Một năm đã trôi qua kể từ khi Mỹ tiến hành đợt rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan, những tranh luận về tính hợp lý của quyết định này vẫn nổ ra.
Trong bối cảnh đó, việc máy bay không người lái của CIA vừa tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri ngay tại thủ đô Afghanistan khiến cuộc tranh luận ấy càng thêm sôi nổi, theo New York Times.
Cuộc không kích đã tiêu diệt một trong những kẻ chủ mưu vụ khủng bố ngày 11/9/2001 mà không khiến dân thường thiệt mạng. Đối với ông Biden và các đồng minh, điều này chứng minh rằng Mỹ có thể mở cuộc chiến chống khủng bố mà không cần triển khai lượng lớn quân lính tới thực địa.
Tuy nhiên, đối với những người chỉ trích ông, việc al-Zawahiri trở lại Kabul dưới sự bảo vệ của Taliban cho thấy Afghanistan một lần nữa đang thành “thiên đường” cho những kẻ thù của nước Mỹ.
"Hai mươi năm lãng phí"
Trong một cuộc thảo luận được Viện Hòa bình Mỹ (Mỹ) tổ chức, Kate Bateman, người hỗ trợ viết báo cáo cho chính phủ Mỹ về tham nhũng, ma túy, bất bình đẳng giới và các vấn đề khác ở Afghanistan, cho biết: “Cuộc không kích thành công chứng minh tính hợp lý của chiến lược chống khủng bố từ xa của Mỹ ở Afghanistan”.
“Tuy nhiên, việc al-Zawahiri tìm thấy nơi trú ẩn ở Kabul có thể cho thấy mối đe dọa lớn hơn những đánh giá trước đây", bà nói.
Khói bay lên từ ngôi nhà được cho là nơi al-Zawahiri bị tiêu diệt. Ảnh: AFP. |
Việc săn lùng và tiêu diệt al-Zawahiri có thể không gây được tiếng vang trong công chúng như cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là chiến thắng của nước Mỹ.
Thỏa thuận hòa bình Doha được chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đàm phán trước khi ông rời nhiệm sở và do Tổng thống Biden thực thi. Thỏa thuận này quy định Taliban sẽ không để Afghanistan trong tương lai trở thành nơi trú ngụ cho tổ chức khủng bố chống lại Mỹ.
Trong khi chính quyền của Tổng thống Biden gọi sự hiện diện của al-Zawahiri là sự vi phạm “trắng trợn” với thỏa thuận Doha, một số nhà phân tích cho rằng Taliban có thể lập luận rằng lực lượng này không vi phạm các điều khoản.
Theo các nhà phân tích, Taliban có thể lập luận rằng họ chỉ cung cấp nơi tị nạn cho thủ lĩnh Al Qaeda chứ không cung cấp điều kiện để cho Al Qaeda tổ chức cuộc tấn công mới.
Tuy nhiên, Nhà Trắng không có cùng quan điểm như vậy.
Trả lời phỏng vấn hôm 2/8, ông John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết: “Taliban có quyền lựa chọn".
"Họ có thể tuân thủ thỏa thuận" để ngăn chặn kẻ khủng bố trú ngụ trên lãnh thổ Afghanistan "hoặc họ có thể tiếp tục đi theo con đường khác. Nếu đi theo con đường khác, họ sẽ chịu hậu quả", ông nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cả ông Kirby và các quan chức khác đều không nói rõ Taliban sẽ phải chịu những “hậu quả” gì. Nội bộ chính quyền Mỹ lúc này dường như không xuất hiện ý định đưa lực lượng quân sự đáng kể quay trở lại Afghanistan.
