Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X khai mạc sáng 10/12 với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu chính thức. Đây là những cá nhân, đại diện tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ, là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là những điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, là người trực tiếp lao động sản xuất trên các lĩnh vực. |
Đại hội còn là cuộc gặp gỡ, giao lưu với những gương mặt tiêu biểu trong số hơn 2.000 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020, những người Việt Nam có thành tích nổi bật và đóng góp to lớn cho xã hội. |
Tại Đại hội, câu chuyện truyền cảm hứng và là thành tựu lớn lao của ngành y tế năm 2020 đã được tái hiện, đó là câu chuyện tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM có mặt tại Đại hội thi đua yêu nước. Đây là ê kíp thực hiện cuộc phẫu thuật tách rời hai bé song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi hồi tháng 7 - được coi là ca phẫu thuật phức tạp bậc nhất Việt Nam. |
Hai bé Trúc Nhi, Diệu Nhi có mặt tại hội trường. Theo tiến sĩ - bác sĩ Trương Công Định (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM), cuộc đại phẫu cho cặp "Song Nhi" đã giúp mọi người chạm tới ước mơ. Đó là ước mơ của ba mẹ hai bé mong muốn con được trở về nguyên vẹn hình hài; đó là mong muốn của cả ê kíp phẫu thuật muốn vượt qua thử thách trong nghề nghiệp. |
Ca mổ tách rời hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi do tập thể bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM thực hiện đánh dấu bước tiến về kỹ thuật của y tế Việt Nam, đánh dấu vị trí của Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới. GS Trần Đông A (cố vấn trưởng trong ca đại phẫu tách rời cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi) chia sẻ "điều cao cả nhất của ngành y là trả con người bị dị tật nặng về với đời thường". |
Một điển hình tiên tiến khác là "kỹ sư chân đất" Nguyễn Văn Rô (sinh năm 1963, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Dù chưa học hết lớp 5, bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong 39 năm làm nghề cơ khí, ông đã trở thành chủ nhân của 5 sáng chế về máy móc, trong đó có máy cày “ước mơ nhà nông” nhẹ nhất, hiệu quả nhất, với giá thành rẻ nhất, phù hợp với người nông dân. Ông kể có những khi bán máy cày cho nông dân nhưng không lấy tiền ngay mà chờ họ trả sau khi thu hoạch “trúng mùa”. |
Ông Võ Văn Bình (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) là tấm gương được vinh danh khi dùng con thuyền mưu sinh hàng ngày của mình để lao vào dòng nước lũ cứu dân trong trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Bình. Ông chia sẻ khi đi thuyền qua dòng lũ, thấy người dân kêu cứu thảm thiết với những cánh tay giơ lên liên tục cầu cứu, ông không thể chần chừ mà chấp nhận rủi ro. "Nếu mình còn sức lực và khả năng cũng không thể ngồi yên ở nhà, vì mọi người cần mình", ông Bình chia sẻ. "Rất tốt", "rất dũng cảm", rất tuyệt vời"... là những từ mà người dân vùng quê Quảng Bình nói về người đàn ông dũng cảm - người đã quên cả ngôi nhà của mình đang bị ngập mà lao đi cứu những người khác. Làm việc ấy, ông tâm niệm rằng "sinh mạng của người khác quý hơn tài sản của mình rất nhiều". |
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh viện là đơn vị vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chia sẻ điều ấn tượng nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được giao là nơi điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở khu vực phía Bắc. Ngay từ lúc đó, bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất, con người và thuốc men để chuẩn bị cho cuộc chiến này. "Bệnh viện phong tỏa, chúng tôi - 300 cán bộ y tế, phải đóng cửa ở trong viện. Là người đứng đầu, tôi phải động viên anh em nỗ lực, cố gắng cứu chữa cho người bệnh, tránh dịch lan ra cộng đồng", bác sĩ Thạch chia sẻ. |
Đại tá Mai Hoàng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cầm trên tay món quà là gói muối trắng và ớt xanh, để gợi lại những kỷ niệm trong những ngày chiến đấu tại địa bàn huyện Mộc Châu, khi còn giữ cương vị Trưởng công an huyện Mộc Châu (Sơn La). Đại tá Mai Hoàng chia sẻ đây là những thứ mà anh cùng các đồng đội từng gắn bó khi chiến đấu hơn 3 năm ở Mộc Châu. Với quãng thời gian dài ở trong rừng, các chiến sĩ phải đem theo cơm nắm rồi chấm với muối trắng và ớt xanh. |
Em Ngô Quý Đăng - Học sinh lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đăng là học sinh lớp 10 đầu tiên giành Huy chương vàng Olympic toán học quốc tế IMO năm 2020. Cậu học sinh chia sẻ toán học là niềm đam mê lớn nhất từ nhỏ. "Đến bây giờ, niềm đam mê ấy còn lớn hơn nữa, em dành phần lớn thời gian trong ngày để học toán, làm toán mọi lúc, mọi nơi và không biết mệt mỏi", Đăng nói. Cậu học sinh lớp 10 chia sẻ ước mơ trở thành nhà toán học giống giáo sư Ngô Bảo Châu, để nghiên cứu các công trình liên quan đến toán học, đóng góp nhiều thành tựu cho đất nước. |