Tuần trước, khi chính quyền Tây Ban Nha công bố các biện pháp ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý ở xứ Catalonia, Barcelona đã ra tuyên bố mạnh mẽ: “CLB Barcelona, vì nhiệm vụ bảo vệ dân tộc, chế độ dân chủ, tự do ngôn luận và quyền tự quyết, lên án mọi hành vi cản trở việc tự do thực hiện các quyền đó. Do đó Barcelona công khai ủng hộ mọi người dân và tổ chức đang làm việc để đảm bảo các quyền đó”.
Hồi tháng 5, Barca ký một bản tuyên ngôn ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý về việc xứ Catalonia đòi độc lập. “Kể từ khi thành lập, Barca luôn phản ánh tư tưởng chính trị và xã hội của Catalonia” - AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Carles Feixa của Đại học Pompeu Fraba.
Biểu tượng của Catalonia
Người Catalan đòi độc lập, tương lai Barcelona giờ đang trong dấu hỏi. |
Khẩu hiệu của Barcelona là “Mes que un club” (Hơn cả một câu lạc bộ). Quả vậy, kể từ khi được thành lập vào năm 1899, Barcelona đã luôn là biểu tượng của chủ nghĩa Catalonia, của tư tưởng rằng xứ Catalonia là một thực thể, một thân phận tách biệt so với đất nước Tây Ban Nha. Nhà văn nổi tiếng Manuel Vasquez Montalban từng mô tả Barcelona là “quân đội không có vũ khí của Catalonia”.
Từ năm 1919, CLB luôn công khai ủng hộ việc Catalonia đòi thể chế tự trị. Trong thập niên 1920, người dân địa phương luôn vẫy cờ của CLB trong những cuộc biểu tình chống lại nhà độc tài Primo de Rivera. Tư tưởng độc lập bị đè nén dưới thời nhà độc tài Francisco Franco, nhưng đến cuối thập niên 1960, cờ và ngôn ngữ xứ Catalonia, từng bị cấm đoán, đã xuất hiện trở lại ở sân Nou Camp.
“Barca trở thành tổ chức thay thế cho quốc hội xứ Catalonia khi đó - chuyên gia Feixa nhấn mạnh - Những gì không thể được biểu lộ một cách công khai đã được thể hiện qua bóng đá”. Và trong 40 năm sau thời Franco, chủ nghĩa Catalonia phát triển mạnh mẽ ở Barcelona. Ban lãnh đạo CLB khi họp luôn nói tiếng Catalan.
Trận đấu giữa Barcelona và Las Palmas cuối tuần qua diễn ra trên sân không có khán giả. |
Và những hành động ủng hộ nền độc lập của xứ Catalonia vẫn luôn được thực hiện tại Nou Camp trong những năm qua. Tại các trận đấu, cổ động viên Barca thường hô vang “Độc lập” và vẫy cờ Catalonia, huýt sáo phản đối quốc ca Tây Ban Nha.
Chính trị cũng là yếu tố quan trọng giúp biến các trận siêu kinh điển Barcelona - Real Madrid trở thành cuộc đối đầu căng thẳng và nổi tiếng nhất thế giới bóng đá. Dưới thời Franco, rất nhiều cổ động viên Barca coi Real là đại diện của chính quyền Tây Ban Nha. Đến bây giờ vẫn nhiều người có suy nghĩ như vậy.
Hồi năm 1992, Barcelona giành được chiếc European Cup đầu tiên (tiền thân của Champions League). Trong lễ ăn mừng tại thành phố Barcelona, tiền vệ 21 tuổi Pep Guardiola hô vang: “Công dân Catalonia, chiếc cúp của các bạn đây”. Đối với xứ Catalonia, đó là một chiến thắng biểu tượng. Bởi từ năm 1956, Real giành cúp sáu lần, còn Barca trắng tay.
Guardiola, người sau này trở thành HLV Barca và cùng CLB giành hai chức vô địch Champions League, đã nhiều lần vận động ủng hộ nền độc lập xứ Catalonia từ nhiều năm qua. Hồi tháng 6, trong một cuộc diễu hành của 40.000 người tại thành phố Barcelona, Guardiola khẳng định: “Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ phiếu (trong cuộc trưng cầu dân ý)”.
Vai trò hàng đầu của Pep, Pique
Sau chiến thắng 1-0 của Manchester City trước Chelsea cuối tuần qua, Guardiola một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc trưng cầu dân ý. “Đó là ngày của dân chủ. Đó không phải là vấn đề đúng luật hay không (chính quyền Tây Ban Nha cho rằng cuộc trưng cầu là phi pháp). Đó là việc người dân muốn tự quyết định cuộc sống của họ”, Pep nói.
Pique luôn ủng hộ Catalonia độc lập. |
Trung vệ Gerard Pique cũng không ít lần công khai ủng hộ Catalonia độc lập. Tuần trước, trên Twitter anh kêu gọi người dân xứ Catalonia đi bỏ phiếu. Sau trận Barcelona thắng Las Palmas 3-0 trên sân vận động Nou Camp không có khán giả, Pique rơi nước mắt khẳng định: “Tôi là người Catalan. Tôi tự hào với người dân Catalan. Chúng tôi không phải là những kẻ xấu. Chúng tôi chỉ muốn bỏ phiếu”.
Anh cho biết sẵn sàng rời bỏ đội tuyển Tây Ban Nha. Pique thực sự đang trở thành một gương mặt đại diện cho phong trào ly khai Catalonia. Nhưng không chỉ có Guardiola hay Pique, ngay cả những cầu thủ nước ngoài chơi bóng cho Barca cũng lên tiếng ủng hộ việc ly khai. “CLB Barcelona là một quốc gia đại diện xứ Catalonia”, siêu sao Brazil Neymar tuyên bố khi rời Barcelona để đến với Paris Saint-Germain hồi tháng trước.
Ở thời điểm này, chính quyền Tây Ban Nha vẫn đang quyết tâm ngăn chặn Catalonia tìm kiếm độc lập. Nếu như có ngày Catalonia làm được điều đó, CLB Barcelona sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi cả thế giới bóng đá trăn trở. Huyền thoại Zinedine Zidane, HLV trưởng Real Madrid, mới đây nói ông không thể tưởng tượng nổi một La Liga không có Barcelona.
Nếu không có Barca, không chỉ Li Liga rơi vào khủng hoảng. Ngay cả đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha Real cũng sẽ lao đao vì mất đi một đối thủ xứng tài, một động lực để vươn lên.