Đây là thông tin được Chính phủ ghi nhận trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, trong năm 2021, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong đó, Chính phủ tích cực triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, cơ quan quản lý Nhà nước cho biết đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á.
Trong đó, các biện pháp được đưa ra là tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong, ngoài nước có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng. Đồng thời tiến hành sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
Chính phủ cũng cho biết đã rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với CBBank và OceanBank.
OceanBank là tổ chức tín dụng yếu kém được kỳ vọng hoàn thành tái cơ cấu sớm nhất nhóm ngân hàng mua lại bắt buộc. Ảnh: Quang Thắng. |
Đáng chú ý, tại phiên họp cổ đông thường niên mới đây, cả lãnh đạo Vietcombank và MBBank đều đề cập tới kế hoạch tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc.
Trong đó, 2 nhà băng này đều cho rằng việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng sẽ mở rộng quy mô kinh doanh, khách hàng, mạng lưới… và mang lại lợi ích cho cổ đông.
Bên cạnh đó, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ 2 nhà băng được áp dụng một số biện pháp hỗ trợ, như được ưu tiên cho vay vượt 15-25% vốn tự có; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ luỹ kế…
Đặc biệt, theo quy định, NHNN cũng sẽ không giới hạn tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng tham gia tái cơ cấu nếu đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích quỹ để trả cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao)…
Với tổ chức tín dụng yếu kém, sau khi được nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV do Vietcombank và MBBank sở hữu 100% vốn nhưng không hợp nhất kết quả kinh doanh vào báo cáo tài chính của 2 nhà băng này.
Bên cạnh đó, Vietcombank và MBBank cũng không góp vốn vào ngân hàng yếu kém trong thời gian ngân hàng còn lỗ lũy kế.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết ban lãnh đạo đang triển khai các thủ tục cần thiết đề trình cơ quan có thẩm quyền phương án nhận chuyển giao bắt buộc và thời gian xử lý tổ chức tín dụng yếu kém dự kiến không quá 8-10 năm.
Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái, CEO MBBank, cho biết dự án tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém đã có 7 năm nhưng chưa được triển khai, đến nay là năm thứ 8, MBBank mới tham gia.
Vị lãnh đạo ngân hàng cho biết việc nhận chuyển giao bắt buộc này sẽ giúp MBBank có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng bình quân thị trường, khoảng 1,5-2 lần trong dài hạn.