Chính quyền xứ Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 1/10 để quyết việc ly khai rời khỏi chính quyền trung ương. Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố ngăn chặn cuộc bỏ phiếu và nói rằng nó "vi hiến". Điều này đã dẫn đến xung đột giữa 2 chính quyền, một ở Madrid, một ở Barcelona.
Tại sao người Catalonia muốn độc lập?
Phong trào đòi độc lập cho Catalonia kéo dài 3 thế kỷ nay, bắt đầu từ năm 1714 khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona. Kể từ đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc vùng Catalonia liên tục đòi quyền tự trị cho vùng này. Khi tướng Francisco Franco lên nắm quyền thủ tướng Tây Ban Nha năm 1939, ông thi hành các chính sách đàn áp các nỗ lực tự trị ở Catalonia, quét sạch các định chế và ngôn ngữ riêng biệt ở đây.
Theo Guardian, phong trào độc lập hiện tại do Thủ hiến Carles Puigdemont dẫn đầu cho rằng Catalonia có quyền tự quyết về văn hoá, kinh tế và chính trị. Những người ủng hộ cảm thấy khu vực giàu có với 7,5 triệu dân này từ lâu đã cho đi nhiều hơn nhận lại trong quan hệ với Tây Ban Nha.
Sự ủng hộ ly khai đã phát triển trong vài năm qua khi Tây Ban Nha trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế khó khăn kéo dài. Nhiều người Catalonia vẫn còn giận dữ về quyết định của Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha cách đây 7 năm, trong đó các phần của luật tự trị Catalonia năm 2006 đã bị hủy bỏ hoặc sửa đổi khiến quyền tự trị của họ không được mở rộng như mong muốn.
Nông dân treo lá cờ độc lập của xứ Catalonia trên đầu máy kéo trong một cuộc biểu tình ở Barcelona. Ảnh: AP. |
Các cuộc thăm dò cho thấy 70% người Catalonia muốn được bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, họ vẫn còn lưỡng lự trước quyết định tách khỏi Tây Ban Nha. Một cuộc khảo sát 2 tháng trước cho thấy 49,4% người Catalonia phản đối ly khai trong khi 41,1% ủng hộ độc lập.
Catalonia chuẩn bị ly khai như thế nào?
Quốc hội Catalonia, nơi liên minh của ông Puigdemont chiếm đa số, đã tiến hành các bước chuẩn bị hướng tới ly khai trong hơn 1 năm qua.
Hồi tháng 6, Puigdemont thông báo cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào tháng 10 và hỏi cử tri: "Bạn có muốn Catalonia trở thành một nước độc lập dưới hình thức nhà nước cộng hòa hay không?".
Tháng trước, sau một phiên họp căng thẳng của quốc hội địa phương, các nghị sĩ đã thông qua cái gọi là luật trưng cầu dân ý để mở đường cho cuộc bỏ phiếu.
Vị trí xứ Catalonia, khu vực phía đông bắc giàu có và đông dân của Tây Ban Nha. Đồ họa: BBC. |
Chính quyền Catalonia khẳng định cuộc trưng cầu dân ý sẽ ràng buộc về mặt pháp lý và hứa tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong vòng 48 giờ sau khi có kết quả bỏ phiếu trong trường hợp phe ủng hộ ly khai giành chiến thắng.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định cuộc trưng cầu dân ý sẽ không diễn ra và hứa sử dụng tất cả các phương tiện pháp lý để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.
Chính phủ Tây Ban Nha dựa vào đâu để ngăn chặn bỏ phiếu?
Chính phủ Tây Ban Nha lập luận rằng bất kỳ cuộc trưng cầu nào về độc lập của Catalonia là bất hợp pháp vì hiến pháp 1978 của Tây Ban Nha không đưa ra quy định về bỏ phiếu ly khai.
Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha, nơi đã đình chỉ luật trưng cầu dân ý được quốc hội Catalonia thông qua hồi tháng 9, đang xem xét liệu luật này có vi phạm hiến pháp hay không.
Tháng 3 năm nay, cựu thủ hiến Catalonia Artur Mas đã bị đình chỉ công tác trong 2 năm sau khi bị buộc tội không tuân theo tòa án hiến pháp. Ông Mas đã tổ chức một cuộc trưng cầu độc lập mang tính biểu trưng cách đây 3 năm dù không được tòa án cho phép.
Các thành viên hiện thời của chính quyền Catalonia cũng đang phải đối mặt với tòa án về vai trò của họ trong việc thúc đẩy độc lập.
Cảnh sát Tây Ban Nha đứng gác cạnh xe tuần tra bị người biểu tình phá hoại bên ngoài tòa nhà bộ kinh tế của chính quyền xứ Catalonia trong cuộc đột kích ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 21/9. Ảnh: Reuters. |
Căng thẳng gia tăng đáng kể trong tuần qua sau khi lực lượng cảnh sát dân sự Tây Ban Nha khám xét hàng chục tòa nhà của chính quyền khu vực tại Barcelona và bắt giữ 14 quan chức cao cấp. Cảnh sát đã thu giữ gần 10 triệu lá phiếu và tịch thu hơn 1,5 triệu tờ rơi, áp phích.
Puigdemont cáo buộc chính phủ Tây Ban Nha can thiệp vào quyền tự trị khu vực và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Khoảng 40.000 người đã xuống đường ở Barcelona tối 27/9 để phản đối các cuộc khám xét.
Trong bài phát biểu tối 27/9, Thủ tướng Rajoy nói với chính quyền khu vực: "Hãy chấm dứt sự leo thang của chủ nghĩa cực đoan và sự bất tuân một lần và mãi mãi".
Người Catalonia trong cuộc biểu tình sáng 1/10. Ảnh: AP. |
Tương lai của xứ Catalonia ra sao?
Không ai biết trò chơi đuổi bắt giữa chính quyền Tây Ban Nha và Catalonia bao giờ mới kết thúc. Cả hai phía đều không có dấu hiệu nhượng bộ. Puigdemont nói cuộc trưng cầu dân ý sẽ vẫn được tiến hành trong khi Rajoy khẳng định điều ngược lại.
Không loại trừ khả năng chính phủ Tây Ban Nha sẽ dùng điều 155 của hiến pháp, một việc chưa từng có tiền lệ. Điều này sẽ cho phép chính quyền trung ương đình chỉ quyền tự trị của xứ Catalonia và tiếp quản để chấm dứt cuộc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, sau các cuộc đột kích gây tranh cãi, lựa chọn này nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Việc áp dụng điều 155 không những có thể bị cộng đồng trong và ngoài nước xem là quá nặng tay mà còn khiến người dân Catalonia càng muốn độc lập.