Card đồ họa (GPU) là linh kiện quan trọng trong những dàn máy phục vụ việc khai thác nhiều đồng tiền mã hóa phổ biến. Ngoài ra, đây là loại linh kiện điện tử có giá cao, đáp ứng cho nhu cầu chơi game, làm đồ họa. Do đó, sau khi kết thúc vòng đời “đào coin”, GPU được tìm cách bán lại với dạng sản phẩm cũ.
Tuy nhiên, các thiết bị này có độ bền không cao, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, ảnh hưởng đến các linh kiện khác trong dàn máy của người dùng.
Có giá trị cao, card đồ họa khai thác tiền mã hóa thường được tìm cách thanh lý khi chủ trại hết nhu cầu. Ảnh: PC Gamer. |
Trao đổi với Zing, ông L.K., 25 tuổi, kỹ thuật viên máy tính, có 4 năm làm việc tại một đại lý chuyên phân phối và lắp ráp dàn đào coin tại TP.HCM cho biết nhà phân phối thường chính là nơi thu mua linh kiện khai thác tiền mã hóa sau khi “hết date”.
“Có hai nguồn thanh lý linh kiện từ các trại đào, bán lại cho người khai thác khác hoặc tìm đại lý thu mua. Trong đó, cách thứ hai rất phổ biến, thường được sử dụng hiện nay bởi nhu cầu đào coin đang hạ nhiệt vì giá tiền mã hóa giảm sâu”, ông, L.K. chia sẻ.
Cụ thể, chính nhà phân phối bán và lắp ráp dàn đào cho chủ trại sẽ là đơn vị nhận thu lại những linh kiện đã qua sử dụng. Số thiết bị này, cùng với các bộ phận được sử dụng tại phòng máy Internet, được mua lại với giá rẻ bởi phải hoạt động liên tục, ở mức công suất cao trong điều kiện khắc nghiệt.
Theo ông K., tại đại lý nơi người đàn ông này làm việc, có một bộ phận chuyên biệt gọi là “renew” (tạm dịch: làm mới). Ở đây, card đồ họa cũ sau khi được nhập về sẽ được kiểm tra bằng cách thực hiện các tác vụ nặng trong một khoảng thời gian. Đây là bước sàng lọc chất lượng của linh kiện thu lại.
“Nếu qua được bước kiểm tra ban đầu, một nhóm khác sẽ vệ sinh, sơn sửa, dán lại tem cho chiếc card đồ họa. Thành phẩm cuối cùng còn như mới, người mua khó mà phân biệt”, ông K. nói.
Ngoài ra, những sản phẩm gặp vấn đề về phần cứng cũng không bị vứt đi. Theo ông K., chúng sẽ được chuyển sang bộ phận kỹ thuật, tìm cách hàn sửa, thay thế các tụ điện, chip xử lý để có thể hoạt động. Sau đó, vòng đời những chiếc card tiếp tục như ở trên.
Theo ông K. phần lớn card đồ họa cũ được bán ra giai đoạn này đến từ các "trại đào". |
Tiếp đến, phần linh kiện này được bán cùng với những dàn máy lắp sẵn hoặc đơn lẻ cho người dùng có nhu cầu. Theo ông K. đây là nguồn thu quan trọng cho hệ thống nơi mình từng làm việc bởi giá card thu vào rất rẻ. Ngoài ra, việc kinh doanh mặt hàng này không được kê khai, nộp thuế như sản phẩm mới.
Theo ông L.K., 2 năm qua mặt hàng card đồ họa thường xuyên khan hiếm bởi thiếu hụt linh kiện và nhu cầu lớn từ người khai thác tiền mã hóa. Do đó, những đại lý có card đồ họa cũ bán ra giai đoạn này chủ yếu đến từ các trại đào coin. Mặt khác, kỹ thuật viên này cho rằng người dùng cần cảnh giác để tránh mua phải loại linh kiện nêu trên.
“Card trâu cày hay từ phòng net đều phải hoạt động dưới điều kiện khắc nghiệt, nhiệt độ cao, nhiều bụi bẩn. Ngoài ra, chúng phải chạy 18-24 giờ mỗi ngày, ở mức công suất cao, nên độ bền không còn đảm bảo, dù chỉ hết hạn bảo hành thời gian ngắn”, ông K. chia sẻ.