“Rất có thể trong 6-12 tháng tới, các biến chủng khác sẽ xuất hiện và đòi hỏi vaccine cần thay đổi để thích ứng, nhưng hiện tại thì chưa”, AFP dẫn lời ông Ugur Sahin.
Quyết định chuyển đổi chỉ nên được thực hiện khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy vaccine không hoạt động hoặc hiệu quả bảo vệ dưới mức có thể chống lại virus. Tình hình thay đổi nhanh chóng nên việc nắm bắt đúng thời điểm thay đổi rất quan trọng.
"Việc đưa ra quyết định vào lúc này có thể trở nên sai lầm trong vòng 3-6 tháng tới nếu một biến chủng khác chiếm ưu thế. Do đó, thời điểm đưa ra quyết định phải phù hợp", Giám đốc điều hành BioNTech cho biết.
Ông nhấn mạnh thêm: “Hiện tại, mũi vaccine tăng cường là hoàn toàn đủ để chống lại biến chủng".
Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin. Ảnh: AP. |
Đối tác của BioNTech, Pfizer cũng nhiều lần nhấn mạnh việc cần phải tiêm nhắc lại để tăng mức bảo vệ trước biến chủng Delta. Theo Pfizer, mức độ kháng thể chống lại biến chủng Delta tăng gấp 5 lần ở người 18-55 tuổi được tiêm nhắc lại. Trong khi đó, ở người 65-85 tuổi, mức độ kháng thể sau khi tiêm liều vaccine thứ 3 tăng gấp 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ 2.
Mặc dù vậy, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng các quốc gia giàu có nên ngừng cung cấp mũi tiêm thứ ba ít nhất cho đến cuối tháng 9 để những nước khác có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 10% dân số.
Pháp và Đức cho biết họ sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho người già và những người dễ bị tổn thương nhất từ tháng 9.
Pfizer/BioNTech đã vận chuyển khoảng một tỷ liều vaccine đến hơn 100 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hãng dược phẩm đang kỳ vọng nâng cao năng lực sản xuất, đạt ba tỷ liều vào cuối năm nay, trước khi tăng lên bốn tỷ liều vào năm 2022.