Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO ngân hàng nào 'chăm' xuất hiện trên truyền thông nhất?

Ít khi xuất hiện trên báo chí là thói quen của các CEO, đại diện phát ngôn của ngân hàng Việt, và đây cũng là nguyên nhân khiến ngành này hay rơi vào thế bị động truyền thông.

Theo báo cáo của Vietnam Report, từ tháng 7/2013 đến 6/2014, các ngân hàng Đại Dương, Nam Á, An Bình... có CEO “chăm chỉ” xuất hiện trên truyền thông nhất. Tuy nhiên, nếu so với mức hiệu quả 20% theo kinh nghiệm quốc tế, thì khá nhiều CEO của ngân hàng hiện nay chưa đạt đủ mức độ xuất hiện cần thiết. Điều này có thể khiến các ngân hàng rơi vào thế bị động trên truyền thông, bởi chủ yếu các nguồn tin về tổ chức này lại đến từ bên ngoài.

Báo cáo này cũng cho biết, các ngân hàng nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ truyền thông đa phần là các đại diện điển hình có lợi nhuận kinh doanh cao, hình ảnh xuất hiện tích cực và thường xuyên. Việc xuất hiện dày đặc trên truyền thông của Sacombank, BIDV, Vietinbank hay Vietcombank... giúp chính các ngân hàng này có thể chủ động điều chỉnh luồng tin tức có lợi, hạn chế ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực.

Mức độ xuất hiện của CEO các ngân hàng trên truyền thông từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2014. Nguồn: Vietnam Report.
Mức độ xuất hiện của CEO các ngân hàng trên truyền thông từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2014. Nguồn: Vietnam Report.

Giai đoạn cuối năm 2013 và đầu năm 2014, ngành ngân hàng đón hàng loạt các thông tin xấu về kinh doanh thua lỗ, nợ xấu… khiến số lượng tin tiêu cực tăng vọt. Đặc biệt vào tháng 2/2014, với ảnh hưởng từ việc xét xử Huyền Như, bầu Kiên đến một số nhà băng lớn như Vietinbank, ACB. Chỉ khi các thông tin về triển vọng tái cấu trúc, điều chỉnh giảm lãi suất… chính thức được công bố vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2014, các đánh giá tích cực mới có chiều hướng gia tăng, lấn dần lượng thông tin tiêu cực của ngân hàng.

Cũng theo khảo sát của Vietnam Report, các đại diện doanh nghiệp Việt Nam thường lựa chọn ngân hàng vay vốn hoặc gửi tiền dựa vào 3 yếu tố chính,  bao gồm uy tín (77,1%), dịch vụ chăm sóc khách hàng (65,7%) và lãi suất (57,1%). Rõ ràng, uy tín là tài sản vô hình vô giá của ngân hàng cần được đầu tư thích đáng, để đạt được mục tiêu phát triển lâu dài trong tương lai.

Báo cáo của Vietnam Report cũng cho thấy, thực trạng doanh nghiệp lớn ít vay vốn của ngân hàng, trong khi nhà băng lại thận trọng hơn khi cấp tín dụng cho các công ty nhỏ và vừa. Phương án vay vốn không thuyết phục và không hấp dẫn, tiềm lực của doanh nghiệp chỉ ở mức vừa và nhỏ hay vướng các các quy định thắt chặt vốn cho vay do Nhà nước ban hành, là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng siết tiêu chí cho vay với các doanh nghiệp, dù họ là những đối tượng chính cần vay vốn trong nền kinh tế.

"Nếu ngân hàng tiếp tục quan điểm lựa chọn các dự án lớn, an toàn, có khả năng sinh lời cao thì rất khó cho các đối tượng này có thể tiếp cận được với nguồn vốn, trong khi lượng vốn huy động đang cao hơn rất nhiều so với vốn cho vay. Nếu không tìm được tiếng nói chung, có lẽ vòng luẩn quẩn giữa người đi vay và người cần cho vay sẽ tiếp tục còn kéo dài trong nhiều năm tới đây", báo cáo của Vietnam Report nhấn mạnh. 

Người tuổi nào thường làm sếp ngân hàng Việt?

Hầu hết các sếp ngân hàng Việt hiện đều nằm trong độ tuổi 5X đến 7X, trong đó, người cầm tinh Quý Sửu áp đảo về số lượng.

 

T.A

Bạn có thể quan tâm