Trong khi đó, ở Afghanistan, Taliban đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sau khi Mỹ rút quân bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế. Chính quyền Taliban đặt lại chế độ cứng rắn và có những chính sách hạn chế quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Tổng thống Joe Biden cho rằng việc tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda là nhằm thực thi công lý. Ảnh: New York Times. |
Ông Bruce Riedel, cố vấn của nhiều tổng thống Mỹ về Trung Đông và Nam Á, cho biết: “Chúng ta đang quay trở lại bối cảnh trước ngày 11/9. Và thật không may, điều đó có nghĩa là Taliban và Al Qaeda quay lại với nhau”. “Hai mươi năm nỗ lực đã uổng phí”, ông nói.
Tổng thống Biden đã đúng?
Theo báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ, al-Zawahiri trở lại Afghanistan vào đầu năm nay. Thủ lĩnh Al Qaeda cùng gia đình chuyển đến sống tại một trong những khu vực dành cho giới giàu có tại Kabul. Đây cũng là nơi các nhà ngoại giao của Mỹ và các nước khác sinh sống cách đây không lâu.
Ông Riedel nói: “Chắc hẳn ông ta cảm thấy rất an toàn, tin tưởng 100% rằng không có gì có thể làm hại tới mình”.
Taliban rõ ràng biết al-Zawahiri đang ở ngôi nhà đó và cố gắng bảo vệ an toàn cho người này, New York Times nhận định.
Thủ lĩnh Al Qaeda sống trong ngôi nhà của trợ lý hàng đầu dưới quyền Sirajuddin Haqqani. Ông Haqqani là một quan chức cấp cao trong chính quyền Taliban. Theo một số nguồn tin, người này là một thành viên của mạng lưới khủng bố Haqqani, vốn có quan hệ mật thiết với Al Qaeda.
Sau cuộc tấn công, các thành viên của mạng lưới Haqqani cố gắng che giấu việc al-Zawahiri đã ở ngôi nhà nói trên và tránh lui tới địa điểm này, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Ông Biden từng lấy lý do Al Qaeda không còn ở Afghanistan để rút binh sĩ Mỹ. "Chúng ta có lợi ích gì ở Afghanistan vào thời điểm này khi Al Qaeda đã biến mất?", Tổng thống Biden phát biểu vào thời điểm quyết định rút quân.
“Chúng ta đến Afghanistan với mục đích rõ ràng là tiêu diệt Al Qaeda ở Afghanistan cũng như bắt Osama bin Laden. Và chúng ta đã làm được”, ông nói.
Giới chức Mỹ cho rằng vào thời điểm Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Al Qaeda không còn quá mạnh. Ảnh: Reuters. |
Ông Kirby hôm 2/8 cho rằng phát biểu của tổng thống có nghĩa là Al Qaeda không còn là lực lượng đáng kể ở Afghanistan vào thời điểm đó. Ông cũng lưu ý rằng các đánh giá của chính phủ vào thời điểm đó kết luận rằng sự hiện diện của nhóm khủng bố này là "nhỏ và không quá mạnh".
Do đó, ông Kirby và các quan chức khác cho rằng cuộc không kích al-Zawahiri cho thấy ngay cả khi Taliban không tuân thủ cam kết, Mỹ vẫn có khả năng loại bỏ các mối đe dọa ở Afghanistan.
Theo đó, Washington có thể tấn công các mối đe dọa bằng cách sử dụng các lực lượng quân sự đồn trú ở những nơi khác trong khu vực hoặc tấn công từ xa như vụ không kích vừa rồi.
Phát biểu trên đài ABC, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, cho rằng: “Nó (cuộc không kích) chứng minh tổng thống đã đúng. Một năm trước, ông ấy nói rằng chúng ta không cần phải giữ hàng nghìn lính Mỹ ở Afghanistan để có thể ngăn chặn những kẻ khủng bố và đánh bại các mối đe dọa đối với nước Mỹ”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia chống khủng bố vẫn bày tỏ sự thận trọng.
Các chuyên gia cho rằng việc chống khủng bố từ xa là khả thi nhưng không đồng nghĩa là nó sẽ hiệu quả. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng cuộc tấn công cũng có thể khiến người kế nhiệm al-Zawahiri kín tiếng hơn trong khi hoạt động.