Bình luận
Có thực tế phũ phàng là từ năm 2004, sau khi chia tay thuyền trưởng Arjhan Somgamsak (2 lần liên tiếp vô địch V.League, 2 Siêu cúp quốc gia), HAGL chưa bao giờ tìm được HLV ưng ý. Đến tháng 10/2009, Giám đốc Kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh “cáo ốm từ quan”, mở ra thời kỳ dâu bể không hồi kết trên băng ghế chỉ đạo CLB.
Văn Toàn và đồng đội phải chiến đấu để trụ hạng V.League 2020. |
HLV giỏi, không cần hay không có?
Tròn một thập niên, HAGL loay hoay với những ông thầy Thái. Kiatisak 2 lần đến rồi đi bằng những kết cục không tương xứng với ánh hào quang thời cầu thủ. Dusit cũng thất bại trong cả 2 nhiệm kỳ chóng vánh. Xen kẽ giữa họ là Chatchai, Amorkiat… đều có điểm chung là 2 chữ: kém duyên.
Khi bầu Đức chuyển hướng sang thầy Hàn, HLV Choi Yoon Gyum tồn tại được 3 mùa giải, trong đó kết quả khả quan nhất là hạng 3 mùa 2013. Tuy nhiên, ông bị sa thải khi HAGL rơi xuống thứ 9 mùa bóng năm sau. Và trang sử mới mở ra trên phố núi, khi lứa “gà nòi” của lò đào tạo Hàm Rồng tiến vào V.League.
Bầu Đức say sưa với màn trình diễn ở cấp độ U của lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đến mức ông làm cuộc “đại thanh trừng” hoàn toàn trái ngược với thói quen cưu mang, đùm bọc xưa nay. 26 cầu thủ của mùa giải 2014 phải ra đường, nhường chỗ cho lứa U19 lấy V.League 2015 làm mặt trận tập dượt cho các mục tiêu sắp tới.
Ông Đoàn Nguyên Đức đã giải cực hay bài toán khán giả và nhà tài trợ, trong bối cảnh bóng đá nội suy sụp với những bê bối trọng tài V.League, vụ bán độ AFC Cup làm giải thể đội bóng Ninh Bình, cộng thêm đống tàn tro thất bại từ các giải đấu Đông Nam Á. HAGL cứu V.League bằng khán đài đầy ắp, cứu U23 Việt Nam bằng giấc mơ SEA Games và cứu luôn cả đội tuyển Việt Nam với nhiệm vụ đòi lại chiếc Cúp AFF tương lai.
Tuy nhiên, HAGL lại không thể cứu được chính mình. Dàn cầu thủ của bầu Đức dễ dàng chinh phục người hâm mộ, nhưng các đối thủ của họ thì không. HAGL - đội bóng quốc dân - trở thành mục tiêu “phải thắng” của phần còn lại.
Khi vị ngọt đầu môi tan biến, đội quân phố núi đối mặt với bộn bề thực tại là sự non nớt, mong manh. Khóa học trò mới ra lò thì không đủ tinh ranh, lọc lõi, một đội quân chỉ kinh qua đá cúp cũng chưa thể thích nghi với cuộc đua đường trường kiểu League. Và người cầm lái, tiếc thay, lại giống thầy giáo dạy đá bóng hơn là tướng cầm quân.
Guillaume Graechen không phải mẫu HLV dành cho những trận đánh lớn. Ông là người giỏi trong uốn nắn cầu thủ từ chân đất đến chân giày, nhưng thiếu các kỹ năng để chơi ván bài 90 phút hay 120 phút với nhiều biến số.
Đôn lứa trẻ lên chơi V.League, bầu Đức chủ quan một phần thì trao ấn kiếm cho thầy Giôm lúc đó, ông chủ quan 8-9 phần. Ông tự tin hơn cả thời sở hữu Dream Team 2003-2004 và tuyên bố chỉ cần cầu thủ đá tốt, HLV giỏi hay không không quan trọng.
Vì tuyên bố ấy và cũng vì tư duy ấy, bầu Đức cho đến tận bây giờ vẫn không có được HLV nào gắn bó lâu dài, chưa nói đến chuyện khai thác tài năng. Các HLV nội dường như đều tránh đường đến Pleiku, cá biệt như ông Hoàng Anh Tuấn thì xung đột nặng nề với bầu Đức khi tiên đoán về viễn cảnh trụ hạng mỗi mùa ngay từ ngày đầu tiên HAGL “thay máu”. Bởi vậy, bầu Đức chỉ dùng được “cây nhà lá vườn” trong những lúc giao thời: trợ lý thủ môn Quốc Tuấn, HLV phó Dương Minh Ninh, và mới nhất là Nguyễn Văn Đàn.
