Mátxơva: Mùa thay lá là phim truyền hình có bối cảnh tại nước Nga do đạo diễn Trọng Trinh thực hiện. Phim được phát sóng trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 và nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả truyền hình với dàn diễn viên nổi tiếng, cảnh quay đẹp cũng như câu chuyện lãng mạn, đậm chất ngôn tình.
Phim sử dụng 2 ca khúc nhạc Nga là Tôi hỏi cây tần bì do “hoàng tử vĩ cầm” Alexander Rybak thể hiện và Crane's crying với giọng hát của “hoàng tử mang giọng cá heo” Vitas. Trong đó, Tôi hỏi cây tần bì là ca khúc chủ đề, đồng thời câu chuyện của bài hát cũng có sự tương đồng với nội dung của phim.
Phim Tết Mátxcơva: Mùa thay lá sử dụng Tôi hỏi cây tần bì làm ca khúc nhạc phim. Ảnh: VFC. |
Câu chuyện về chàng trai si tình đi tìm người yêu
Trước khi được phổ nhạc, Tôi hỏi cây tần bì đã là một bài thơ nổi tiếng của Vladimir Kirshon. Sinh thời, Vladimir Kirshon được biết đến là một nhà văn, nhà soạn kịch nhưng cuối cùng tác phẩm nổi tiếng và được yêu thích nhất của ông lại là một bài thơ nói về một chàng trai si tình đi tìm người yêu.
Chàng trai đó đi giữa buổi tối mùa thu với cơn mưa ngoài cửa sổ, vầng trăng khuyết, đám mây trên cao. Xung quanh là những gì đẹp nhất của đất trời xứ Nga với hàng bạch dương, cây tần bì đang mùa thay lá. Nhưng gã lang thang vẫn cô đơn trong một nỗi niềm tự sự:
“Tôi hỏi cây tần bì/Người tôi yêu ở đâu/Cây tần bì không nói/Chỉ lắc lắc cái đầu/Tôi hỏi cây bạch dương/Nơi người yêu tôi ở/Cây bạch dương nín thở/Trút lá vàng lên tôi/Tôi hỏi: Hỡi mùa thu/Thấy người tôi yêu dấu?/Mùa thu đáp lại tôi/Một cơn mưa lạnh thấu…”
Cảnh vật vốn đẹp và cũng vô tri vô giác nhưng trong nỗi lòng của chàng trai, cây tần bì đung đưa trước gió trở thành “lắc lắc cái đầu”, hàng bạch dương mùa thu lá đổ cũng hóa thành “trút lá vàng lên tôi”. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, thiên nhiên như đồng cảm cùng sự cô đơn của nhân vật trữ tình.
Kẻ lữ hành lang thang đi khắp nơi để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Người yêu tôi ở đâu”. Nhưng tất cả chỉ là vô vọng cho đến khi chàng trai nhận được phản hồi từ chính người bạn thân của mình:
"Bạn duy nhất tôi ơi/ Bạn thân nhất trên đời/ Hãy nói cho tôi biết/Người tôi yêu đâu rồi?/ Bạn duy nhất của tôi/ Bạn thân nhất trả lời/ Người yêu xưa của bạn/ Người yêu xưa của bạn/ Bây giờ là vợ tôi”.
Tôi hỏi cây tần bì là một bài thơ buồn, để lại nỗi xót xa trong lòng người đọc. Chàng trai đã để tuột khỏi tay mình điều quý giá nhất. Trớ trêu thay, điều quý giá ấy lại đang thuộc sở hữu của người bạn thân nhất trên đời, cũng là người bạn duy nhất.
Chàng trai chẳng biết làm điều gì khác khi hạnh phúc đã an bài. Chàng lại tiếp tục hành trình của một gã lữ hành: “Tôi hỏi cây tần bì/Tôi hỏi mùa thu/Tôi hỏi cây bạch dương…"
Đã có câu trả lời, nhân vật trữ tình vẫn đi hỏi. Và có lẽ, chàng trai cũng không biết làm điều gì khác, ngoài đặt những thắc mắc cho thiên nhiên, vạn vật.
Bài thơ 2 lần được phổ nhạc
Tôi hỏi cây tần bì được phổ nhạc lần đầu tiên vào năm 1935 trong một vở hài kịch của Kirshon với tựa đề Sinh nhật. Người phổ nhạc là nhạc sĩ Tikhon Khrennikov, sau này trở thành Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên Xô.
Sau thời kỳ các vở kịch của Kirshon bị cấm diễn, rồi lại được phục hồi, bản thân Khrennikov cũng không còn nhớ các nốt nhạc của ca khúc. Nhưng đạo diễn Eldar Ryazanov, một người có tài thuộc thơ, lại rất nhớ bài ca.
Ông từ lâu đã nuôi ý định đưa bài thơ về mối tình bất hạnh và sự phản bội này vào một bộ phim nào đó của mình, nhưng chỉ khi dựng bộ phim Số phận trớ trêu vào năm 1975 thì cảm hứng mới thăng hoa.
Ông tìm đến nhạc sĩ Michael Tariverdiev để viết nhạc cho bài thơ, ca sĩ thể hiện nó là Sergei Nikitin. Và Tôi hỏi cây tần bì tiếp tục trở nên nổi tiếng, sánh ngang với ca khúc lãng mạn dựa trên lời thơ được yêu thích lúc bấy giờ như Bên tấm gương soi (M.Tsvetaeva), Trên con đường tôi đi năm ấy (B.Akhmadulina).
Những năm gần đây, ca khúc được yêu thích với tiếng hát của Alexander Rybak. Tiếng vĩ cầm do nam ca sĩ thể hiện ở phần đầu và cuối phần trình diễn khiến giai điệu bài hát càng trở nên trầm buồn, đậm chất tự sự và chinh phục được người nghe.