băng hoàn toàn không dễ. Vị trí này đòi hỏi nhân sự hội đủ chất xám, tính quyết đoán và cả phần mạo hiểm, bởi những rủi ro của đặc thù công việc.
CEO một ngân hàng cho rằng, ngồi ở vị trí cấp cao của một nhà băng dù quy mô lớn hay nhỏ vẫn luôn có áp lực, nên phải có mục tiêu rõ ràng, có giải pháp để có thể vượt qua áp lực, đạt được mục tiêu đó. Điều quan trọng và đòi hỏi trước hết đối với các CEO ngân hàng chính là phải bản lĩnh, hài hòa, sẵn sàng đối mặt với rủi ro. Vì vậy, bản thân ông luôn phải “quản trị nỗi sợ hãi”, nhất là trong bối cảnh nợ xấu tăng.
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng do sự lãnh đạo yếu kém của CEO. |
“Trong mỗi con người, ai cũng có nỗi sợ hãi, nếu làm chủ được nó và cố gắng suy nghĩ tìm cách quản lý, vượt qua nó thì mới hy vọng thành công. Chẳng hạn, vào thời điểm cuối năm, ngân hàng chưa đạt mục tiêu đề ra thì phải làm thế nào? Một mặt, CEO chịu áp lực trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ, rồi ảnh hưởng đến thu nhập nhân viên… Mặt khác, nếu cố gắng hoàn thành mục tiêu bằng những giải pháp thiếu an toàn thì có thể lại đối mặt với rủi ro pháp lý”, ông chia sẻ.
Nhiều người cho rằng, nắm vị trí CEO ngân hàng rất nguy hiểm. Bởi lẽ, CEO phải đưa ra những quyết sách, quyết định chỉ trong tích tắc để chớp lấy cơ hội kinh doanh, nhưng nếu thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, hậu quả nợ xấu là khôn lường. Vì vậy, theo lãnh đạo các nhà băng, dù có cẩn trọng đến đâu, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng đến cỡ nào, nhưng tác động từ kinh tế vĩ mô và chính sách không ổn định… là khó tránh khỏi và là rủi ro ảnh hưởng lớn lên hoạt động lĩnh vực này.
Nợ xấu tăng là nỗi ám ảnh của các ngân hàng nói chung, song gánh nặng đè lên vai người lãnh đạo ngày một lớn, nếu những khoản nợ xấu đó không được kiểm soát, xử lý… Thực tế, qua cuộc “đại phẫu” của ngành ngân hàng 4 năm qua, nhiều yếu kém trong quản trị điều hành ở một số nhà băng đã lộ rõ, như “vung tay quá trán”, cho vay bất động sản giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng 37-40% trong năm 2007-2008, khiến nợ xấu tăng cao, ngân hàng mất vốn.
Nhiều CEO ngân hàng đã phải rời ghế “nóng”, thậm chí còn vướng vòng lao lý do các sai phạm trong hoạt động tín dụng, như ông Phạm Công Danh, ông Phan Thành Mai - nguyên Chủ tịch và CEO Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; ông Hà Văn Thắm, bà Nguyễn Minh Thu - nguyên Chủ tịch và CEO Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)… Các ngân hàng này đã phải bán lại với giá 0 đồng cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trước đó là những lãnh đạo cấp cao của ACB như Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Lý Xuân Hải cũng sa vòng lao lý hồi năm 2012.
Hay tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), ông Trần Phương Bình từng nhiều năm giữ vai trò Tổng giám đốc, được xem là người có vai trò quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng. Gia đình ông Bình cũng đang nắm giữ tỷ lệ gần 10% cổ phần tại DongA Bank, đó là chưa kể khoản vốn đầu tư của PNJ (nơi vợ ông nắm quyền điều hành) gần 8% vào DongA Bank. Thế nhưng, trước những khó khăn của ngân hàng, trong đó có việc nợ xấu tăng, ông Bình cũng không giữ được quyền điều hành. Hai phó tổng giám đốc của nhà băng này cũng phải rời cương vị.
Hiện những “ghế nóng” tại DongA Bank đã được thay thế bởi những lãnh đạo mới đến từ Ngân hàng Công thương - VietinBank (ông Võ Minh Tuấn giữ ghế Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thanh Tùng là Tổng giám đốc).
Nợ xấu DongA Bank tăng một phần được cho là đã đẩy mạnh tín dụng bất động sản và khi những khoản nợ cho vay đối với Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt những năm 2008-2009 rơi vào nợ xấu, khiến DongA Bank gặp khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu giữa năm 2015 lên đến 6-7%, kéo nhà băng này rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của NHNN trong tháng 8/2015.
Theo ông Nguyễn Phước Thanh, một cựu lãnh đạo ngân hàng, hiện là Phó thống đốc NHNN, các CEO ngân hàng phải làm đúng vai trò của mình, phải tránh được sự “chế ngự” không đúng nguyên tắc từ các ông chủ của mình (HĐQT) thì mới có thể điều hành tốt hoạt động ngân hàng, hạn chế tối đa rủi ro. Mặt khác, bản thân CEO cần tỉnh táo và minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành mới tránh được rủi ro nợ xấu.
