Khi Google và các công cụ tìm kiếm trở nên quá sẵn có, nhiều người bị phụ thuộc vào chúng. Mọi việc tệ hơn khi các ứng dụng trên smartphone được thiết kế để liên tục làm xao nhãng người dùng với một loạt thông báo.
Chia sẻ với Guardian, nhiều nhà nghiên cứu về não bộ và trí nhớ khẳng định những thông báo, tin nhắn ập tới liên tục làm gián đoạn quá trình tái tạo trí nhớ của não bộ.
Cái giá phải trả khi phụ thuộc vào smartphone
Trên thực tế, trước khi điện thoại và tính năng danh bạ ra đời, con người vẫn phải nhớ hàng loạt chuỗi số điện thoại khác nhau, hình thành một bản đồ tư duy luôn thay đổi, chuyển biến bên trong não bộ. Thế nhưng, với sự ra đời của smartphone, thói quen ghi nhớ đã bị con người lãng quên.
Nhiều người than vãn rằng khả năng ghi nhớ càng ngày càng kém, nhưng không nhận ra rằng nguyên nhân chính là chiếc smartphone của họ. Ảnh: The Observer. |
Giáo sư Oliver Hardt tại Đại học McGill cho rằng smartphone cung cấp rất nhiều tiện ích, hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống của con người. Nhưng đôi khi chúng ta phải trả giá cho sự sẵn có đó. “Một khi con người ngừng ghi nhớ, não sẽ hoạt động ngày càng tệ và cứ thế họ lại càng phụ thuộc vào các thiết bị điện tử”, bà khẳng định.
Hardt cũng chia sẻ bà không ủng hộ mọi người sử dụng công nghệ định vị GPS. Nguyên nhân là hệ thống này sẽ tạo lập một bản đồ đường đi thay cho con người. Do đó, họ chỉ cần làm theo hướng dẫn sẵn có mà không cần phải ghi nhớ hay tư duy nhiều.
“Những người sử dụng GPS trong một thời gian dài thường bị yếu về mặt trí nhớ không gian. Mặc dù đọc bản đồ rất khó, việc này sẽ giúp chúng ta tư duy trừu tượng, giúp ích cho khả năng ghi nhớ”, Oliver Hardt nói.
Theo giáo sư, cái giá phải trả cho việc phụ thuộc vào GPS là nguy cơ mất trí (dementia) tăng cao. Càng hoạt động trí não, con người càng ít sử dụng các hệ thống tư duy phức tạp của não bộ như bộ nhớ từng hồi (episodic memory), nhận thức linh hoạt (cognitive flexibility), do đó khiến trí tuệ ngày càng sa sút.
Suy giảm trí nhớ
Dù không thể phủ nhận rằng smartphone giúp con người tiếp cận những nguồn thông tin mới nhưng chính nó cũng khiến họ dần xa rời thực tại, khó tận hưởng những khoảnh khắc trong cuộc sống. Một khi thiếu đi những trải nghiệm này, họ sẽ khó có thể khơi gợi lại trí nhớ hay thậm chí là hạn chế khả năng sáng tạo ý tưởng mới.
“Não bộ của chúng ta không thể làm nhiều việc cùng một lúc. Khi bận chú ý vào điện thoại, ta sẽ không thể tập trung vào bất kỳ điều gì khác. Điều này đồng nghĩa với việc ta sẽ chẳng còn điều gì để nhớ lại”, Catherine Price, tác giả cuốn sách How to Break Up With Your Phone, chia sẻ.
Smartphone sinh ra vốn là để làm con người xao nhãng. Ảnh: Getty Images. |
Để chứng minh cho quan điểm này, nhà thần kinh học Barbara Sahakian đã thực hiện một cuộc thí nghiệm vào năm 2010 với 3 nhóm tình nguyện viên cùng thực hiện một bài kiểm tra kỹ năng đọc giống nhau.
Một nhóm sẽ nhận được một thông báo tin nhắn trước khi làm bài kiểm tra, một nhóm sẽ nhận được trong lúc làm, nhóm còn lại sẽ không nhận được tin nhắn nào. Kết quả cho thấy những tình nguyện viên nhận được thông báo tin nhắn không thể ghi nhớ nội dung bài viết đã đọc.
“Sự mất tập trung là một trong những yếu tố ngăn cản não bộ chuyển những hình ảnh hay văn bản vào trí nhớ dài hạn. Cụ thể, nếu trong quá trình làm việc, bạn bị xao nhãng bởi thông báo hay các cuộc gọi khẩn cấp, não bộ sẽ mất cơ chế mã hóa thông tin vào trí nhớ”, Catherine Price nhận định.
Mặt khác, smartphone còn có thể thay đổi cấu trúc não bộ. Một nghiên cứu của Adolescent Brain Cognitive Development thực hiện với 10.000 người Mỹ từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành đã chỉ ra những trẻ em tiếp xúc sớm với công nghệ sẽ có vỏ não mỏng hơn. Đây là điều chỉ xảy ra với những người có tuổi và liên quan trực tiếp đến các bệnh suy giảm trí nhớ như Parkinson, Alzheimer và đau nửa đầu.
Theo Guardian, không thể phủ nhận rằng điện thoại thông minh có vai trò quan trọng trong đời sống thường ngày. Chúng giúp con người giải quyết công việc, giữ liên lạc với người thân và thậm chí là trở thành một hình thức thanh toán mới. Vì thế, rất khó để con người có thể hoàn toàn nói không với smartphone.
Thay vào đó, họ nên có những khoảng nghỉ trong quá trình sử dụng thiết bị công nghệ và tránh phụ thuộc vào chúng để bộ não có cơ hội được tư duy và suy nghĩ. “Tập thói quen tránh xa thiết bị điện tử trong một khoảng thời gian, bạn sẽ nhận thấy mình bình tĩnh và ghi nhớ mọi thứ tốt hơn”, chuyên gia Catherine Price đưa ra lời khuyên.