Cả cơ quan quản lý và chuyên gia hàng không đều đề xuất nên giảm các loại thuế phí hàng không để giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch cũng như giảm gánh nặng cho các hãng bay.
Dịch bệnh Covid-19 đã hoành hành tại Việt Nam và khu vực trong 2 tháng gần nhất, gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp hàng không và du lịch. Theo ước tính của Cục Hàng không, trong năm 2020 các hãng bay Việt ước tính chịu thiệt hại 30.000 tỷ doanh thu.
Chia sẻ với Zing.vn, các hãng hàng không cho hay cơ quan quản lý vào cuộc khá kịp thời. Ngay trong tháng 2, Cục Hàng không đã đề xuất giảm các loại phí, giảm thuế cho các hãng hàng không nhằm giảm gánh nặng tài chính, giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19.
Hãng hàng không cần hỗ trợ thực tế
Hàng loạt biện pháp hỗ trợ đã được đề xuất, bao gồm miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không, tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường…) đến hết năm 2020 hay ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không.
Cả cơ quan quản lý và chuyên gia hàng không đều đề xuất nên giảm các loại thuế phí hàng không để giảm giá vé máy, kích cầu du lịch cũng như giảm gánh nặng cho các hãng bay, tuy nhiên các đề xuất lại chưa thể chuyển hóa thành biện pháp cụ thể. |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp đang khai thác 21 trong số 22 sân bay tại Việt Nam, cũng được yêu cầu rà soát, chủ động hỗ trợ, cho các hãng kéo dài thời gian thanh toán hàng hóa, dịch vụ cũng như áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá, khung phí cho thuê quầy làm thủ tục, thuê mặt bằng ở nhà ga.
Tuy nhiên, để thực sự kích cầu dịch vụ hàng không, giảm giá vé máy bay giúp hành khách dễ dàng tiếp cận hơn, giảm các loại thuế phí mà hãng bay đang thu hộ qua tổng giá vé máy bay là phương án được nhiều chuyên gia hàng không kiến nghị. Những loại phí này bao gồm phí phục vụ hay phí an toàn hàng không cho hành khách.
"Nếu Nhà nước cho phép miễn phí phục vụ thì vé máy bay có thể giảm được cho hành khách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Hoặc nếu được miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, hãng hàng không sẽ tiết kiệm được khoản chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là những khoản hỗ trợ rất hữu ích cho các hãng hàng không", TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng biện pháp đã có, nhưng thực tế công tác hỗ trợ đang không theo kịp thực tế khi các hãng hàng không đã gồng mình chịu lỗ 2 tháng vì dịch. Mỗi hãng bay thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi tuần, nhưng chưa hãng nào nhận được hỗ trợ từ các giải pháp trên.
Điển hình theo Reuters, Vietnam Airlines thiệt hại 250 tỷ đồng/tuần khi doanh thu sụt giảm vì ngừng các đường bay Trung Quốc để phòng chống dịch Covid-19.
Theo văn bản được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 đến các đơn vị trong ngành GTVT, thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
"Cần nhận thức rõ hỗ trợ doanh nghiệp hàng không nói riêng và doanh nghiệp nói chung không phải là xin - cho, mà là Nhà nước đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu và để phục hồi, phát triển kinh tế’, PGS, TS. Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định.
"Chính phủ coi chống dịch như chống giặc, ai chậm triển khai hoặc vì lợi ích nhóm mà không kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, theo tôi cần xử như quân luật. Thời chiến có thể áp dụng các biện pháp, chế tài phi thông thường, như đã làm với các đại lý đầu cơ khẩu trang".
"Chúng ta đang bên bờ khủng hoảng kinh tế, hậu quả khó lường, phải tăng chi viện, tăng nguồn lực và cần có chế tài mạnh như quân luật trên mặt trận hàng không nói riêng và mặt trận kinh tế nói chung. Nếu không, chúng ta không phát huy được thắng lợi trên mặt trận phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân và sẽ thua trên mặt trận kinh tế", TS. Thiên nói.
Hàng chục nghìn tỷ tiền phí đè lên chiếc máy bay
Hàng không có nhiều loại phí, trong đó có những khoản phí rất lớn. Theo thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do nhà nước quy định. Trong đó, có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.
Ước tính sơ bộ, tổng nộp 16 loại phí nói trên của các hãng hàng không lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chẳng hạn, phí phục vụ tai nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí cất hạ cánh không dưới 2.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng; hay phí đỗ máy cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm...
Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) và các cảng vụ hàng không.
Ngoài 16 khoản phí trên, các hãng bay phải nộp các khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không, như phí thuê quầy bán vé giờ chót, phí thuê quầy hành lý thất lạc, phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối (cute)…
Tính chung một chiếc máy bay đang phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Và tình trạng chung là ACV đầu tư gì ở nhà ga hàng không thì các hãng sẽ phải nộp phí dịch vụ cho khoản đầu tư đó.
Bên cạnh đó, mỗi chiếc máy bay cũng phải cùng gánh các loại thuế như nhập khẩu nhiên liệu bay; bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, các hãng hàng không nộp tới vài nghìn tỷ thuế bảo vệ môi trường mỗi năm. Và sự bất hợp lý theo TS. Lương Hoài Nam là thuế này không áp theo tỷ lệ mà cố định ở mức cao ngất là 3.000 đồng/lít nên khi giá xăng dầu thế giới giảm xuống thì thuế môi trường không giảm tương ứng như ở các nước.
Theo các chuyên gia, hàng không, du lịch là ngành quan trọng nhưng đang bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19 nên rất cần được giải cứu để góp phần giải quyết việc làm và phục hồi kinh tế nước ta.