Cao Văn Triền và Trần Danh Trung được tạo cơ hội sang Nhật Bản thi đấu ở J2 League có thể mở ra một làn sóng du học mới, dành cho tất cả những ai có tiềm năng chứ không chỉ các ngôi sao.
Cầu thủ Việt được mời (hoặc tìm cách) ra nước ngoài chơi bóng bây giờ không còn là chuyện hiếm, nhưng đa số tấm vé xuất ngoại thường chỉ “khoanh vùng” sao số, những tuyển thủ quốc gia mà ngoài khả năng đóng góp về chuyên môn còn mang đến nhiều giá trị quảng bá, tương tác khác.
Cao Văn Triền liên tục gây ấn tượng ở V.League trước khi được gửi đến J2 League. Ảnh: Minh Chiến. |
Những cuộc xuất ngoại
Lê Huỳnh Đức một thời sang Lifan Trùng Khánh (Trung Quốc), Lê Công Vinh đến Leixoes (Bồ Đào Nha) rồi Consadole Sapporo (Nhật Bản), hay mới nhất là Đoàn Văn Hậu với một năm hợp đồng tại Heerenveen đều đi theo dạng đó. Khi Văn Hậu ướm lên mình tấm áo của Heerenveen, trang của CLB Hà Lan nhảy vọt về số lượng người theo dõi (tăng gần 400.000), nhưng khi Văn Hậu rời đi, chỉ số này cũng sụt giảm ngay lập tức hơn 40.000.
Nhóm cầu thủ con cưng của HAGL cũng ở tầm ảnh hưởng như vậy khi được bầu Đức chắp cánh cho bay nhảy. Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh là ba gương mặt sáng giá nhất, có nhiều người hâm mộ nhất. Khi họ sang Mito Hollyhock hay Sint-Truidense, Incheon United, Yokohama..., họ cũng mang theo tình yêu, sự tò mò cùng mối quan tâm của rất nhiều người Việt đến từng trận đấu, từng buổi tập, thậm chí từng hoạt động ngoại khóa của CLB.
Đó là chưa kể một góc nhỏ Đông Nam Á cũng dõi theo những bước chân của các tuyển thủ Việt Nam. Họ là đối thủ của những Thái Lan, Malaysia, Indonesia... trên nhiều mặt trận, nhiều mục tiêu, vì thế, họ cũng bị truyền thông và giới chuyên môn nước bạn đặt vào tầm ngắm, như chúng ta từng “soi” rất kỹ Chanathip Songkrasin vậy.
Nhưng Cao Văn Triền và Trần Danh Trung thì chưa có được danh tiếng ấy. Một người đã ở tuổi 28, dấu ấn sự nghiệp cũng lặng thầm như vị trí của anh trên sân cỏ. Một người mới bước sang ngưỡng cửa 21, đang còn phải chật vật khẳng định bản thân.
Văn Triền mới được chú ý khoảng 3 mùa V.League gần đây trong vai trò một tiền vệ thu hồi bóng cặm cụi, mẫn cán như ong thợ của CLB Sài Gòn. Anh cũng chỉ mới được gọi vào tuyển Việt Nam đợt cuối năm 2020, giai đoạn mà HLV Park Hang-seo không thể tìm đối thủ vì dịch Covid-19 và phải chọn giải pháp cho ĐTQG đá tập với U22.
Danh Trung thậm chí còn chưa có vị trí ổn định ở CLB Viettel và lần gần nhất triệu tập đội tuyển U22, anh bị gạt ra ngoài dù thể hiện phong độ ấn tượng tại giải U21 Quốc gia. Chân sút gốc Huế chủ yếu tạo ấn tượng ở các sân chơi trẻ và bóng đá phong trào.
Danh Trung, 21 tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trào lưu mới
Việc Văn Triền và Danh Trung được chọn để đưa đến Ryukyu có thể coi là khởi đầu của một trào lưu mới, trào lưu “học việc” ngắn hạn nhưng rộng mở cho mọi người có tài năng hoặc tiềm năng. Đích đến của làn sóng “di cư” mùa vụ ấy là những giải đấu ở đẳng cấp không quá cao (hạng 2 Nhật Bản), vừa đủ để cầu thủ Việt có thể hòa nhập bằng nỗ lực, bằng bứt phá, bằng vượt qua giới hạn bản thân.
Nếu trụ lại được ở đó, họ hoàn toàn có thể nâng tầm đẳng cấp của mình khi trở về Đông Nam Á. Ngay cả khi không cạnh tranh nổi với cầu thủ bản địa, họ cũng gặt hái được vô số trải nghiệm của một môi trường khác, một nền văn minh khác mà nếu không xuất ngoại, họ không bao giờ có dịp chạm vào.
Ông bầu Trần Hoà Bình với những mối quan hệ hợp tác theo kiểu riêng mình, đã mở ra một con đường mới, mà ở đó, ông dường như đang “bình dân hóa” những tấm vé du học cho cầu thủ nội, không chỉ của CLB Sài Gòn mà rộng mở sang cả các đội V.League khác.
Bóng đá Việt bên cạnh việc đầu tư mũi nhọn cho những ngôi sao, cũng rất cần phát triển hướng ngoại trên diện rộng như toan tính của bầu Bình. Chúng ta hiếm hoi mới có được một cầu thủ tự đưa mình ra châu lục như Đặng Văn Lâm, nên ở một góc nhìn thực tế, có thêm càng nhiều “suất hợp tác” như Văn Triền và Danh Trung càng tốt cho tất cả.