Tòa nhà Cecil được xây dựng năm 1924 với mục đích trở thành nơi dừng chân cho khách du lịch và doanh nhân. Sau khi đi vào hoạt động năm 1927, trải qua 5 năm của cuộc Đại suy thoái, khách sạn Cecil bắt đầu ăn nên làm ra trong thập niên 1940. Từ thập niên 1950, Cecil trở thành khách sạn với mức giá bình dân.
Quang cảnh bên ngoài khách sạn Cecil trước khi được đổi tên. Ảnh: The Tab. |
Tới năm 2011, khách sạn Cecil được đổi tên thành Stay on Main. Trong hai thập kỷ sau đó, bất động sản này đã đổi chủ nhiều lần. Cecil, hay Stay on Main, được cải tạo, tân trang phục vụ mục đích sử dụng mới.
Năm 2017, My News LA đưa tin chính quyền thành phố Los Angeles đã bỏ phiếu công nhận khách sạn Cecil là di tích lịch sử - văn hóa. Tòa nhà nằm trong số ít những công trình được xây dựng từ đầu thế kỷ XX còn tồn tại tới ngày hôm nay với kiến trúc độc đáo, mang ý nghĩa lịch sử.
Lịch sử gắn liền với những vụ án chấn động
Theo thống kê, sau hơn chín thập kỷ đi vào hoạt động, Cecil là hiện trường của 17 vụ tự sát và nhiều cái chết bất thường.
Vụ tự sát đầu tiên được ghi lại tại khách sạn Cecil xảy ra năm 1931. Trong thập niên 1940 và 1950, đã có 11 người lựa chọn nơi đây làm chốn từ giã cõi đời. Tới những năm 1960, cư dân trú ngụ lâu dài tại Cecil bắt đầu gọi nơi đây là “khách sạn tự sát”.
Elizabeth Short, hay Thược dược đen, nạn nhân của một vụ giết người tàn bạo, từng lui tới khách sạn Cecil. |
Lịch sử Cecil cũng nổi tiếng với những vụ ngoại tình, buôn bán ma túy, mại dâm và giết người.
Năm 1947, Elizabeth Short - thường được truyền thông nhắc đến dưới tên Thược dược đen - được cho rằng đã ghé qua quầy rượu ở khách sạn Cecil vài ngày trước khi bị sát hại dã man và vứt xác tại công viên Leinmert.
Năm 1964, người ta phát hiện thi thể một nhân viên bưu điện đã về hưu tên “Pigeon Goldie” Osgood tại phòng riêng trong khách sạn Cecil. Người phụ nữ bị cưỡng bức, hành hung và đâm chết. Đồ đạc của Osgood cũng bị xáo trộn. Chân tướng vụ việc tới nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Trong thập niên 1980, khách sạn Cecil được đồn đại là nơi trú chân của tên giết người hàng loạt Richard Ramirez trong vài tuần. Một kẻ giết người hàng loạt khác, Jack Unterweger, cũng lưu lại Cecil trong năm 1991. Unterweger thú nhận trong thời gian lưu lại Cecil, gã đã siết cổ và giết ít nhất ba gái mại dâm.
Năm 2013, khi đã được đổi tên thành Stay on Main, Cecil lại một lần nữa trở thành trung tâm chú ý khi đoạn video an ninh thu lại cảnh nữ sinh viên Elisa Lam hành động bất thường trong thang máy được chia sẻ rộng rãi. Ngày 19/12/2013, thi thể của Elisa Lam được phát hiện trong một bể nước của khách sạn này.
Dấu ấn trên truyền hình
Trên màn ảnh nhỏ, lịch sử của khách sạn Cecil từng được đề cập trực tiếp, hoặc truyền cảm hứng cho các series ăn khách.
Trong đó, quen thuộc hơn cả là mùa thứ 5 trong series truyền hình kinh dị nổi tiếng American Horror Story. Lấy tên gọi Hotel, phần phim diễn ra trong một khách sạn giả tưởng tên Cortez, tọa lạc tại Los Angeles.
Mùa thứ 5 của American Horror Story được lấy cảm hứng từ nhiều khách sạn chết chóc có thật trong lịch sử. Ảnh: Fox. |
Chủ nhân của khách sạn là Nữ bá tước (Lagy Gaga). Trong quá khứ, nữ bá tước đã nhiễm thứ virus bí ẩn biến người ta trở thành sinh vật khát máu người.
Nhiều thập kỷ qua, Nữ bá tước ẩn mình dưới vỏ bọc một phụ nữ thời thượng và đi săn những con mồi xấu số. Ngoài ả, lẩn khuất trong khách sạn còn là những thực thể siêu nhiên hắc ám, không từ cơ hội đoạt mạng khách dừng chân xấu số đặt chân đến nơi đây.
Cortez được xây dựng dựa trên các khách sạn chết chóc có thật trong lịch sử. Ảnh hưởng rõ nét nhất tới mùa phim là khách sạn được mệnh danh “lâu đài giết người” do H.H. Holmes xây dựng năm 1893.
Tòa nhà với thiết kế phức tạp, nhiều cạm bẫy và lối đi ẩn được H.H. Holmes sử dụng để để cướp bóc, tra tấn, sát hại và phi tang xác những người tới thuê trọ.
Theo lời hai nhà sáng tạo series là Falchuk và Murphy, khách sạn trứ danh Cecil cũng là một nguồn cảm hứng cho phim. Cả Cecil và Cortez đều tọa lạc tại Los Angeles cũng như nổi danh vì lịch sử bất hạnh.
Năm 2017, một mini-series nhan đề Horror at the Cecil Hotel đã ra mắt. Series tài liệu dài 3 tập tái hiện trên màn ảnh một số vụ án có thật từng xảy ra ở khách sạn Cecil.
Ngày 10/2, những vụ án bí ẩn tại khách sạn Cecil một lần nữa được nhắc lại trong series tài liệu Crime Scene: The Vanishing at the Cecil Hotel của Netflix. Bốn tập phim sẽ giới thiệu với khán giả những sự thật, cũng như khám phá chưa từng tiết lộ liên quan đến vụ tử vong của Elisa Lam và nhiều cái chết bất thường khác diễn ra tại khách nơi đây.
Ngoài ra, khách sạn Cecil còn là nguồn cảm hứng để anh em nhà Coen thực hiện bộ phim tâm lý, kinh dị kết hợp hài kịch Barton Fink (1991). Phần ngoại thất của Cecil từng xuất hiện trong MV The Rock Show của Blink-182 và Where the Streets Have No Name của U2.
Nội dung tập The Cecil Hotel của chương trình truyền thanh The NoSleep Podcast cũng được dàn dựng theo một truyện ngắn lấy cảm hứng từ cái chết của Elisa Lam.