Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ Madrid đến Barcelona: Khi khác biệt trở thành thù địch

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 là đỉnh điểm của sự chia rẽ, thậm chí là đối đầu giữa người dân Tây Ban Nha và Catalonia, vùng đất trù phú nhất xứ sở bò tót.

Ngày 1/10, Catalonia dậy sóng trong cuộc trưng cầu dân ý tự xưng đầy tranh cãi. Chính quyền trung ương Tây Ban Nha gọi đây là một hành động "vi hiến", làm "suy yếu khối đoàn kết quốc gia".

Khi hình ảnh bạo lực tại Catalonia tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, người dân Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha, không còn cách nào khác để chối bỏ sự thật rằng họ đang sống trong đất nước đầy chia rẽ.

Từ Barcelona

"Mọi chuyện xảy ra thật khủng khiếp, tất cả mọi người như phát điên", Meritxell Ros khóc nấc lên trong hoảng loạn.

Cô gái 21 tuổi sinh ra ở Barcelona, thủ phủ của Catalonia, vừa nói, vừa chỉ vào những vết bầm tím trên lưng cha mình sau màn xô xát với cảnh sát chống bạo động Tây Ban Nha. 

Catalonia muon ly khai anh 1
Cảnh sát Tây Ban Nha xô xát với người đi bỏ phiếu. Ảnh: Reuters.

Những hình ảnh tại hiện trường cho thấy cảnh sát bắn đạn cao su và thẳng tay quật dùi cui vào biển người biểu tình tại Barcelona. Trong những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người dân Catalonia, hơn 800 người đã bị thương.

Cuộc tranh cãi gần ba thế kỷ

"Nực cười. Người dân của chế độ dân chủ lại không có quyền đi bỏ phiếu", danh thủ bóng đá Xavi Hernandez, cựu đội phó của tuyển Quốc gia Tây Ban Nha, mỉa mai sự trấn áp của cảnh sát trên Twitter.

Cũng giống như Hernandez, phần đa trong số 7,5 triệu dân Catalonia tin rằng người dân xứ sở cực Đông Tây Ban Nha có quyền cất lên tiếng nói quyết định vận mệnh của vùng đất trù phú này.

Dù đã trở thành một phần lãnh thổ của Tây Ban Nha từ năm 1714, Catalonia vẫn luôn duy trì được những giá trị truyền thống riêng biệt. Nói một ngôn ngữ riêng, có lá cờ riêng, hát bài ca riêng, người dân Catalonia cho thấy họ khác biệt như thế nào so với phần còn lại của Tây Ban Nha.

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008 như khẩu thần công bắn phát súng khốc liệt vào "mặt hồ" Catalonia vốn đã không yên ả khi xứ tự trị này là nơi hứng chịu cắt giảm ngân sách lớn nhất trên toàn Tây Ban Nha.

Đến năm 2010, việc Madrid từ chối cho phép Catalonia có hệ thống thu thuế riêng, một nội dung quan trọng thuộc điều lệ hoạt động của chính phủ tự trị được thông qua bởi trưng cầu dân ý, đã thổi bùng lên ngọn lửa bất mãn trong cộng đồng người bản xứ tại Catalonia.

Catalonia chiếm 16% dân số Tây Ban Nha nhưng đóng góp 19% vào quy mô GDP của đất nước. Nhiều người Catalonia cho rằng họ đang phải cho đi quá nhiều so với những gì nhận lại từ Madrid, và rằng các khoản tiền thuế của họ đang được dùng để trang trải cho những người miền Nam nghèo khổ, lười biếng sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ.

BBC chỉ ra những số liệu thống kê thực tế ủng hộ những gì phe ly khai tại Catalonia đang cổ súy. Năm 2014, vùng đất này nộp vào ngân sách trung ương nhiều hơn khoảng 11,5 tỷ USD so với khoản đầu tư họ nhận lại từ Madrid. Phân bổ ngân sách từ chính phủ Tây Ban Nha dành cho Catalonia cũng giảm từ 16% năm 2003 xuống chỉ còn 9,5% năm 2015.

"Đã đến lúc cần thay đổi. Chúng tôi đóng góp cho chính phủ Madrid quá nhiều trong khi không được nhận lại những gì chúng tôi xứng đáng", Josep Minguet, một người biểu tình, nói bằng tiếng Catalonia.

Khoác trên mình lá cờ vàng sọc đỏ của xứ Catalonia, Minguet liên tục giơ nắm đấm lên không trung, hòa cùng tiếng reo vang của hàng nghìn người trên đường phố Barcelona: "Hôm nay chúng tôi đi bỏ phiếu".

Catalonia muon ly khai anh 2
Người biểu tình và lá cờ của Catalonia. Ảnh: Reuters.

Đến Madrid

Cách thành phố cảng Barcelona 600 km về phía Tây, thủ đô Madrid cũng trải qua một ngày 1/10 chấn động. Nhưng, trong khi người dân xứ Catalonia coi những màn trấn áp của cảnh sát là "sự đàn áp" phi dân chủ, người Madrid tin rằng chính phủ "cần phải làm gì đó" để duy trì luật pháp vào bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

"Chúng tôi phải bảo vệ đất mẹ vĩ đại Tây Ban Nha", Rosa Maria Gonzalez, một viên chức về hưu, trả lời BBC. Trên tay bà Gonzalez là một lá cờ vĩ đại màu đỏ vàng, hòa cùng vào đám đông lên tới 10.000 người bên ngoài tòa thị chính Madrid, phản đối cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập ở Catalonia.

