Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện trong Nghĩa trang liệt sĩ Chư Prông

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Chư Prông là một trong 11 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Gia Lai, một trong 3.077 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước.

Từ thành phố Pleiku theo đường 14 kéo dài đi về phía Tây Nam, đến địa bàn huyện Chư Prông - nơi nửa thế kỷ trước là huyện 5 chiến trường Gia Lai thuộc Mặt trận B3 Tây Nguyên.

Trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai chiều cuối tuần sát ngày kỷ niệm 27/7, các đoàn viên thanh niên địa phương đang chuẩn bị cho đêm thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Mấy thầy trò thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã hy sinh, bao thuốc lá được châm lên từng điếu cắm vào lư hương. Chợt thầy giáo trong đoàn nhận ra mộ đồng đội và ngồi sụp xuống: “Đây rồi, Chiêu ơi” còn các trò đọc những dòng chữ trên mộ bia “Liệt sĩ Nguyễn Trọng Chiêu, sinh năm 1954; quê quán Phú Lương, Đông Hưng, Thái Bình; đơn vị C20-F320; hy sinh ngày 22/10/1973”.

Người quản trang cho biết trong khoảng 2.000 ngôi mộ ở đây, đa phần thuộc các đơn vị của Quân đoàn 3; những liệt sĩ có đầy đủ thông tin như anh Chiêu đều hy sinh năm 1972, trước và sau ngày ký Hiệp định Paris.

Người thầy tiếp lời: “Chiến tranh ác liệt nên khi có Hiệp định chấm dứt chiến tranh là mừng lắm, lứa tuổi mười chín đôi mươi chúng tôi ngày ấy ở chiến trường hay ước mơ về ngày hòa bình thống nhất ngồi trong giảng đường nghiên cứu lịch sử từ thời đồ đá trở đi”; rồi thầy nghèn nghẹn nói với hương khói người đồng đội: “Có một lần hai đứa quá mê say / Hòn đá suối giữa dòng hình lưỡi búa / Bài học hôm nay nói về thời đồ đá / Tiếc quá Chiêu ơi, bữa đó chẳng đem về”...

Nghe thầy đọc thơ, cựu sinh viên Khoa Sử Đại học Tổng hợp Nguyễn Thị Kim Vân vừa hoàn thành công trình "Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc" chỉ vào bia mộ và nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”.

Là một trong hàng vạn quân nhân chuyển ngành đi học, thay cho những đồng đội nằm lại khắp các nẻo chiến trường xưa, thầy đọc cho đồng đội dưới mộ nghe câu thơ viết ngày khai giảng năm học đầu tiên sau giải phóng: “Mình lại đến trường trong bộ quân phục màu xanh / Như dạo hành quân chúng mình thường nói / Thay Chiêu hôm nay có bao nhiêu bạn mới / Và bao nhiêu ước mơ cho ngày mai”.

Trai tim nguoi linh mien Trung va Tay nguyen anh 1

Thắp hương tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông. Ảnh: V.H/baogialai.

Anh cán bộ Phòng LĐTB&XH đang chỉ dẫn công việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đến góp chuyện: Nghĩa trang liệt sĩ huyện Chư Prông là một trong 11 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Gia Lai, một trong 3.077 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, mới khánh thành tôn tạo nâng cấp năm 2016, quy tập lúc đầu 1.714 ngôi mộ các xã chuyển về, nay đã quy tập được tổng số gần 2.000 mộ liệt sĩ thuộc 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có nhiều ngôi mộ chưa có đủ thông tin; chưa kể còn nhiều người vẫn chưa tìm thấy.

Một học sinh đang tham gia đặt nến trên từng ngôi mộ đến hỏi: Thưa thầy, sao trên bia mộ không ghi mộ phần mà lại ghi là liệt sĩ?

Thầy giáo dạy Sử trường Lê Lợi thành phố Pleiku Ngô Minh Hiệp giải thích: Liệt sĩ cũng như tử sĩ là những người hy sinh vì nước vì dân khi làm nhiệm vụ, những người “không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, vì phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc chống đế quốc, chống phong kiến mà hy sinh một cách vẻ vang”.

Lại thưa hy sinh vẻ vang là như thế nào, thầy Hiệp dẫn theo Chỉ thị 10-NB/TB của Chính phủ: “hy sinh vẻ vang là nói đến những trường hợp chiến đấu, đấu tranh dũng cảm với địch, vì kiên quyết khắc phục khó khăn, nguy hiểm làm nhiệm vụ mà hy sinh hoặc: vì kiên quyết phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng mà bị địch trực tiếp sát hại, xứng đáng để mọi người học tập”.

Đến đó, mọi người đều lắng nghe người cựu chiến binh - phó giáo sư Sử học dẫn lời Bác Hồ nhân ngày 27/7/1948, Người viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta".

"Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào".

"Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”.

Hiện cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 850.000 mộ liệt sĩ có dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về liệt sĩ, còn gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tật...

Với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng” và theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, các thế hệ đời sau phải tưởng nhớ, tri ân, noi theo những tấm gương oanh liệt, như Bác Hồ đã làm và căn dặn: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.

Đạo lý dân tộc cũng nhắc nhớ sự cống hiến của các liệt sĩ ngoài mặt trận to lớn bao nhiêu thì nỗi đau của những người mẹ ở hậu phương lớn lao bấy nhiêu.

[...]

Câu chuyện vô tình trong khuôn viên Nghĩa trang huyện Chư Prông kết thúc trước lúc hoàng hôn khi buổi lễ thắp nến tri ân chuẩn bị bắt đầu.

Mọi người chia tay với niềm tin có lẽ chỉ ở Việt Nam thời hiện đại mới có những công dân một quốc gia làm chủ vận mệnh của mình bằng cách thực hiện quyền cống hiến hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc nhiều đến thế; ở Việt Nam vì vậy quyền con người và quyền công dân thống nhất trong quyền được cống hiến niềm tin, sức lực, trí tuệ, sự tự giác và cả gia tài, nhân mạng, người thân của mình cho đất nước. Điều đó đã trở thành hiện thực lịch sử trước khi được hiến định.

Chư Prông, ngày 24/7/2020

Hà Minh Hồng / CLB Trái tim người lính & NXB Thanh niên

SÁCH HAY