Các quan chức cấp cao tại Washington cho biết Zawahiri không còn trực tiếp lên kế hoạch cho các hoạt động khủng bố của Al Qaeda, mà chỉ còn đưa ra chỉ dẫn. Dù vậy, theo họ, vụ tấn công vẫn cho thấy Mỹ không cần hiện diện ở Afghanistan để tấn công tổ chức khủng bố toàn cầu này.
Ở chiều ngược lại, các ý kiến chỉ trích cho rằng bất chấp thành tựu trên, Mỹ vẫn không có khả năng đáp trả các thách thức mới có thể nổi lên từ Afghanistan sau khi rời đi tháng 8/2021, theo Wall Street Journal.
Chiến lược mới của Mỹ
Cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ và thắng lợi nhanh chóng của Taliban là một trong những thất bại lớn nhất về đối ngoại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sau sự kiện này, Washington lập luận họ có thể tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố nhờ năng lực không quân và máy bay không người lái, qua đó không cần đóng quân tại Afghanistan.
“Nước Mỹ tiếp tục thể hiện quyết tâm và năng lực bảo vệ người dân Mỹ trước những ai muốn làm hại chúng ta”, ông Biden nói sáng 1/8 từ Nhà Trắng.
Dù vậy, một số cựu quan chức Nhà Trắng và giới phân tích cho rằng cuộc không kích tiêu diệt Zawahiri vừa qua chưa đủ để khẳng định thành công của chiến lược mà chính quyền Tổng thống Biden theo đuổi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao họp bàn về chiến dịch tiêu diệt Ayman al-Zawahiri tại Nhà Trắng hồi tháng 7. Ảnh: AFP. |
“Hãy nhớ rằng đây là cuộc không kích cả năm có một lần”, tướng Frank McKenzie, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ, chỉ ra. “Trong trường hợp không có cơ hội quan sát lâu dài, còn mục tiêu cơ động, có an ninh tốt và ở vùng nông thôn, việc đạt được thành công như vậy sẽ khó khăn hơn”.
Những người chỉ trích cũng chỉ ra sự hiện diện của nhà lãnh đạo Al Qaeda tại trung tâm thủ đô Kabul cho thấy Afghanistan đang một lần nữa trở thành mối đe dọa.
Washington cáo buộc Taliban đã vi phạm thỏa thuận tháng 2/2020, vốn ngăn cấm tổ chức này cho phép Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm nơi ẩn náu để tấn công Mỹ và các đồng minh.
Dù vậy, dường như chỉ có mạng lưới Haqqani - một phe phái Taliban thân Al Qaeda - biết về sự hiện diện của Zawahiri tại Kabul. Các phe phái khác hoàn toàn không nắm được thông tin này.
Tuy nhiên, việc Zawahiri có thể sinh sống trong một thành phố có nhiều nhà ngoại giao nước ngoài là bằng chứng bác bỏ tuyên bố của Taliban rằng họ đã cắt đứt quan hệ với Taliban. “Ông ấy rõ ràng là người thân cận với Taliban và được đối xử với sự tôn kính”, ông Bruce Hoffman, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định.
Giới chức Mỹ cũng cho rằng sự hiện diện của Zawahiri không có nghĩa rằng Al Qaeda đang xây dựng lại mạng lưới tại Afghanistan, vốn đã thiệt hại nặng nề sau hai thập kỷ truy quét của Mỹ. Thay vào đó, họ lo ngại hơn đến các chi nhánh của tổ chức tại châu Phi và Yemen.
Các mối nguy khác
Một số thông tin về chiến dịch truy lùng Zawahiri vẫn chưa được công bố - như chiếc máy bay không người lái trong chiến dịch cất cánh từ đâu hay Mỹ làm cách nào để phát hiện mạng lưới hỗ trợ trùm khủng bố này. Do đó, giới phân tích chưa thể đánh giá đầy đủ về chiến lược mà Washington đang theo đuổi.
Zawahiri (phải) cùng trùm khủng bố Osama bin Laden (giữa). Ảnh: AFP. |
Ông Charles Lister, chuyên gia tại Viện Trung Đông (Mỹ), đánh giá việc tìm ra một mục tiêu có giá trị cao sau 20 năm là một thành công lớn. “Dù vậy, điều này khác biệt hoàn toàn so với phát hiện một hoặc nhiều âm mưu, hay các kẻ chủ mưu”, ông nói.
Điểm nhấn của vụ tấn công lần này được cho là sự chính xác của tên lửa Hellfire R9X - được mệnh danh là hỏa ngục - không có đầu đạn nhưng được trang bị 6 lưỡi dao có thể đâm xuyên mục tiêu mà không phát nổ theo AFP.
Các bức ảnh về vụ không kích cho thấy cửa sổ một tầng trong ngôi nhà al-Zawahiri trú ngụ, bị thổi tung, nhưng phần còn lại của tòa nhà, bao gồm cả cửa sổ ở các tầng khác vẫn nguyên vẹn.
Bản vẽ mô phỏng tên lửa R9X với 6 lưỡi dao xung quanh. Ảnh: Wall Street Journal. |
Chia sẻ với Wall Street Journal, một quan chức Mỹ đưa ra nhận định khác. Theo người này, Zawahiri là một mục tiêu khó. Do đó, chiến thuật sử dụng để tiêu diệt Zawahiri cũng có thể áp dụng cho các mục tiêu khác, kể cả khi mục tiêu đó không trú ngụ ở thủ đô Kabul.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Liên Hợp Quốc và giới phân tích độc lập, chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan (ISIS-K) mới là nguy cơ khủng bố lớn nhất từ quốc gia Nam Á này, thay vì Al Qaeda.
Một báo cáo được công bố hồi tháng 7 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhận định Al Qaeda ít có khả năng tấn công bên ngoài lãnh thổ Afghanistan vì năng lực yếu kém và bị Taliban kiềm chế. Trong khi đó, ISIS-K “gây ra mối đe dọa lớn hơn trong ngắn và trung hạn”, báo cáo cho biết.
“Ayman al-Zawahiri không còn là kẻ chủ mưu chủ chốt trong các cuộc tấn công ở nước ngoài”, ông Lister nói.