Phía sau những lá cờ đỏ vàng phấp phới và câu hát "Tây Ban Nha sống mãi", những người Tây Ban Nha chính gốc và trung thành với Hoàng gia tức giận vì thái độ mà họ coi là "phản bội" của những người theo chủ nghĩa ly khai ở Catalonia.

"Những biện pháp nửa vời sẽ không hiệu quả. Chính phủ phải đoạt lại mọi quyền hạn về y tế, giáo dục và đưa các ngành dịch vụ khác về lại Madrid", bà Gonzalez nói trong sự căm phẫn. 

Theo giáo sư Ian Hoobs từ Đại học Newcastle, Anh, sự kiện ngày 1/10 như mồi lửa thổi bùng sự thù ghét mà người dân Tây Ban Nha dành cho xứ sở trù phú Catalonia.

"Họ (người Tây Ban Nha) luôn mang trong mình mặc cảm của những người ít thành công hơn. Phần còn lại của đất nước rơi vào cảnh nợ nần, trong khi Catalonia, vốn bị coi là những người ngoài, thực tế là đầu tàu kéo cả nền kinh tế Tây Ban Nha đi lên", giáo sư Hoobs nhận định.

Catalonia muon ly khai anh 3
Người dân Madrid biểu tình phản đối cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia. Ảnh: Getty.

Những người Tây Ban Nha ôn hòa có cái nhìn thực tế hơn, thừa nhận đã đến lúc chính phủ trung ương phải đàm phán với chính quyền Catalonia.

"Đàm phán và nhượng bộ là không thể tránh khỏi. Đó là con đường duy nhất để tránh đổ vỡ không thể cứu vãn giữa Madrid và Catalonia", Jorge Capillas, một chủ ngân hàng tại Madrid, trả lời BBC.

Nhưng cũng giống như hàng nghìn người Tây Ban Nha có mặt bên ngoài tòa nhà thị chính Madrid sáng 1/10, độc lập cho Catalonia là một bước đi vượt quá lằn ranh đỏ.

"Tôi là người Tây Ban Nha ái quốc với mong muốn giữ đất nước mình luôn đoàn kết. Catalonia không phải chỉ mới gia nhập Tây Ban Nha vài trăm năm. Vùng đất đó luôn luôn là một phần của Tây Ban Nha", Capillas khẳng định.

Tương lai bất định

Tại Madrid, lãnh đạo đảng Xã hội, đảng lớn thứ 2 tại quốc hội Tây Ban Nha, gọi sự kiện tại Catalonia là "ngày buồn cho nền dân chủ Tây Ban Nha".

"Chúng ta cần kiềm chế và đối thoại. Cải cách hiến pháp là cần thiết để giải quyết những đòi hỏi về vấn đề dân tộc như tại xứ Basque và Catalonia", Pedro Sanchez, lãnh đạo đảng Xã hội, kêu gọi.

Trong khi đó, chính quyền Catalonia tuyên bố 90% số phiếu được kiểm cho kết quả ủng hộ độc lập. 

"Trải qua một ngày đầy đau thương xen lẫn hy vọng, người dân Catalonia đã tự giành lấy quyền được sống trong một quốc gia độc lập dưới thể chế cộng hòa", thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont nói sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố.

Các chuyên gia đánh giá động thái mạnh tay ngày 1/10 là một thất bại to lớn của chính quyền Madrid. Sau những màn bạo lực vừa qua tại Catalonia, phe ủng hộ ly khai càng có cơ sở khi so sánh chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy với chế độ độc tài Francisco Franco và làm xấu đi hình ảnh của Madrid trong mắt người dân Catalonia.

"Mọi chuyện có thể còn tồi tệ thêm. Phía trước sẽ là những cuộc biểu tình, đình công, thêm nhiều phong trào đòi độc lập đi cùng những cuộc đàn áp", tờ La Vanguardia xuất bản tại Catalonia nhận định.

Catalonia và khao khát độc lập Lá cờ riêng, ngôn ngữ riêng... là chưa đủ với nhiều người ở xứ Catalonia. Thứ họ cần là hiện thực hóa giấc mơ được tách ra khỏi Tây Ban Nha, trở thành một quốc gia độc lập.

Ngày trưng cầu đẫm máu xứ Catalonia: 460 người bị thương

Ngày trưng cầu dân ý về độc lập của xứ Catalonia đã biến thành những cuộc xô xát giữa cảnh sát và cử tri vùng tự trị này khiến 460 người bị thương.


Vì sao người Catalonia quyết 'dứt áo' rời Tây Ban Nha?

Cuộc đối đầu giữa chính quyền xứ Catalonia và chính quyền ở Madrid lại lần nữa dâng cao, một bên muốn tách khỏi Tây Ban Nha, bên kia kiên quyết không để điều này xảy ra.



Catalonia va khao khat doc lap hinh anh

Catalonia và khao khát độc lập

0

Lá cờ riêng, ngôn ngữ riêng... là chưa đủ với nhiều người ở xứ Catalonia. Thứ họ cần là hiện thực hóa giấc mơ được tách ra khỏi Tây Ban Nha, trở thành một quốc gia độc lập.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm