Các tay vợt trẻ tài năng của TP.HCM sẽ được đào tạo chuyên sâu tại học viện SCG. |
Đây là tin rất vui với các tay vợt trẻ bởi họ sẽ được trực tiếp trải nghiệm những phương pháp huấn luyện mới, trên nền tảng trang thiết bị và hệ thống sân tập đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, học viện SCG cũng áp dụng khoa học thể thao vào chương trình đào tạo để nâng cao thành tích VĐV ở đấu trường quốc tế.
Học viện cầu lông SCG ra đời năm 2007 với kinh phí chừng 150 tỷ đồng. Họ tuyển các học viên trên khắp cả nước từ 12 đến 16 tuổi. Những tài năng trẻ sẽ được ăn tập miễn phí, được học văn hóa bài bản đồng thời được cấp kinh phí dự các giải đấu quốc tế chất lượng cao.
Hiện tại, học viện đang ươm mầm cho 37 VĐV trong đó 22 nam. Họ được hỗ trợ bởi đội ngũ gồm 10 HLV chuyên nghiệp và 5 chuyên viên tư vấn về dinh dưỡng, y tế, khoa học thể thao…
Những sản phẩm tài năng của học viện có thể kể ra như đôi nữ hạng 9 thế giới Puttita Supajiraku/Sapsiree Taerattanachai và đôi nam nữ hạng 8 thế giới Dechapol Puavaranukroh/ Sapsiree Taerattanachai.
Đây là những điều kiện quá tốt mà các VĐV trẻ của TP.HCM không thể có được nếu ở trong nước. Trong thời gian đào tạo, các tay vợt này sẽ sinh hoạt tại ký túc xá của học viện và ăn tập theo một giáo án nghiêm khắc, dựa trên những nguyên tắc của khoa học thể thao như sinh lý học, tâm lý học và dinh dưỡng.
Phía Thái Lan sẽ cử 2 chuyên gia theo sát 12 VĐV này trong suốt thời gian ở Thái Lan. Chương trình tập huấn được thiết kế đặc biệt cho từng cá nhân để giúp VĐV phát triển tối đa tiềm năng, vươn tới thành công ở đấu trường quốc tế.
Hai nhân tố nổi bật nhất của Việt Nam gồm Nguyễn Hải Đăng (sinh năm 2000) - tay vợt đoạt HCV U16 và U19 quốc gia và Vũ Thị Anh Thư (sinh năm 2001) -HCV đơn nữ U16 trong nước.
Cầu lông TP.HCM vẫn đang mòn mỏi tìm kiếm VĐV tài năng, kế tục Nguyễn Tiến Minh. Việc được đối tác tạo điều kiện sang Thái Lan tập huấn là bước đi hợp lý để bồi dường cho những tài năng đầy hứa hẹn này.