Bóng chuyền Malaysia yếu nên họ tìm cách chơi chiêu trò để tạo lợi thế. |
Cách đây vài ngày, Malaysia đã gửi thông báo đến Liên đoàn bóng đá các nước trong khu vực về cách thức bốc thăm chia bảng ở môn bóng đá tại SEA Games 29. Theo đó, họ được quyền chọn bảng đấu. Điều này được áp dụng cho bóng đá nam, nữ và cả futsal (bóng đá trong nhà).
Không dừng lại ở đó, Malaysia còn chơi xấu ở cả môn bóng chuyền (nam và nữ). Điều lệ trong sổ tay bóng chuyền SEA Games 29 được đăng tải trên website chính thức của Đại hội quy định đội đoạt HCV và á quân ở 2 năm trước rơi vào hai bảng A, B. Hai đội giành HCĐ SEA Games 2015 chia nhau vào 2 bảng này thông qua bốc thăm.
Các đội còn lại cũng được chia vào 2 bảng đấu này thông qua bốc thăm. Sau khi có kết quả xong xuôi, Malaysia được quyền chọn vào ở bảng A hoặc B. Với cách này, họ có thể nghiễm nhiên thi đấu ở một bảng vừa có ít đội, vừa dễ thở. Điều này sẽ giúp Malaysia tăng thêm cơ hội giành huy chương.
Việc bốc thăm oái ăm được Malaysia đưa vào điều lệ môn bóng chuyền. |
So với bóng đá, thành tích ở môn bóng chuyền của Malaysia rất tệ. Ở nội dung của nam, họ đoạt huy chương lần cuối năm 2001 trên sân nhà. Còn ở nữ, quốc gia này chưa có huy chương kể từ năm… 1983. Thực lực yếu kém là nguyên nhân chính khiến họ giở “chiêu trò” với hy vọng chấm dứt cơn khát huy chương.
Dự kiến môn bóng chuyền tại SEA Games 29 diễn ra từ ngày 21 đến 27/8. Thời gian bốc thăm sẽ do Ban tổ chức SEA Games Malaysia (MASOC) ấn định. Hai năm trước, Thái Lan đã thâu tóm HCV ở cả nam lẫn nữ.
SEA Games 29 có 405 bộ huy chương ở 38 môn. Ngoài việc tự chọn bảng đấu ở một số môn, Malaysia còn hứng chịu nhiều chỉ trích khi cắt bỏ hoặc loại khỏi chương trình thi đấu nhiều môn cơ bản như boxing nữ, canoeing, đấu kiếm, judo…