Thích dùng HLV ngoại, nhưng bầu Đức cũng chẳng giữ chân nổi ông thầy nào quá 2 mùa. Lee Tae-hoon vừa bị “trảm” theo cách quen thuộc: đưa lên ghế giám đốc kỹ thuật. Trước đó, HAGL cũng không sử dụng thành công người đồng sự của ông Park Hang-seo là Chung Hae-seong. Đáng nói là vừa rời khỏi HAGL, ông Chung đã giúp CLB TPHCM trở thành thế lực cạnh tranh ngôi vô địch V.League.
Đội bóng của bầu Đức gặp khó khăn khi tiếp đón CLB TP.HCM ở vòng 13 V.League 2020. |
Luẩn quẩn trong vòng xoay trụ hạng
Công bằng mà nói, Lee Tae-hoon không phải là HLV tồi. Với những gì ông đã làm cho HAGL đến trước trận thua SLNA ở vòng đấu 12 (thắng 4, hòa 5, thua 2), thật khó đòi hỏi một ai “chắt chiu” hơn thế khi trong tay chỉ có lực lượng trung bình yếu.
HAGL nhiều năm nay giống như ngôi nhà thiếu cân đối, nhưng người chủ nhất định không chịu đập đi xây lại mà chỉ vá víu, sửa sang. Tất cả đời HLV về phố núi đều ôm một nỗi nhọc nhằn: gia cố hàng phòng thủ.
Các chuyên gia bóng đá từ lâu đã nhận định cầu thủ HAGL dường như chỉ được chú trọng đào tạo kỹ năng tấn công mà lãng quên phòng ngự. Ngay từ thời hoàng kim nhất và đông đủ nhất, tuyến trên phóng khoáng, hào hoa bao nhiêu vẫn không đủ bù đắp cho tuyến dưới hớ hênh.
HAGL thời U19 đầy mơ mộng giờ còn ai? Văn Toàn với những bước chạy dã tràng. Tuấn Anh tạm thời lành lặn nhưng chơi ở đội tuyển hay 10 phần thì về CLB còn 6-7 phần. Xuân Trường mất phong độ vì ngồi dự bị mòn mỏi xứ người. Văn Thanh rất lâu nữa mới tìm lại đỉnh cao như ở Thường Châu. Người may mắn nhất có lẽ là Công Phượng, về với TP.HCM, anh không phải dùng cả thanh xuân để lo trụ hạng nữa rồi.
Thanh xuân của họ đang qua thật nhanh mà ngoảnh lại, nhiều người thầm tiếc nuối. Tiếc cho lứa “vàng ròng” chín ép, tiếc cho dàn cầu thủ tiềm năng nhưng thiếu chiến lược lâu bền để nuôi dưỡng tài năng, tiếc cho bao nhiêu hoài bão lớn lao tiếp cận châu Âu, sánh cùng châu Á, nhưng vì sai từ những bước đầu đời nên thành tựu lớn nhất chỉ là những vai phụ trong hành trình vô địch AFF Cup 2018.
Bây giờ, những gương mặt còn sót lại của khóa một Học viện HAGL Arsenal JMG lừng lẫy năm nào không còn trẻ nữa. Theo lộ trình bầu Đức nhẩm tính, họ đã phải vô địch V.League 2019. Vô địch một cách dễ dàng và thuyết phục. Vô địch bằng cả chuyên môn và đạo đức sáng ngời.
Nhắc lại điều ấy lúc này chỉ thấy quá xa xôi và xa xót. Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, cùng Minh Vương, đang phải gồng lên để gánh phần còn lại, như 5 mùa bóng qua vẫn thế. Vẫn là “Tây” vụng về như Chevaughn Walsh, vẫn là “Ta” làng nhàng hoặc hết thời như Anh Tài, Trọng Sáng, Bửu Ngọc, Anh Đức. Và dĩ nhiên, vẫn cái vòng luẩn quẩn lo trụ hạng, dù bầu Đức đá cho vui hay đá thật, dù V.League theo thể thức thời bình hay thời dịch, dù người cầm lái là Lee Tae-hoon hay bộ đôi thầy nội.
Vòng tới, vòng then chốt và nghiệt ngã, gánh nặng lại dồn lên vai những công thần một thuở. Nguyễn Văn Đàn và Dương Minh Ninh là những người mang cái “chất” Gia Lai sâu đậm, nhưng có lẽ chính họ cũng không hiểu được ông chủ của mình toan tính thế nào với cuộc chơi.
Bầu Đức khi thì tuyên bố buông luôn V.League, lúc lại cấp tốc thay tướng hòng đổi vận. Một ông bầu không ngừng mâu thuẫn, một đội bóng nửa thập niên chơi thứ bóng đá nửa vời.
Và ở trong cái vòng luẩn quẩn, sẽ không ít người nhìn Công Phượng bay nhảy ngoài kia, bất giác chạnh lòng.