Tính đến chiều 1/10 (giờ địa phương), những vụ xô xát trong ngày trưng cầu dân ý tại vùng tự trị Catalonia ở Tây Ban Nha đã khiến 460 người bị thương.
Cảnh sát Tây Ban Nha, trong trang phục bảo hộ, đã ngăn cản cử tri Catalonia tiếp cận các điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Gậy và đạn cao su đã được cảnh sát dùng đến.
Cảnh sát Tây Ban Nha đã dùng đến đạn cao su vào cử tri bỏ phiếu đòi ly khai ở xứ Catalonia. Ảnh: Reuters. |
Kéo áo và giật tóc
New York Times cho biết cảnh sát của vùng tự trị Catalonia, thường được gọi là Mossos, đã đứng im nhìn những hàng người ra vào địa điểm bỏ phiếu nhưng không can thiệp.
Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha xuất hiện không lâu sau khi các điểm bỏ phiếu chính thức mở cửa lúc 9h, đặc biệt là ở điểm bỏ phiếu tại một trường trường học phía đông bắc Catalonia, nơi Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont dự kiến bỏ phiếu. Cảnh sát đã đập vỡ cửa kính và dùng kèm phá khóa để xông vào đây.
Martí Pont, 19 tuổi, kể với Guardian rằng tại trường học nơi anh ta bỏ phiếu, cảnh sát đã ập tới vào giành lấy thùng phiếu cũng như phiếu bầu. "Họ bắt đầu kéo chúng tôi ra, thường là bằng cổ áo. Nhiều phụ nữ bị kéo tóc", Pont kể. Anh ta cho biết cảnh sát có dùng đến gậy nhưng không dùng súng, họ cảnh báo các nhà báo hãy tránh xa ra.
Người dân trước hàng rào cảnh sát chặn lối vào một điểm bỏ phiếu. Ảnh: AP. |
Một số video cho thấy cảnh sát nắm tóc và thậm chí ném người xuống cầu thang tại một trường học khác. Một video khác quay cảnh cảnh sát dùng gậy đánh cử tri trong khi người dân chỉ giơ tay lên.
Trong một diễn biến khác, Guardian nói hành động của cảnh sát không phải quyết liệt trên toàn vùng Catalonia. Một phóng viên Guardian nói rằng người ở nhiều khu vực vẫn đang gửi tin nhắn để nói rằng họ bỏ phiếu bình thường và ở nơi họ không có cảnh sát hiện diện. New York Times cho biết giới chức Catalonia đã xoay xở để việc bỏ phiếu được diễn ra ở 3/4 số điểm bỏ phiếu.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha chỉ trích một số người dân đã mang theo con cái ra đường trong ngày hôm nay. Trên Twitter chính thức, bộ này đăng tải một clip quay cảnh một đứa trẻ ngồi trên vai một người đàn ông đứng ven đường.
"Đưa trẻ em ra trước tình hình này và sử dụng chúng là một dấu hiệu khác của sự vô lý không thể dung thứ", bộ này viết.
Trước đó, bộ này đăng tải một video cho thấy cảnh sát đã khỏi những người biểu tình ném đá vào họ.
Giới chức Catalonia thì lên án hành động bạo lực này, cho rằng người Catalonia "không thể sống cùng với một nhà nước bạo lực như thế này". Các quan chức Catalonia kêu gọi các định chế của EU lên tiếng để bảo vệ người dân Catalonia, cũng là công dân EU.
Một người đàn ông bị thương sau cuộc ẩu đả với cảnh sát. Ảnh: Reuters. |
'Hội hè' tháng 10
Khi mọi thứ chưa trở nên bạo lực, cuộc trưng cầu dân ý đã bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng trong cơn mưa tháng 10 và giữa không khí vui vẻ, thân thiện. BBC dẫn lời Daniel, người có mặt tại điểm bỏ phiếu ở một trường học địa phương từ lúc 1h và ngủ ngoài đường, nói rằng cha anh ta sẽ tự hào về anh. Daniel cùng hàng trăm người khác đã phong tỏa cổng vào điểm bỏ phiếu vài giờ trước giờ mở cửa.
Không khí đột nhiên im lặng. Hai viên cảnh sát vùng Catalonia xuất hiện. Hàng rào người được dựng lên và các cảnh sát bỏ đi. Tại một điểm bỏ phiếu gần đó, cảnh sát chống bạo động xuất hiện và cũng bị người dân chặn lại.
Bên trong hội trường của ngôi trường là không khí hội hè, mọi người chụp ảnh "tự sướng" trong lúc bỏ phiếu.
Không khí vui vẻ tại một điểm bỏ phiếu sau khi các cử tri đi bỏ phiếu. Ảnh: Reuters. |
Tại một số khu vực ở vùng nông thôn, người nông dân thậm chí dùng máy kéo để phong tỏa lối ra vào các điểm bỏ phiếu, ngăn chặn cảnh sát ập đến.
Martí Pont nói rằng anh ta nằm trong số 300 người có mặt tại điểm bỏ phiếu ở trường Escola Ramon Llull từ lúc 5h30.
"Vài giờ sau thùng phiếu được đưa tới và chúng tôi bắt đầu vỗ tay. Trời mưa nặng hạt. Thế rồi 7 chiếc xe của Cảnh sát Quốc gia có mặt", Pont cho biết.
Caitríona O’Brien và Malachy McDermott, 2 người Ireland đang đi nghỉ tại Barcelona, nói rằng một cô gái đã nói với họ rằng không có cuộc cãi vã nào giữa những người ủng hộ và phản đối độc lập ở Catalonia, "mọi người chỉ muốn được đi bỏ phiếu". Không khí rất vui vẻ, mọi người vỗ tay khi rời điểm bỏ phiếu.
Cựu thủ hiến Catalonia Artur Más, người đã khởi xướng phong trào giành độc lập cho Catalonia trước kia, nói rằng người dân vùng này sẽ "bỏ phiếu trong ôn hòa" để đáp lại "sự bạo lực của nhà nước Tây Ban Nha".
Phong trào đòi độc lập cho Catalonia kéo dài 3 thế kỷ nay, bắt đầu từ năm 1714 khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona. Kể từ đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc vùng Catalonia liên tục đòi quyền tự trị cho vùng này. Khi tướng Francisco Franco lên nắm quyền thủ tướng Tây Ban Nha năm 1939, ông thi hành các chính sách đàn áp các nỗ lực tự trị ở Catalonia, quét sạch các định chế và ngôn ngữ riêng biệt ở đây.
Theo Guardian, phong trào độc lập hiện tại do Thủ hiến Carles Puigdemont dẫn đầu cho rằng Catalonia có quyền tự quyết về văn hoá, kinh tế và chính trị. Những người ủng hộ cảm thấy khu vực giàu có với 7,5 triệu dân này từ lâu đã cho đi nhiều hơn nhận lại trong quan hệ với chính quyền trung ương Tây Ban Nha.