Nguy hiểm nhưng “hốt bạc”?
Ngành ngân hàng từng có nhiều thời điểm đem lại lợi nhuận “khủng”, do đó vai trò của CEO ở các ngân hàng luôn được trọng vọng và là những hạt nhân không dễ tìm kiếm. Do đó, khi HĐQT đã đặt niềm tin vào nhân sự đảm nhiệm vị trí điều hành cao nhất thì họ cũng chấp nhận chi mức thù lao xứng đáng.
Một CEO ngân hàng cho biết, mức thu nhập, cộng tiền thưởng hàng tháng của ông có khi lên đến hàng trăm triệu đồng vào những năm 2007-2009. Đáng chú ý, ở giai đoạn trước khủng hoảng xảy ra, ngoài tiền lương, các CEO ngân hàng còn nhận được lượng cổ phiếu thưởng hoặc mua với giá ưu đãi trong các đợt phát hành tăng vốn điều lệ.
Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ông Đặng Văn Thành cho biết, trong quá trình điều hành Sacombank hơn 20 năm, ông đã sử dụng không ít CEO. Trong đó, có ông Trần Xuân Huy được ông đào tạo khá bài bản. Ông Huy gia nhập Sacombank năm 2000 và trở thành CEO nhà băng này năm 2007. Theo ông Thành, mức thu nhập mà Sacombank đã trả cho ông Huy ở vị trí trên thời điểm đó lên đến 350-500 triệu đồng/ một tháng và có khi còn cao hơn nếu cộng với các chế độ khác, hay thưởng vượt chỉ tiêu kinh doanh.
Mức thu nhập của CEO như vậy cũng có thể hiểu được. Bởi theo công bố tại Đại hội cổ đông, các quản lý cấp cao khác như HĐQT, Ban Kiểm soát đều có mức thu nhập rất cao. Điển hình như tại Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) trước khi sáp nhập vào Sacombank, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm gần 5% so với mức thực hiện được của năm 2013. HĐQT SouthernBank không chia cổ tức 2014 cho cổ đông, nhưng thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát vẫn được giữ nguyên kế hoạch ở mức hơn 14,17 tỷ đồng cho 9 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kiểm soát.
Hay tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), năm 2014 lợi nhuận giảm mạnh sau trích lập dự phòng, chỉ còn 68 tỷ đồng trước thuế, nhưng HĐQT, Ban Kiểm soát vẫn nhận mức thù lao và phụ cấp chuyên trách là 1,5% từ 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm qua, và được biết, đến nay đã chi hơn phân nửa phần thù lao nói trên. Năm 2015, HĐQT Eximbank dự tính điều kiện kinh doanh ngành ngân hàng sẽ còn nhiều khó khăn và thử thách, tuy nhiên vẫn xin giữ nguyên mức thù lao cho HĐQT, Ban Kiểm soát là 1,5% lợi nhuận sau thuế như năm 2014.
Phải nói rằng, CEO ngân hàng là nghề khá hấp dẫn, không chỉ bởi thử thách nghề nghiệp với rất nhiều trải nghiệm (quản lý khối tài sản lớn, đội ngũ cán bộ trình độ cao, quan hệ rộng khắp…), mà còn bởi thu nhập “khủng”, rất xứng đáng với chất xám bỏ ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) cho rằng, CEO ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít áp lực, rủi ro, như kỳ vọng từ phía cổ đông, HĐQT về hiệu quả hoạt động hay áp lực từ cơ quan quản lý và hệ thống chính sách.
Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa kỳ vọng sinh lời đồng vốn của cổ đông với đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn là điều vô cùng khó với mỗi CEO ngân hàng. Khi không đáp ứng được những điều đó, CEO có thể bị thay thế bất cứ lúc nào từ các quyết định của HĐQT và các cổ đông.
Đó là chưa kể, CEO ngân hàng còn chịu áp lực từ khách hàng. CEO phải có trách nhiệm đối với tiền gửi, tài sản gửi của hàng vạn người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, ở vị trí điều hành của một ngân hàng, CEO phải có trách nhiệm đối với việc kiểm soát rủi ro và giám sát các khoản nợ đã cho vay đến hàng vạn khách hàng.
“Đã là CEO ngân hàng thì không thể nhàn nhã, thong dong, lơ là được, không thể chỉ có thụ hưởng, mà luôn phải tập trung hơn 100% năng lực làm việc để hạn chế tối đa rủi ro. Nhưng ngay cả khi CEO đã làm việc với hơn 100% năng lực, thì cũng không chắc 100% rằng, rủi ro không xảy ra”, ông Nhung tâm sự.
Do đó, triết lý được một CEO ngân hàng đưa ra là phải thiết lập được sự cân bằng giữa 4 cực trong mỗi con người, đó là gia đình, quan hệ xã hội, sức khỏe và tiền bạc.