Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu hỏi đầu tiên của người đàn ông được giải cứu sau 10 ngày động đất

Ngay khi được giải cứu khỏi đống đổ nát sau 261 giờ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mustafa Avci, 33 tuổi, bình tĩnh hỏi bạn qua điện thoại: “Mẹ tôi và mọi người thế nào rồi?”.

Đống đổ nát sau trận động đất ở Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Reuters.

“Mọi người đều khỏe. Mọi người đều đang đợi cậu. Tôi đang đến với cậu”, người bạn của anh đáp và khóc vì không dám tin đây là sự thật, CNN đưa tin.

Cuộc nói chuyện này diễn ra sau khi anh Avci được kéo khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Anh được giải cứu 261 giờ sau khi trận động đất mạnh 7,8 độ tấn công khu vực vào ngày 6/2.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 17/2 đã công bố một đoạn video về cuộc điện thoại giữa Avci và bạn anh. Đây được cho là lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc vẫn có thể tìm thấy người sống sót ngay cả ở thời điểm hiện tại - 11 ngày sau trận động đất.

Anh Avci đã được giải cứu vào tối 16/2. Trong video, anh Avci đang đeo nẹp cổ và có ánh mắt đầy hy vọng khi đặt câu hỏi: “Mọi người đều thoát khỏi (động đất) chứ? Hãy để tôi nghe giọng nói của họ trong giây lát”.

Bạn của anh đáp lại: “Tôi đang lái xe. Tôi đang đến với cậu. Người anh em, tôi đang trên đường đến”. Avci sau đó hôn tay nhân viên cứu hộ, người đang cầm điện thoại và nói lời cảm ơn.

dong dat Tho Nhi Ky anh 1

Mustafa Avci nói chuyện điện thoại với bạn mình sau khi được giải cứu. Ảnh: Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ/CNN.

Bộ trưởng Koca cho biết cả Avci và Mehmet Ali Sakiroglu, 26 tuổi, được giải cứu cùng lúc từ dưới đống đổ nát của một tòa nhà bệnh viện tư nhân.

Anh Sakiroglu đã đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe khi trận động đất xảy ra, cha anh nói với CNN.

Hai người đàn ông được tìm thấy khi đội cứu hộ phát hiện một chiếc chân dưới đống đổ nát, giữa lúc người điều khiển máy đang dọn các mảnh vỡ. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã được đưa đến bệnh viện tạm thời của Hatay để điều trị.

Trước đó, một cậu bé 13 tuổi có tên Mustafa cũng đã được giải cứu ở Antakya, tỉnh Hatay, vào hôm 15/2 - 228 giờ sau khi trận động đất xảy ra.

Nhân viên cứu hộ Özer Aydinli cho biết việc Mustafa còn sống sót “chắc chắn là điều kỳ diệu”.

Aydinli cho biết anh nghĩ các đồng nghiệp của mình bị "ảo giác" và anh cho rằng cậu bé đã "chết với đôi mắt mở". Tuy nhiên, đứa trẻ đã kêu lên: “Anh ơi! Chân em không có cảm giác. Hãy cứu em". Ngay sau đó, một đội ngũ gồm hơn 70 người đã vội chạy đến giúp đỡ.

Giữa lúc đó, các cơ quan viện trợ quốc tế đang tăng cường nỗ lực giúp đỡ hàng triệu người vô gia cư sau trận động đất hôm 6/2.

Tính đến ngày 16/2, số trường hợp được xác nhận thiệt mạng do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 36.187 người. Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại Syria là khoảng 5.800 người, Reuters cho biết.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Quyết ở lại vùng động đất Thổ Nhĩ Kỳ chờ thi thể người thân và giấy nợ

Nhiều người sống sót sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bám trụ bên cạnh những tòa nhà đổ nát, chờ đợi nhận xác người thân, hoặc tìm kiếm đồ đạc giá trị.

Tòa nhà hóa mộ tập thể do động đất, chủ thầu nói ‘chỉ bị đổ nghiêng’

Các khu chung cư mới từng là hình ảnh tượng trưng cho sự dịch chuyển xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ khi tầng lớp trung lưu mở rộng. Giờ đây, nó là biểu tượng của trận động đất kinh hoàng.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm